Theo ông Xuyền, cuộc họp do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì, với sự tham gia của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Thường trực UB Pháp luật, các ủy ban của QH, các bộ, ban, ngành có liên quan.
"Cũng như các luật khác, với luật này, thấy còn nhiều ý kiến của cử tri, dư luận nên QH tổ chức cuộc họp mời Chính phủ sang và đại diện các cơ quan rộng hơn để xem xét, tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý lại cho phù hợp", ông Xuyền cho hay.
Ông không tiết lộ thông tin chi tiết các nội dung tiếp thu, chỉnh lý lại trong dự thảo vì còn chờ xin ý kiến UB Thường vụ QH xem xét, trước khi trình ra QH để biểu quyết vào ngày 15/6.
Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Bùi Văn Xuyền. Ảnh: Thu Hằng |
Cho thuê đất cao nhất 70 năm
Về thời hạn cho thuê đất tại đặc khu, ông Xuyền cho hay, khả năng phần nhiều là ban soạn thảo luật tiếp thu ý kiến của các ĐB, sẽ giảm thời hạn cho thuê đất/giao đất xuống 70 năm, như các khu kinh tế khác hiện nay và như luật Đất đai hiện hành.
"Chúng tôi họp là để tiếp thu ý kiến của ĐBQH chứ không phải theo đề xuất của Chính phủ", ông nói và cho biết quy định cho thuê đất đặc khu 99 năm sẽ bỏ, duy trì cao nhất là 70 năm, như quy định của luật Đất đai.
Theo ông, đặc khu như thế không còn gì đặc biệt nữa. "Nói thực là so với các quy định hiện nay, giờ giảm đi như vậy thì theo nhận định của Bộ trưởng KH-ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo, hầu hết các cơ chế đặc thù cũng không còn gì, không cao nữa", ĐB Xuyền chia sẻ.
Ông phân tích thêm, việc giao đất 70 năm thì không có vấn đề gì, là quy định chung theo luật đất đai rồi. Còn ở các đặc khu thì xác định đưa ra một số ngành nghề được khuyến khích ưu đãi đầu tư vì nó mang tính đặc thù và được ưu đãi, ưu tiên.
Ngoài yếu tố đất đai, còn được ưu đãi về thuế, ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo các quy định cụ thể. Còn lại thì những nội dung nào không xác định thuộc ngành nghề khuyến khích ưu tiên thì được tự do hoạt động nếu pháp luật không cấm.
ĐB Bùi Văn Xuyền cũng chia sẻ thêm: "Cá nhân tôi nghĩ nên thông qua dự án luật trong kỳ họp này bởi một đạo luật thường một kỳ cho ý kiến, một kỳ thông qua, với các luật phức tạp có nhiều ý kiến khác nhau thì giữ lại".
Theo ông, với dự án luật này, dù phức tạp, có nhiều ý kiến nhưng các cơ quan soạn thảo đã làm rất kỹ và thực tế chưa có luật nào làm công phu như thế, tất cả các bộ, ngành đều vào cuộc để làm.
Tại kỳ họp thứ 4 của QH, khi đưa ra thảo luận, nhiều ĐB ủng hộ rất cao và sau kỳ họp, UB Pháp luật, Bộ KH-ĐT đã họp với nhau nhiều lần để chỉnh sửa liên tục theo ý kiến của ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học...
"Việc chỉnh sửa rất nhiều, rất gọn đến nay tôi cho rằng được rồi. Đây là luật mới, sau này khi tổ chức thực hiện như thế nào mới có thể nói được. Còn bây giờ ngồi đây nói tròn trĩnh như thế này, thế kia thì rất khó, tất nhiên phải rất cẩn trọng", ông Xuyến nhấn mạnh.
ĐB tỉnh Thái Bình cho rằng, chỗ nào ý kiến của ĐBQH, cử tri nêu thấy cần phải chỉnh sửa, chặt chẽ, tránh hậu quả sau này thì phải sửa. Tuy nhiên có những vấn đề chưa mường tượng hết được nên phải tổ chức thực hiện đã, sau có phát sinh gì thì luật do QH ban hành nên QHcó thể chỉnh sửa.
"Nếu để lại cũng thế thôi và có nghiên cứu, bổ sung được gì không vì học tập kinh nghiệm nước ngoài đi hết rồi. Tôi cũng được đi sang Thổ Nhĩ Kỳ thăm các khu tự do và thấy họ làm rất nhanh, cứ làm rồi sửa. Nhà đầu tư đến họ cứ mời chào, tạo điều kiện tối đa về thủ tục, trình tự đầu tư, thuế...", ông Xuyền nói.
Theo ông Xuyền, ngoài ra, các khu kinh tế, công nghiệp của chúng ta hiện nay các ưu đãi đã đến mức độ bão hòa, phát triển chậm lại nên Chính phủ, định hướng của Đảng, theo quy định Hiến pháp để làm luật này tạo ra mô hình kinh tế, tổ chức bộ máy, hành chính, quản lý nhà nước mới, mang tính chất thử nghiệm. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm để có thể mở rộng ra.
Dẫn chứng Trung Quốc từ mấy khu kinh tế đã mở ra hàng chục khu kinh tế và thay đổi các cơ chế chính sách ở đó, ông Xuyền cho hay: "Tôi đồng tình và cho rằng cố gắng ban hành luật này càng sớm càng tốt".
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet