Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa báo cáo Chính phủ và phương án xử lý số tiền hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ chưa giải ngân hết. Gói hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ được thực hiện theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Tổng số tiền ngân sách dự kiến chi hỗ trợ tối đa 6.600 tỷ đồng, giải ngân hết năm nay.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cả nước có 60 tỉnh, thành phố triển khai chính sách, riêng Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng hỗ trợ nên không thực hiện.
Bộ LĐ-TB&XH xin trả lại hơn 2.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ thuê nhà trọ cho công nhân (Ảnh: ĐQ). |
Tới nay, cả nước đã chi hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho gần 5,2 triệu lượt lao động, tổng số tiền hơn 3.759 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ hơn 4,7 triệu công nhân đang làm việc tổng số tiền hơn 3.219 tỷ đồng; hỗ trợ 463 nghìn lượt công nhân trở lại thị trường lao động số tiền hơn 539 tỷ đồng.
Sau khi chi trả hỗ trợ, số tiền ngân sách còn dư khoảng 2.800 tỷ đồng.
Bộ LĐ-TB&XH cho hay, theo nghị quyết của Quốc hội, thời gian giải ngân gói hỗ trợ trên chỉ hết năm 2023, tức thời gian giải ngân còn lại không nhiều. Trong khi, để điều chỉnh nhiệm vụ chi số tiền còn lại phải được Quốc hội quyết định.
Từ đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ cho kết thúc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, số kinh phí còn dư chuyển lại ngân sách trung ương để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác. Sau khi quyết toán chính sách hỗ trợ, số kinh phí còn dư, Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo tính toán ban đầu của đơn vị đề xuất chính sách vào năm 2021, gói này dự kiến chi hỗ trợ cho khoảng 3,4 triệu công nhân, tổng kinh phí tối đa 6.600 tỷ đồng.
Cơ quan chủ trì thực hiện chính sách đánh giá, gói hỗ trợ đã kịp thời giúp công nhân lúc khó khăn, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi hậu dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, thực tế số tiền giải ngân chỉ bằng hơn 58% số dự kiến ban đầu. Điều này do các địa phương dự kiến số lao động được hỗ trợ ban đầu cao hơn thực tế; nhiều công nhân diện hỗ trợ không đề nghị hỗ trợ do thấy thủ tục phức tạp trong khi đó tiền hỗ trợ không quá cao; thiếu cơ sở dữ liệu về tình trạng nhà ở của công nhân.
Cũng còn tình trạng địa phương duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động chậm, lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn; có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong triển khai chính sách.
Tác giả: Lê Hữu Việt
Nguồn tin: Báo Tiền Phong