Cuộc sống

Lấy chồng thành phố, một đời lo toan

Lấy chồng thành phố chẳng sung sướng như cô đã nghĩ, trái lại có nhiều ưu tư chỉ bản thân cô hiểu, chẳng thể chia sẻ cùng ai...

Cô lấy chồng khi đã ở tuổi 35, không phải do cô không có người hỏi cưới mà cô đặt mục tiêu cho cuộc đời mình tương đối rõ ràng: phải lấy người Hà Nội. Chú là người Hà Nội gốc mấy đời, từng đi xuất khẩu lao động bên Tiệp, có một căn nhà ở con phố tương đối lớn của Thủ Đô. Hơn 40, chú mới lo cho mình hạnh phúc riêng.

Mẹ chồng cô mất đã rất lâu, khi cô về nhà chồng thì cũng là lúc bố chồng bệnh nặng ở những tháng cuối đời. Cô chu đáo, tận tâm chăm sóc ông không nề hà nên cả gia đình bên chồng đều thương yêu cô hết mực. Ngày cô sinh bé con, chị chồng cơm nước tận giường cho cô suốt mấy tháng ở cữ. Ngôi nhà nhỏ khá chật chội nhưng lúc nào cũng ấm áp tiếng cười vui. Cô tự hào với họ hàng ở quê về cuộc sống hiện tại với một người chồng tốt, hiền lành và gia đình chồng luôn quan tâm. Ngày ấy cô và cả gia đình chồng hay về quê lắm. Xe oto về làng, lũ trẻ lại ùa ra xem đầy thích thú.

Cô từng tự hào với họ hàng ở quê về người chồng tốt, hiền lành và gia đình chồng luôn quan tâm (ảnh minh họa)

Tôi chuyển ra Bắc làm việc và ở tạm nhà cô một thời gian. Nhà cô chú đã sang tên theo di chúc nhưng cũng mất một khoản tiền khá lớn để lo lót sổ đỏ mới xong. Căn nhà chật chội hàng quán trước kia, nay được sửa sang khá rộng rãi, cho thuê nửa nhà ngoài. Nghỉ hẳn việc bán hàng tạp hóa, chú chuyển sang quán cóc trong ngõ, cô thì cơm nước, phụ quán và đi chở hàng. Ngày nắng hay ngày mưa, tất bật không kể do nghỉ thì cũng tiếc vì chẳng làm gì ra thu nhập. So với trước kia thì cuộc sống đã đỡ vất vả hơn nhiều vẫn biết cũng còn nhiều lo toan: tiền vay ngân hàng sang tên nhà, tiền học của con, tiền sinh hoạt hàng tháng...

Cô nhanh nhẹn, phốp pháp, lúc nào cũng cười tươi rói. Mọi người khen cô khéo léo giao tiếp đối nhân xử thế bên nội bên ngoại. Nhưng nỗi trăn trở lớn nhất của cô là không thể sinh con trai cho gia đình chồng vì cô chú tuổi cũng đã cao. Chú vẫn ân cần, thương yêu gia đình tuy nhiên có lẽ cũng buồn không ít.

Nhà chồng con trai trưởng nên các đám giỗ chạp đều diễn ra ở nhà cô. Đám cỗ người thành phố cầu kỳ 7 đến 9 món, nhiều khi cô phải chuẩn bị trước cả vài ngày. Chị chồng cô có giúp chuẩn bị nhưng hầu hết cô phải đích thân lo liệu. Đám đàn bà, con gái anh em trong họ đến bữa lết xác tới ăn uống no say rồi vác bụng về, không một ai giúp dọn dẹp, y như phận sự chẳng đến lượt mình. Cô lại nai lưng ra dọn dẹp đến khuya, nhiều khi mệt quá phải để hôm sau mới dọn hết.

Tôi cũng phụ dọn mà đã đuối sức, huống gì vừa nấu, vừa dọn như cô. Ấm ức vì chẳng thể nói cùng ai, điên lên cô mắng cháu nhưng vẫn để chồng nghe thấy:

“Mày tưởng lấy chồng thành phố sung sướng lắm à? Vác cái xác không về nhà này, tao phải bợt mặt ra, quần quật mà làm mà sống chứ ăn được của ai? Ốm lăn ra đấy mà chả dám nghỉ. Mày dẹp cái suy nghĩ cuộc đời màu hồng đi, thực tế mà sống cho tao. Đời màu đen thôi, hồng gì đâu!”

Đôi khi giận lắm vì tính cô thẳng, luôn thật tâm muốn con cháu tốt hơn, đỡ cuộc sống vất vả như cô dù lúc nói có phần khó nghe, có lúc tôi cũng cãi lại mấy câu rồi cũng thôi. Thương cô nên tôi cố gắng giúp cô trong sức của mình.

Ngày chuyển nhà đi đến chỗ trọ mới, cô lại sa sả mắng tôi:

“khóc lóc cái gì? Ở đời phải mạnh mẽ lên mà sống, phải biết tự chăm sóc bản thân. Rồi tiết kiệm vào đấy mà lo cho con cái và gia đình sau này, đừng có mà hoang phí quá!”

Giờ thỉnh thoảng tôi mới qua thăm cô chú và em. Mỗi lần thế lại một rổ lời dặn dò mang về, đôi khi còn bị mắng xơi xơi vì mình không khéo léo trong cuộc sống. Thì thương đấy nên mới nói như cô. Chẳng thể giận mà lại thấy mình phải quan tâm cô nhiều hơn nữa. Đàn bà lấy chồng xa, cả một đời gánh vác, lo toan...

Tác giả: Hanah

Nguồn tin: phununews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP