Phần chào cờ - hát quốc ca trước các trận bóng đá của đội tuyển quốc gia luôn là một nghi thức thiêng liêng, được người hâm mộ chờ đợi. Khi Quốc ca cất lên, đặc biệt là khi đội tuyển đi du đấu, đó không chỉ là một bài hát mà là khoảnh khắc xúc động, truyền cảm hứng cho các cầu thủ và người hâm mộ.
Trong trận đấu với đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020 diễn ra tối 6/12, người hâm mộ đã ngỡ ngàng khi không được xem trọn vẹn nghi lễ chào cờ. Trên nền tảng YouTube, phần tiếng của bài Quốc ca đã bị tắt. Tại nền tảng truyền hình trực tiếp trên VTV, phần lễ chào cờ vẫn được phát sóng bình thường.
Dòng thông báo giải thích lý do tắt tiếng phần lễ chào cờ trên nền tảng YouTube. |
Điều này đã khiến các khán giả theo dõi trận đấu trên nền tảng YouTube phẫn nộ, vì lý do bắt buộc phải tắt tiếng là do "bản quyền âm nhạc", cụ thể là bài hát Quốc ca - "Tiến quân ca" của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Trước đó, hồi đầu tháng 11, chính Đài Truyền hình Quốc gia VTV phải lên tiếng vì việc các video có lồng nhạc Quốc ca của nhà đài bị "đánh gậy bản quyền" trên YouTube. Dù "Tiến quân ca" đã được cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc, nhưng đơn vị BH Media đã đăng ký và xác nhận sở hữu bản quyền.
Sau khi bị lên án, phía đơn vị BH Media cho biết BH Media không nhận sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" mà được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi "Tiến quân ca" trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất.
Dân mạng phẫn nộ với BH Media về vấn đề bản quyền bản thu âm Quốc ca. |
Trả lời Người Lao Động hồi tháng 11/2021, BH Media cho biết khi Hồ Gươm Audio ủy quyền cho công ty này quản lý và khai thác bản ghi "Tiến quân ca" trên YouTube. Đơn vị này không bật nút kiếm tiền, quảng cáo để bảo đảm tính tôn nghiêm cho tác phẩm. Tuy nhiên, bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này đều phải xin phép chủ sở hữu, tức Hồ Gươm Audio.
Nếu tài khoản nào đăng video sử dụng chính xác bản ghi "Tiến quân ca" do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube sẽ gửi thư thông báo xác nhận bản quyền, hay nói nôm na là "đánh gậy bản quyền".
Có lẽ để tránh bị YouTube "tuýt còi", xóa bỏ video, các kênh phát sóng trực tiếp trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Lào (và rất có thể là các trận đấu tiếp sau của đội tuyển Việt Nam) đành tắt tiếng phần lễ chào cờ. Điều này đã đem lại trải nghiệm xem bóng không đầy đủ, toàn vẹn về cảm xúc cho người hâm mộ túc cầu.
Tác giả: Bích Chi
Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc