Giá điện mặt trời. |
Vượt mặt chính quyền, tự ý làm dự án điện
Trong công văn của huyện Hương Khê chỉ cho phép ông Lệ thực hiện dự án trồng cây dược liệu |
Tại huyện Hương Khê, một số dự án cấp phép đồng ý cho nhà đầu tư triển khai mô hình trồng cây dược liệu kết hợp rau, củ, quả theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư triển khai thêm dự án điện mặt trời mà không thông báo với chính quyền.
Huyện Hương Sơn cũng phát hiện nhà đầu tư triển khai dự án điện mặt trời. Cuối tháng 4, UBND huyện này có văn bản gửi tỉnh và các sở liên quan xin ý kiến chỉ đạo giải quyết lắp đặt pin mặt trời trong trang trại sản xuất nông nghiệp. Địa chỉ dự án tại thôn 9, xã Sơn Lĩnh.
Đây là dự án xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp và dược liệu. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 25/9/2017 với tổng diện tích 11.300m2 đất. Qua kiểm tra, địa phương này phát hiện trên các cọc sắt nhà màng lắp đặt hệ thống sản xuất điện mặt trời.
UBND huyện Hương Sơn cho biết, việc chủ đầu tư lắp đặt hệ thống pin mặt trời nằm ngoài nội dung, quy mô dự án được phê duyệt và không thuộc thẩm quyền quyết định của UBND huyện này. Hệ thống điện mặt trời trong trang trại sản xuất nông nghiệp là một hình thức đầu tư mới. Các quy định của pháp luật để khuyến khích đầu tư hoặc xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư chưa cụ thể.
UBND huyện Hương Sơn đã báo cáo sự việc và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành kiểm tra, đánh giá và thống nhất xử lý nội dung trên. Tiếp nhận công văn trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và Công ty Điện lực Hà Tĩnh trả lời UBND huyện Hương Sơn. Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng trôi qua, địa phương này vẫn chưa nhận được câu trả lời dứt điểm để xử lý vụ việc từ các ngành liên quan.
Chưa có hướng dẫn cụ thể
Công văn Bộ Công Thương |
Ông Dương Thanh Hòa – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, sau Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 2794/BCT-ĐL ngày 20/4/2020 hướng dẫn các địa phương, Tập đoàn Điện lực thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.
Văn bản yêu cầu các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư dự án điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời mái nhà đáp ứng tiêu chí áp dụng giá bán điện theo Quyết định 13. Đồng thời, xin ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu…
“Hiện nay, Bộ Công Thương đang tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương liên quan để ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 13 của Chính phủ” - ông Hòa nói.
Cũng theo ông Hòa, chủ đầu tư cần thực hiện đúng mục tiêu dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận. Việc tận dụng lắp đặt hệ thống điện mặt trời cần đảm bảo đúng quy định.
Cũng theo ông Hòa, trước đây Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương có nêu một số yêu cầu về công suất đấu nối đối với hệ thống điện trên mái nhà, còn hiện tại Bộ này chưa có hướng dẫn gì thêm.
“Nếu có nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà dưới 1 MW cùng xây dựng trên một khu vực, đấu nối vào cùng một hệ thống đường dây sẽ gây khó khăn trong việc giải tỏa công suất lưới điện” – ông Hòa khuyến cáo.
Hiện Sở Công Thương Hà Tĩnh đã báo cáo Bộ Công Thương về các khó khăn, vướng mắc nêu trên. Đề nghị Bộ sớm có Thông tư hướng dẫn để vừa đảm bảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành đối với các nội dung khác có liên quan.
Núp bóng, trốn quy hoạch
Công văn Sở Công Thương Hà Tĩnh về việc thực hiện điện mặt trời áp mái |
Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, giá mua với dự án điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 UScent/kWh. Với dự án điện mặt trời mái nhà là 8,38 UScent/kWh. Mức giá này được đảm bảo trong 20 năm. Như vậy, nếu đưa các dự án dưới 1 MW nối lưới nói trên vào diện được đảm bảo mua điện trong 20 năm, trong khi ban đầu không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra sẽ tạo ra tiền lệ cho việc nở rộ các dự án nhỏ mà không tuân thủ quy hoạch.
Một lãnh đạo Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng khuyến cáo, xét về mặt kỹ thuật trong đầu tư điện mặt trời phải tính tới thực tế các dự án dưới 1 MW thường đấu nối vào lưới điện dưới 35 kV (là lưới phân phối đến các hộ tiêu dùng). Nếu có sự gia tăng đột biến nguồn từ vô số các dự án nhỏ cộng lại, sẽ dẫn tới nguy cơ không ổn định trong cấp điện cho các hộ tiêu thụ cuối cùng.
“Lưới điện phân phối tại nhiều nơi chất lượng chưa cao. Nguyên nhân là do được đầu tư từ lâu hoặc khu vực quản lý phức tạp. Vì vậy, để quản lý các dự án điện mặt trời “núp bóng, trốn quy hoạch” cần phải có quy định cụ thể, không để xảy ra những hệ lụy trong đảm bảo cấp điện” - vị này cho hay.
Các cá nhân, doanh nghiệp tại Hà Tĩnh đầu tư dự án điện mặt trời hầu hết đều đi thuê, sử dụng trang trại hoặc đất bỏ hoang cải tạo lại để quy hoạch trồng cây dược liệu. Sau đó họ đầu tư điện mặt trời dưới 1 MW không có mái, vừa lách được yêu cầu bổ sung quy hoạch, lại được hưởng giá bán điện cao (điện mặt đất nhưng bán giá với điện áp mái – PV).
Điện lực Hà Tĩnh cũng thừa nhận, đã xuất hiện tình trạng, tại một địa điểm (trên cùng mảnh đất) chủ đầu tư chia nhỏ để lắp đặt dự án điện mặt trời dưới 1 MW. Dường như đã có sự lách luật để vẫn đầu tư được các dự án điện mặt trời nhằm hưởng giá bán điện 8,38 UScent/kWh trong 20 năm, thay vì phải đấu thầu.
Tác giả: Trương Hoa – Cẩm Tú
Nguồn tin: Báo GD&TĐ