Làng Tranh Khúc (Hà Nội) hiện có khoảng 90 hộ làm bánh chưng (trên tổng số 300 hộ), trong đó có hơn 10 hộ là các cơ sở lớn, còn lại là làm nhỏ lẻ.
Vào những ngày rằm hoặc giáp Tết, không khí nơi đây nhộn nhịp với những nồi bánh chưng, tạo nên một khung cảnh đậm nét truyền thống khó có thể tìm thấy nơi nào khác.
Nhà bà Đặng Thị Thảo (53 tuổi) những giáp Tết chất đầy lá dong xanh và những nồi bánh chưng vẫn còn đang bốc khói.
Công đoạn gói bánh được chia thành các khâu do từng người phụ trách, người rửa lá, người làm nhân, người gói bánh, người quấn lạt… Làm nghề lâu năm, bàn tay người thợ khéo léo, một lớp gạo - một lớp nhân rồi lại một lớp gạo… không cần khuôn mà vẫn có thể gói “trăm cái như một”, chưa đầy 30 giây đã gói xong một chiếc bánh chưng vuông vức.
Yếu tố quyết định hương vị thơm ngon của chiếc bánh chính là việc lựa chọn nguyên liệu kỹ càng. Người làm bánh phải thực sự chu đáo và cầu kỳ từ khâu chọn lá, gạo, đỗ xanh và thịt. Gạo phải là gạo Nếp Nhung Bắc Ninh hoặc nếp cái hoa vàng thì vỏ bánh mới dẻo.
Nhân được làm bằng thịt lợn ba chỉ hoặc nạc mông, bọc trong lớp đỗ xanh tách vỏ nấu nhuyễn, tạo nên sự hài hòa cho các nguyên liệu từ trong ra ngoài.
Khung cảnh tất bật của một cơ sở làm bánh chưng trong làng.
Bánh được xếp vào nồi hơi để đem luộc, đun 8 – 10 tiếng sẽ cho ra thành phẩm cuối cùng là những chiếc bánh chưng nổi tiếng làng Tranh Khúc.
Lâu nay làng Tranh Khúc đã chuyển từ luộc bánh chưng bằng bếp củi sang bếp điện. Sử dụng bếp điện không chỉ giúp người dân bảo vệ sức khỏe mà còn thân thiện với môi trường, hạn chế khói bụi.
Nhiều cơ sở dùng máy hút chân không để bảo quản bánh chưng được lâu hơn, vận chuyển đi xa.
Ngày bình thường gia đình bà Thảo gói khoảng 200 – 300 bánh. Nhưng trong dịp lễ Tết, số lượng bánh tăng lên từ 500 đến cả nghìn chiếc; mỗi chiếc bánh có giá 30.000 đến 50.000 đồng tùy khách đặt.
Tác giả: Nguyễn Nga - Mạnh Cường
Nguồn tin: Báo VnExpress