Dự án của ông Lệ mới trồng rất ít cây dược liệu đinh lăng dưới áp điện mặt trời. |
Dự án điện mặt trời… trồng dược liệu
Gần đây, tại Hà Tĩnh xuất hiện nhiều dự án trồng cây dược liệu tại các huyện miền núi. Đáng nói, ăn theo đó là các hạng mục điện mặt trời dưới 1MW được các cá nhân, tổ chức đầu tư để sản xuất và bán điện.
Ngày 5/2, UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có văn bản số 167/UBND-NN gửi xã Phúc Đồng đồng ý chủ trương triển khai mô hình sản xuất dược liệu kết hợp trồng rau, củ, quả theo hướng công nghệ cao của ông Đặng Hồng Lệ (trú tại tổ 15, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê).
Theo đó, quỹ đất thực hiện dự án của hộ ông Đặng Hồng Lệ tại thôn 3, xã Phúc Đồng có diện tích hơn 5,6ha (300m2 đất ở, hơn 5,5ha đất trồng cây lâu năm – PV) đã được UBND huyện này cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 2, bản đồ số 85.
Quyết định nêu rõ, việc xây dựng mái nhà trên lô đất thực hiện dự án phải bảo đảm quy hoạch và các quy định hiện hành, mục đích sử dụng đất và không thuộc diện phải cấp phép xây dựng.
Trong phương án sản xuất kinh doanh của ông Lệ gửi chính quyền các cấp huyện Hương Khê cho biết, tận dụng phần mái nhà phục vụ nông nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để sản xuất điện năng để phục vụ dự án nông nghiệp và bán lượng điện dư thừa.
Có phương án sản xuất kinh doanh cùng với “bảo bối” là văn bản số 167/UBND-NN của UBND huyện Hương Khê trong tay, ông Lệ nhanh chóng triển khai dự án từ đầu năm 2020.
Mặc dù thực hiện phương án trồng cây dược liệu, tuy nhiên, theo quan sát của PV hiện chủ đầu tư mới chỉ trồng rải rác loại cây đinh lăng trên một phần diện tích đất. Còn công trình điện mặt trời được chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thiện.
Hiện tại trên khu đất của ông Lệ có hai công trình điện mặt trời, mỗi công trình có công suất 1MW. Trong đó, một công trình được xây dựng bằng hệ thống giá đỡ bằng khu sắt, mái lợp tấm nhựa mỏng, phía trên mái khung lắp đặt các tấm quang điện để sản xuất điện mặt trời. Công trình do Công ty Cổ phần đầu tư Thuận An 68 (trụ sở tại thôn 3, xã Phúc Đồng) đầu tư, đã đấu nối và hòa vào lưới điện 35 KV. Giá mua điện là 1.940 đồng/kwh (tương đương với 8,38 cents/kwh).
Công trình còn lại được xây dựng bằng hệ thống cột bê tông làm giá đỡ, mái lợp nhựa mỏng, áp trên mái nhựa này là những tấm quang điện. Dự án do ông Lệ đứng tên làm chủ, đã hoàn thành nhưng chưa đấu nối bán điện.
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, ông Lệ là nhân viên lái xe cho UBND huyện Hương Khê. Ông Lệ cho biết, Công ty Thuận An 68 do một số người thân thành lập, bà Trần Thị Thanh Thủy làm giám đốc công ty là cháu họ của ông Lệ.
Hiện nay, Hà Tĩnh tại một số huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn… một số nhà đầu tư cũng thực hiện điện mặt trời tại một dự án sản xuất nông nghiệp tổng hợp, khu đất hoang. Các địa phương này cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc chỉ đạo các sở ngành kiểm tra, đánh giá và thống nhất xử lý một số nội dung liên quan đến điện mặt trời.
Tránh lách luật khi làm điện mặt trời |
Ông Lệ thông tin, quá trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời không cần xin phép cơ quan chức năng bởi các hạng mục đều có công suất dưới 1MW, đồng thời không phải thực hiện việc xin cấp phép xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ (người ký văn bản số 167/UBND-NN) cũng cho biết, huyện Hương Khê đồng ý cho ông Lệ thực hiện mô hình trồng cây dược liệu, song quá trình làm điện mặt trời không báo cáo với huyện.
“Sau khi biết được ông Lệ có làm điện mặt trời chúng tôi có đến kiểm tra nhưng không thể bắt được lỗi vì không có quy định, chế tài nào cụ thể để xử lý” - ông Kỳ nói.
Ông Dương Thanh Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh dẫn Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg cho hay, hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất không quá 1MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện.
“Hiện nay chưa có Thông tư hướng dẫn, nên chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành” - Ông Hòa nói.
Việc triển khai các dự án trồng cây dược liệu trong đó có các hạng mục khung sắt, tấm quang điện nhưng không thực hiện các kế hoạch bảo vệ môi trường, việc này có đúng với quy định? Trả lời cho thắc mắc này, ông Hòa cho rằng, tận dụng mái nhà xưởng, công trình trang trại, nông nghiệp để lắp đặt điện mặt trời mà không có tính toán, thiết kế bảo đảm an toàn dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường…
Về việc, có quy định nào cấm trên cùng một khu đất không được đầu tư nhiều dự án điện mặt trời, ông Hòa nói: “Nếu có việc cố tình “xé nhỏ” để chia tách thành nhiều dự án trong cùng một khu vực có công suất lắp đặt dưới 1MW để hưởng chính sách giá điện mặt trời mái nhà và cố tình lách luật để tránh các quy định áp dụng đối với điện mặt trời mặt đất là chưa đúng quy định của Nhà nước”.
Tác giả: Trương Hoa – Cẩm Tú
Nguồn tin: Báo GD&TĐ