Sáp nhập thôn xóm góp phần mang lại nguồn lực lớn trong xây dựng giao thông nông thôn. |
Đã hơn 11h trưa, Trưởng thôn Phú Sơn – Nguyễn Sơn Hải vẫn cùng mấy thanh niên loay hoay kéo thước đo ngắm trên đoạn đường ngõ xóm còn thơm mùi xi măng… Nghe anh cán bộ xã nói có nhà báo về tìm hiểu việc sáp nhập thôn xóm, ông Hải cười cười rồi chỉ tay vào đoạn đường bê tông, nói: “Đoạn đường này cũng là một minh chứng cụ thể về tính hiệu quả của việc sáp nhập thôn. Nếu trước đây muốn làm được đoạn đường này phải chờ không biết mấy năm mới góp đủ tiền và cứ nghĩ như thế là không ai muốn làm… Giờ số người, số hộ của thôn đã tăng gấp đôi nên khi có chủ trương là huy động mỗi khẩu mấy trăm ngàn đồng, mấy ngày công là làm được ngay. Đoạn này cũng rứa, vừa mới hoàn thành được mấy ngày, nay anh em chúng tôi kiểm tra lại xem có gì khiếm khuyết không… Như vậy là thôn chúng tôi năm nay đã hoàn thành chỉ tiêu đường giao thông nông thôn. Nếu tính đoạn ni và của năm trước nữa là cả thôn có trên 2.000m. Nói chung, cơ bản đường làng, ngõ xóm trong thôn đã được bê tông hóa…”.
Thấy tôi còn mơ hồ, ông Hải cặn kẽ: Thôn Phú Sơn hôm nay được hình thành từ 2 thôn: Bắc Sơn và Nam Tiến. Hiện thôn mới có 220 hộ với 954 nhân khẩu. Quy mô thôn tăng gấp 2 lần so với trước nên việc huy động sức người, sức của cũng mạnh hơn, nhanh hơn. Nếu để 2 thôn như trước thì việc huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ khó khăn nhiều…
Cũng như Phú Sơn, thôn Sâm Lộc chỉ sau 2 năm sáp nhập đã đổi thay nhanh chóng. Nhiều ngõ xóm ngày nào còn đường đất đọng nước, ruồi muỗi… nay được thay bằng đường bê tông với mương thoát nước 2 bên sạch sẽ. Ghé thăm nhà mấy hộ trong thôn, thấy nhà nào cũng khá: ti vi màu màn hình lớn, xe máy, tủ lạnh, nhà trên, nhà bếp đều lát gạch men bóng loáng. Các bác cho biết, vài năm trở lại đây, nhất là từ ngày sáp nhập thôn Bắc Giang và Nam Giang thành Sâm Lộc, nhìn chung, mọi phong trào của địa phương đều được người dân hưởng ứng tích cực và thực chất hơn.
Cùng với phong trào xây dựng NTM, hoạt động sản xuất, nâng cao thu nhập đều được nhà nhà tham gia. Đi cùng chị Huyền ra đồng rau sạch khi đã gần 11h trưa, chị cho biết: Từ sáng đến giờ, 2 mẹ con đưa sản phẩm “cây nhà lá vườn” ra chợ tỉnh vừa nhập, vừa bán, giờ tranh thủ đánh luống gieo hạt mồng tơi, loại rau này hiện đang được người tiêu dùng ưa thích mà lại có giá… Vất vả nhưng thu nhập cao hơn trồng lúa nhiều. Nhìn vườn rau nhà chị Huyền gần 800m2 gồm bí xanh, mồng tơi, rau dền… xanh mướt như tranh, tôi hỏi chị: “Sản phẩm này có liên quan gì đến sáp nhập thôn không?”.
Chị chỉ tay ra đồng bên cạnh, nói: “Chú coi, trong thôn, trong xã nhiều nhà tham gia làm rau sạch… Phong trào này chỉ thực sự mạnh lên kể từ ngày sáp nhập… Cán bộ thôn đến từng nhà để tuyên truyền, vận động làm rau sạch, giờ cho thu nhập khá rồi thì cứ rứa mà làm”….
Đưa chuyện được nghe, được thấy ở thôn Phú Sơn nói với lãnh đạo xã, các anh còn cho biết thêm lợi ích của việc sáp nhập thôn ở địa phương. Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn – Nguyễn Văn Thìn, quả quyết: “Đây thực sự là cuộc cách mạng mới ở nông thôn. Người dân cho đến cán bộ, đảng viên vốn đã quen với tập quán, cách quản lý gần gũi, họ hàng, nhỏ lẻ…, giờ nhập lại, đâu dễ… Cả xã đang từ 10 thôn, xuống còn 7 thôn. 27 cán bộ thôn xóm bỗng nhiên “mất việc làm”, tránh sao không có phản ứng, ý kiến này, ý kiến nọ… Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, mọi hoạt động trở nên trôi chảy và chỉ sau 2 năm thực hiện, kết quả mang lại thật đáng mừng… Đó là chưa kể, mỗi năm, riêng xã chúng tôi đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 150 triệu đồng, nhờ giảm các chức danh thôn…”.
Bí thư Đảng ủy xã Dương Kim Hợi – người vừa đưa chúng tôi tham quan mô hình sản xuất thực phẩm xanh tại một số hộ trong xã, cho biết thêm: Sau khi sáp nhập, quy mô thôn tăng lên, nguồn lực theo đó cũng tăng lên, nhiều mô hình mới được hình thành theo hướng chuyển từ cây truyền thống như lúa, lạc… sang rau, củ, quả chuyên canh có diện tích lớn. Và quan trọng nữa là bộ máy tổ chức thôn, xã đều mạnh lên, làm việc hiệu quả hơn nhờ lựa chọn được những cán bộ có năng lực, nhiệt tình… Số cán bộ thôn do sức khỏe, năng lực yếu, không đủ điều kiện được xã động viên nghỉ, lúc đầu cũng có người không bằng lòng nhưng rồi họ cũng hiểu vì phong trào chung.
Dù cái được là rất lớn, tuy nhiên, sau hơn 2 năm sáp nhập thôn xóm, các thôn ở Tượng Sơn vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, quy mô thôn tăng cả về diện tích, dân số… làm cho cán bộ thôn vất vả trong công việc nhưng chưa có thêm phụ cấp, hỗ trợ gì. Sau khi sáp nhập, một số cơ sở vật chất, cụ thể là nhà văn hóa thôn không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, dẫn đến tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa, nhưng để xây dựng mới là rất khó khăn, nhất là khi mọi nguồn lực đang tập trung cho nhiều tiêu chí khác trong xây dựng NTM. Nếu như trước đây, cán bộ thôn xóm có thể tiếp cận người dân thường xuyên hơn, thì nay đã giảm đi. Mọi chủ trương, chính sách cấp trên nay ở thôn xóm chủ yếu tuyên truyền bằng loa, người nghe, người không, ít nhận được phản hồi từ người dân… Đây có lẽ cũng là tình trạng chung ở các địa phương trong tỉnh.
Nhìn từ Tượng Sơn có thể thấy, lợi ích, hiệu quả đưa lại từ việc sáp nhập thôn là rất rõ ràng, thiết thực. Tuy nhiên, để chủ trương đúng đắn này cùng với phong trào xây dựng NTM góp phần làm thay đổi toàn diện tại cơ sở, thiết nghĩ, cần sớm có chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ thôn cũng như trong xây dựng một số thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, hệ thống truyền thanh…
Trọng Tuệ/Baohatinh.vn