Lễ tế Danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện
Danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện sinh năm Tân Tỵ (1401) ở làng Phúc Đậu, xã Phúc Dương (nay là xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và đi săn. Từ nhỏ, ông sớm mồ côi cha nên phải giúp đỡ mẹ làm lụng kiếm sống, lớn lên trong cảnh nước mất, quê hương bị giặc Minh thống trị tàn bạo, Nguyễn Tuấn Thiện sớm nuôi chí diệt thù, cứu dân, cứu nước. Ông đã tự đứng ra tập hợp một số bạn bè có cùng chí hướng ở quê hương ngày đêm luyện tập võ nghệ và thành lập đội quân Cốc Sơn để bảo vệ xóm làng trước sự cướp phá của giặc Minh xâm lược.
Đoàn lãnh đạo huyện Hương Sơn thắp hương
Khi nghĩa quân Lê Lợi tiến vào vùng đất Đỗ Gia, ông đã huy động nhân dân khắp vùng cùng với đội quân Cốc Sơn của ông sát cánh với nghĩa quân của Lê Lợi chiến đấu anh dũng và đã đánh tan quân Minh ở Khuất Giang (núi Nầm). Sau trận đánh, Lê Lợi cùng Nguyễn Tuấn Thiện đã làm lễ nguyện thề kết nghĩa anh em, quyết một lòng cứu nước.
Trải qua 10 năm chống giặc Minh, Nguyễn Tuấn Thiện cùng với các tướng lĩnh Đinh Liệt, Trịnh Khả, Lê Sát, Nguyễn Xí đã chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt quét sạch giặc Minh ra khỏi đất nước.
Do có tài năng và công lao to lớn với đất nước nên ông được triều đình phong làm Đô Tổng quản Phó nguyên soái. Năm Thuận Thiên thứ I (1438) được liệt vào hạng Công thần ái quốc. Năm 80 tuổi, ông về nghỉ hưu ở làng Ninh Xá (xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn ngày nay). Ông mất vào ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Dần (1494) hưởng thọ 94 tuổi. Theo lời căn dặn của ông, con cháu đã an táng ông tại động Kim Quy. Trải qua hơn 5 thế kỷ mộ của ông vẫn được bảo vệ nguyên trạng trên Kim Quy Sơn, được con cháu trong họ và nhân dân địa phương giữ gìn tôn tạo và hương khói thường niên.
Khuôn viên Mộ và nhà thờ Danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện
Nhân kỷ niệm 520 năm ngày mất; 20 năm nhà thờ và mộ của Nguyễn Tuấn Thiện được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, dòng tộc họ Nguyễn tại xã Sơn Ninh đã tổ chức lễ tưởng niệm. Đây là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn nhằm ghi nhớ công lao của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Lê Nhật Tân