Pháp luật

Luật sư: 'Bắc thang hỏi ông trời, 1.500 tỷ có còn đòi được không’

Sáng nay, trước khi hỏi bị cáo Hà Văn Thắm, luật sư ví von: "Bắc thang lên hỏi ông trời, 1.500 tỷ có còn đòi được không?".

Sáng 9/9, phiên xử Hà Văn Thắm và 50 bị cáo tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của luật sư với các bị cáo và người liên quan bị triệu tập đến tòa. Phiên tòa diễn ra lúc 8h30, muộn hơn nửa giờ so với lịch xét xử.

HĐXX mời luật sư hỏi ông Đỗ Anh Quân - giám định viên ngân hàng, đại diện tổ giám định thiệt hại của Oceanbank.

Trước đó, căn cứ theo trưng cầu giám định của cơ quan điều tra, các giám định viên ngân hàng kết luận chủ trương chi lãi ngoài của các sếp Oceanbank gây thiệt hại cho nhà băng này hơn 1.500 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Quân cho biết ông được NHNN cử làm điện diện của cơ quan này cho vụ việc xảy ra ở Oceanbank. “Một mình tôi đủ đại diện cho 8 người khác trong đoàn giám định”. Tuy nhiên, luật sư khẳng định “một mình ông Hùng không đủ đại diện cho tổ giám định”.

Luật sư chất vấn ông Quân, giả thiết kết luận giám định có nhầm lẫn, sai sót trong kết quả giám định về số tiền gây thiệt hại của Oceanbank thì ai là người có thẩm quyền bổ sung, đính chính, hoặc sửa đổi lại nó.

“Nếu có thì do HĐXX kết luận. Kết luận của chúng tôi là khách quan, trung thực”, ông Quân nói và cho hay người ký ban hành kết luận giám định đã thừa lệnh thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trong phần hỏi của luật sư, đại diện cơ quan giám định nợ nhiều câu trả lời và khất sau như: Đối tượng giám định trong công văn yêu cầu là ai; Khi giám định thiệt hại của Oceanbank, NHNN đã thành lập ra tổ chức giám định chưa? Kết luận giám định dẫn: Nếu có đã gây thiệt hại trong Oceanbank là bao nhiêu?

Sau ông Quân, luật sư tiếp tục hỏi bị cáo Hà Văn Thắm về thiệt hại hơn 1.500 tỷ mà cáo trạng quy kết. "Tôi phải hỏi anh rằng bắc thang lên hỏi ông trời, 1.500 tỷ có còn đòi được không?", luật sư nói.

Sau khi ví von, vị luật sư hỏi cựu Chủ tịch Oceanbank có phải việc chi 1.500 tỷ chăm sóc khách hàng mà nguyên nhân khiến nhà băng này âm vốn sở hữu và là nguyên nhân khiến Nhân hàng Nhà nước mua lại Oceanbank với giá 0 đồng không?

“Không! Vốn chủ sở hữu là vốn điều lệ của Oceanbank có giá trị 4.000 tỷ đồng. Số tiền này được dùng đầu cư cơ sở vật chất, đầu tư tài chính, chứng khoán, góp vốn. Còn tiền kinh doanh các bị cáo dùng để chi cho khách là tiền thu của khách hàng vay tiền, trả cho khách hàng gửi tiền", bị cáo Thắm nói.

Luật sư cho hay phải hỏi lại ông Thắm điều này bởi đang có nhiều người nhầm lẫn vốn chủ sở hữu của Oceanbank và vốn kinh doanh của nhà băng này.

Sau phần trả lời của bị cáo Thắm, luật sư tiếp tục hỏi ông Đỗ Anh Quân - giám định viên ngân hàng, đại diện tổ giám định thiệt hại của Oceanbank.

“Ông có nói một câu nổi tiếng trong phiên xử ngày 5/9 rằng với vai trò trưởng đoàn giám định, ông không có chức năng giám định thiệt hại của Oceanbank. Có việc đó không”?, luật sư chất vấn. Do người bị hỏi trả lời vòng vo câu hỏi của luật sư khiến chủ tọa Trần Nam Hà phản chen ngang: “Vị đại diện cơ quan giám định trả lời thẳng câu hỏi của luật sư, ông có chức năng giám định thiệt hại không”?

Theo ông Quân, hôm 5/9, ông đã trả lời toàn bộ đã nội dung kết luận đã ban hành đã thể hiện đầy đủ đã xác định thiệt hại của Oceanbank. "Cơ quan cảnh sát điều tra với các số liệu cung cấp đã xác định đó là thiệt hại đó rồi. Chúng tôi chỉ xác định những sai phạm và vi phạm theo các quy định của Ngân hàng nhà nước", ông Quân nói.

"Xin cảm ơn ông Quân, xin cảm ơn rất nhiều”, luật sư nói và nhắc lại câu trả lời của ông Quân rằng đoàn giám định nói “cơ quan điều tra xác định rồi cho nên chúng tôi không cần phải giám định nữa". Nghe vị đại diện cơ quan giám định trả lời, những người dự tòa, trong đó có nhiều cựu nhân viên của Oceanbank đồng loạt vỗ tay.

Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xử sáng 9/9. Ảnh: Việt Hùng.

Hôm qua, trong phiên xử ngày thứ 8, HĐXX dành nhiều thời gian để luật sư xét hỏi các bị cáo và người liên quan bị triệu tập. Hơn chục bị cáo là giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch thuộc Oceanbank khi nghe luật sư bào chữa thẩm vấn và hỏi “suy nghĩ gì với cáo buộc cố ý làm trái”, tất cả đều khẳng định mình không đáng và bị oan.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên, nguyên Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu, cho rằng bản thân bà và hơn 30 giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank đang hầu tòa không hiểu vì sao bị buộc tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng trong phiên xử, bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank), được nhiều luật sư gọi lên thẩm vấn về chủ trương chi lãi suất ngoài trái quy định gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 1.500 tỷ đồng. Song giống như các lần trả lời trước, "thuyền trưởng" Oceanbank tái khẳng định cáo trạng quy kết ông như vậy chưa chính xác và chủ trương chi lãi ngoài không gây thiệt hại cho nhà băng - nơi Thắm nắm đa số cổ phần.

Khi được hỏi về số tài sản đang bị niêm phong phục vụ điều tra, Thắm trình bày rằng tài sản đó hình thành sau hôn nhân, trước khi xảy ra sự việc. Bị cáo 45 tuổi mong HĐXX chỉ xử lý 1/2 số tài sản đó trong trường hợp ông bị quy buộc phải bồi thường thiệt hại.

Cùng ngày, thẩm phán yêu cầu thư ký tòa phối hợp với cơ quan công an triệu tập thêm một số người đến phòng xử để phục vụ điều tra. Đó là ông Trần Thanh Quang (Phó tổng giám đốc Oceanbank), Lê Thị Thoa (Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội - vợ ông Bùi Văn Hải, Trưởng ban kiểm soát Oceanbank)...

Tại tòa, họ trình bày không biết về chủ trương chi lãi ngoài vượt trần trái quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP