Giáo dục

Làm sao giám sát khi 'con quan thì lại làm quan'?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa, tác giả công trình nghiên cứu Chế độ quan lại triều Lê sơ (1428-1527) và những giá trị tham khảo cho cải cách chế độ công vụ, công chức ở Việt Nam ngày nay vừa được xuất bản, đã có cuộc trao đổi với Tiền Phong xung quanh câu chuyện làm thế nào để làm tốt công tác cán bộ từ góc nhìn đa chiều.

“Con quan thì lại làm quan”, có gì xấu?

Bà nhìn nhận thế nào về hiện tượng đặt để con quan chức, thậm chí cha bổ nhiệm con vào những vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước ở một số địa phương? Trong lịch sử, chế độ bổ nhiệm con quan lại được thực hiện thế nào, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Thu Hòa: Tập ấm (thế tập, nhiệm tử) là một phương thức tuyển chọn quan lại và là một tập quán chính trị theo kiểu “con quan thì lại làm quan”. Theo lệ này, khi viên quan cai trị về trí sĩ, triều đình sẽ luận công, định rõ đóng góp và quyết định cho một hay một số con cháu ông ta được tuyển bổ vào một chức quan nào đó mà không phải qua thi cử.

Dưới triều Lê sơ, dù là tập ấm vẫn phải học hành thi cử với những kỳ thi riêng, vượt qua được anh mới ra làm quan chứ không không phải cứ tập ấm là nghiễm nhiên làm quan. Danh tính, chức vụ của những vị quan và con cái của họ được tập ấm đều được công khai. Triều đình cũng áp dụng luật Hồi tỵ mà theo đó những người có quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè không được bổ nhiệm làm quan cùng một địa phương nhằm ngăn chặn người có quyền, lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân thực hiện các hành vi tiêu cực. Trong khi đó, hiện nay có người là con ông cháu cha (COCC) nhưng không công khai và trong số đó được bổ nhiệm vì liên quan đến cục bộ gia đình, dòng họ, cục bộ địa phương và vì lợi ích nhóm chứ không phải vì thực tài...

TS.Nguyễn Thị Thu Hòa

Hiện nay khi con một vị quan chức nào đó được bổ nhiệm, cất nhắc thì đôi khi dân lại xì xào, hoài nghi, trong khi người được cất nhắc không hẳn là không có thực tài, thưa bà?

TS.Nguyễn Thị Thu Hòa: Bởi vì đã có những trường hợp xấu như vừa nêu trên, nên trong suy nghĩ của người dân cứ mặc định con cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo là được nâng đỡ. Mà thực tế đâu phải cứ con cán bộ được cất nhắc là do nâng đỡ, có những người thực tài đấy chứ! Ngày nay, nếu chúng ta phát huy được những cách làm hiệu quả của chế độ tập ấm ngày xưa thì không có gì là xấu. COCC cũng cần được nhìn nhận với những điểm tích cực về yếu tố gen, văn hóa truyền thống gia đình, nền tảng đào tạo và nền tảng quan hệ xã hội…

Lấy sinh mệnh chính trị để tiến cử người tài

TS.Nguyễn Thị Thu Hòa: Thời Lê sơ, tiến cử có hai loại: tự tiến cử và được tiến cử. Được tiến cử (hay còn gọi là bảo cử) là một người muốn ra làm quan cần phải có người khác đang làm quan trong triều giới thiệu.Nếu tiến cử đúng người tài giỏi, đắc dụng, người tiến cử sẽ được trọng thưởng. Ngược lại, nếu tiến cử sai người hoặc lợi dụng tiến cử để kết bè kéo cánh thì sẽ bị trách phạt, giáng chức, thậm chí bị bỏ tù. Ngày nay, nên chăng chúng ta cũng cần thay đổi cách gọi là bảo cử thay cho đề cử. Quan trọng hơn nữa là phải có cơ chế cực kỳ rõ ràng để buộc người tiến cử phải chịu trách nhiệm suốt đời về người được tiến cử. Không có chuyện anh cứ giới thiệu bừa, giới thiệu theo lợi ích nhóm… rồi quẳng ra đấy cho xã hội phải gánh, còn anh không chịu trách nhiệm gì, là không được.

Việc kiểm soát đạo đức quan lại ngày xưa như thế nào và soi chiếu vào ngày nay, bà thấy có những gì cần phải duy trì, phát huy cách làm của tiền nhân?

TS. Nguyễn Thị Thu Hòa: Để kiểm soát đạo đức quan lại, triều Lê sơ đã đặt ra những quy định nghiêm ngặt ngay từ khi đi học, đi thi đến khi ra làm quan khiến người làm quan luôn phải tu luyện, rèn giũa để sống tận trung với vua và triều đình, thể hiện ở sự liêm khiết và giữ nếp sống thanh liêm, luôn sống công tâm, biết tránh xa thói xu nịnh, kiêu căng, thiếu nhân cách; tránh xa hành vi lợi dụng chức vụ của mình để mưu lợi ích riêng…

Triều Lê sơ còn thực hiện chế độ khảo khóa - đánh giá đạo đức quan lại căn cứ vào kết quả “chăm sóc” dân chúng của vị quan đó. Cái hay nhất của quy định khảo khóa là tính định lượng rất rõ ràng. Ví như, nơi anh trị nhậm, hoa màu có bị mất mùa hay không, sâu bọ dịch bệnh có hoành hành hay không, đê điều có bị vỡ hay không, người dân đi ngủ có phải cài then đóng cửa hay không?…Tóm lại, anh thương dân, lo cho dân đến đâu và mẫn cán hay không thì đều thể hiện bằng những kết quả
cụ thể.

Giám sát kém hiệu quả

Chúng ta nói nhiều đến đạo đức cách mạng, cán bộ công chức cũng được học hành rèn giũa, giáo dục rất nhiều nhưng rõ ràng chưa bao giờ đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức lại suy giảm, suy thoái như ngày nay. Bà có thể giải thích thế nào về chuyện này?

TS. Nguyễn Thị Thu Hòa: Đó là do thể chế lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, trong khi việc xử lý thì không mạnh tay nên mọi người có thể lách được hoặc tiếp tục vi phạm mà không lo sợ bị xử phạt. Bên cạnh đó là sự suy thoái về lối sống, đạo đức của chính cán bộ công chức đó, có thể do xu thế xã hội, có thể do đồng tiền và nhiều thứ khác chi phối, cho nên họ không cố gắng tu dưỡng đạo đức của mình.

Như bà nói, thời Lê sơ giám sát rất chặt chẽ quan lại, còn bây giờ theo bà việc giám sát như thế nào?

TS. Nguyễn Thị Thu Hòa: Thời Lê sơ, vị quan được giao nhiệm vụ giám sát chỉ chịu trách nhiệm với nhà vua, ngoài ra không chịu sự chi phối của bất cứ ai nên việc giám sát rất độc lập, và vì vậy họ làm việc rất thẳng tay. Trong khi chúng ta, hệ thống giám sát tầng tầng nấc nấc nhưng lại không hiệu quả. Thực tế cho thấy có sự phụ thuộc quá lớn của các cơ quan thanh tra nhà nước vào cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp cả về tổ chức, nhân sự, kinh phí, chương trình, kế hoạch thanh tra, cũng như việc xử lý kết luận thanh tra. Trong khi đó, có nhiều quy định chúng ta đưa ra nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả, chẳng hạn việc kê khai tài sản là một ví dụ. Quy định là vậy, nhưng thực tế có rất ít trường hợp bị xử lý vì lý do kê khai tài sản không trung thực.

Nhiệm kỳ này có rất nhiều quan chức cao cấp ngã ngựa giữa dòng do những sai phạm của họ được thực hiện có khi từ những nhiệm kỳ trước, bà nghĩ sao về thực tế này?

TS.Nguyễn Thị Thu Hòa: Ngoài tâm lý nể nang, sợ mất lòng,anh có nghĩ rằng khi đương chức họ có một nhóm lợi ích bao che cho nhau nên không phát hiện hoặc không phanh phui ra được?Rõ ràng là công tác giám sát của chúng ta chưa thực sự hiệu quả để cho nhóm lợi ích che chắn cho nhau hoặc cố tình lờ đi.

Ở thời hiện đại, Nho giáo không phải “khuôn vàng thước ngọc” trong đánh giá đạo đức của cán bộ, công chức nhưng chúng ta vẫn cần những con người có nhân cách vững vàng trên con đường thực hiện lý tưởng của mình. Những tiêu chí về nhân cách quân tử, “phú quý bất năng tham, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”của Nho giáo vẫn luôn là những giá trị chuẩn mực mà người cán bộ, công chức hiện nay cần rèn luyện.

Theo bà, trong hoàn cảnh hiện nay, làm thế nào chuyển từ định tính sang định lượng khi đánh giá về đạo đức cán bộ?

TS.Nguyễn Thị Thu Hòa: Trước hết chúng ta phải cải cách chế độ công vụ, chuyển dần mô hình chức nghiệp sang mô hình vị trí việc làm, tiến tới hoàn thiện bản mô tả vị trí việc làm cho cán bộ, công chức. Sau đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng quy chế thi đua khen thưởng, kiểm tra giám sát. Nếu việc đánh giá kết quả thực thi công vụ, đánh giá đạo đức cán bộ, công chức mà dựa vào bản mô tả vị trí việc làm chắc chắn sẽ mang tính định lượng chứ không định tính nữa.

Xin cảm ơn bà!

Tác giả: ĐẠI DƯƠNG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP