Giáo dục - Đào tạo

Lẽ phải khiến người ta bỗng dưng muốn khóc

Một cô giáo ở Hà Tĩnh bị lũ cuốn trôi khi đến trường cứu tài sản, mất đã 4 năm nay mà vẫn không được công nhận liệt sĩ.

Câu chuyện về cô giáo Trần Thị Hoa ở trường mầm non xã Hương Thuỷ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị lũ cuốn trôi khi đến trường cứu tài sản, sách vở đồ dùng học tập của nhà trường ai biết đến cũng nghẹn ngào cảm động.

Sáng ngày 3-10-2010, thấy nước lũ lên to, cô giáo Hoa nói với chồng: “Nhà trường mới mua mấy triệu tiền đồ dùng dạy học, sách vở, nước lũ ngập trường thì sẽ hỏng hết, em phải đến cất dọn cho nhà trường”. Vợ đi trước, chồng thấy lo nên lội theo sau, lội nước ngang người 4 cây số, chưa đến được trường thì cô Hoa nước lũ cuốn đi. 3 ngày sau gia đình mới tìm thấy thi thể.

Cô Hoa ra đi để lại hai đứa con thơ dại, đứa con nhỏ của cô khi ấy mới 3 tuổi đầu. Vì hành động dũng cảm quên mình của cô, Thủ tướng Chính phủ đã truy tặng bằng khen cho cô Hoa vào ngày 9-11-2010.

Nhưng từ đó đến nay, điều mong muốn của nhà trường và gia đình là các cơ quan chức năng công nhận danh hiệu liệt sĩ cho cô giáo Hoa mãi vẫn không được chấp nhận. Ông Bùi Ngọc Du- Phó phòng LĐTBXH huyện Hương Khê cho biết, hồ sơ của cô Hoa đến nay vẫn vướng, vì thiếu biên bản lúc xảy ra sự việc.

Quay lại thời điểm đó, một cái chết vì tai nạn bất ngờ, không ai nghĩ đến việc lập biên bản mà chỉ lo tìm kiếm thi thể người bị nạn. Còn hiện nay, không cơ quan nào dám đứng ra lập lại biên bản, vì sự việc xảy ra quá lâu rồi. Thế nên việc đòi hòi biên bản trong hồ sơ của cô Hoa là quá khó cho gia đình.

Gia đình cô nay còn mẹ già, con dại, người chồng chịu cảnh goá bụa, gà trống nuôi con, họ mong mỏi thiết tha cho cô Hoa được danh hiệu liệt sĩ để các con cô có chút chế độ, đỡ phần gieo neo. Thế nhưng đòi hỏi của cơ quan chức năng như thế, chẳng khác nào một lời từ chối.

a

Chồng cô giáo Trần Thị Hoa bên bằng khen của người vợ quá cố. Ảnh: báo Lao động

Câu chuyện là như thế đấy. Một sự rập khuôn cứng nhắc các thủ tục. Cũng chẳng khác nào chuyện mẹ liệt sĩ tái giá nên không được công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trước đây. Các công chức của ngành LĐTBXH thì chỉ căn cứ vào giấy tờ, hồ sơ mà thôi, bất kể chữ “tình” trong câu chuyện.

Những con người có tinh thần trách nhiệm như cô giáo Hoa, bấp chấp nguy nan xông vào nước lũ, lội bộ đến trường để cứu sách vở, đồ dùng học tập, bị nước lũ cuốn trôi đã thiệt thân. Vậy mà thủ tục để được công nhận liệt sĩ thì bị đình lại, không thông qua vì thiếu tờ biên bản.

Mọi thứ luật lệ trên đời đều do con người đặt ra, sinh ra để phục vụ con người, để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho người, vì thế không thể chỉ vì những tiểu tiết mà trở thành một thứ luật lệ vô tình, xóa trắng tất cả như vậy.

Cái cách mà người ta đang đối xử với những người xả thân vì cộng đồng đến nỗi thiệt thân như cô giáo Hoa, đã dạy cho những người khác một bài học quý giá: từ nay thấy việc nghĩa thì đừng, cố tránh cho xa, chỉ nên bo bo ích kỷ mà lo lấy thân mình  vì nếu chẳng may có làm sao thì người thân, gia đình mình gánh đủ.

Chúng ta cứ trách móc vì sao xã hội ngày càng mất nhân tính, vì sao người vô cảm với người, chính là vì những người nắm trọng trách trong tay đã hành xử một cách vô cảm như thể họ không có trái tim vậy. Cái tốt, điều thiện không được khuyến khích, nâng đỡ, những cư xử nhân văn bị bỏ quên.

Câu chuyện của cô giáo Hoa khiến tôi liên tưởng đến chuyện cuốn sổ tiết kiệm sau 30 năm, số tiền trị giá hai chỉ vàng của bà Lê Thị Bích Thủy ở TP Hồ Chí Minh được ngân hàng Công thương quy về thời giá đương thời và chi trả cho bà 4.385 đồng (bốn ngàn ba trăm tám mươi lăm đồng), tương đương 2 ly trà đá.

a
Cuốn sổ tiết kiệm bị bốc hơi sau 30 năm. Ảnh Báo Tuổi trẻ

Những vụ phi  lý như vậy vẫn tồn tại, bởi nó được căn cứ vào các quy định của pháp luật, và nạn nhân thì đành bó tay chịu vậy, chứ biết cãi vào đâu, cãi lại ai?

Nếu là những công chức biết hành xử, suy nghĩ bằng lý trí nhưng đừng bỏ qua mệnh lệnh từ trái tim, họ sẽ biết việc nào nên, việc nào không nên để dân được nhờ. Bởi có những việc nếu tuân thủ rập khuôn đúng quy định thì chẳng khác nào một tội ác. Còn bằng không, cứ hành xử một cách thẳng băng, cứng nhắc vô tình vô nghĩa thế này, người dân thấp cổ bé họng bao giờ cũng chịu thiệt.

Câu chuyện của cô giáo Hoa, cũng như cuốn sổ tiết kiệm bốc hơi sau 30 năm, chỉ là hai trong số hàng ngàn vụ việc thể hiện sự vô cảm, cứng nhắc của một bộ phận công chức trong đời sống hiện nay.

Bởi vậy mới nói, có những thứ lẽ phải khiến người ta chỉ thấy bỗng dưng muốn khóc.

  • Mi An (theo Đất Việt)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP