Tin Liên Quan

Làm sao để chấm dứt tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe?’

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, phóng viên đặt câu hỏi làm thế nào để chúng ta chấm dứt tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, cụ thể là việc lạm thu tại Hà Nam và Hà Tĩnh

Phóng viên dẫn dắt, bằng chứng là Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã rất nhiều lần có văn bản chỉ đạo chấm dứt tình trạng lạm thu đối với nhân dân. Nhưng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn xuất hiện tình trạng lạm thu trong nhân dân một cách tràn lan, vô lý. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo chấn chỉnh nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục đang tái diễn.

Về câu hỏi trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, cho biết sáng nay trong giao ban báo chí đã thông báo về tình hình này. Bộ trưởng Nên mời Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết ý kiến.

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh Viết Cường

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nêu rõ, việc lạm thu trong nhân dân, sau khi báo chí phản ánh vụ việc ở Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho kiểm tra và xử lý, trong đó có nêu rõ 5 vấn đề và yêu cầu các huyện nơi thực hiện lạm thu trong nhân dân hoàn trả lại các nguồn thu không đúng quy định, pháp luật.

“UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Sáng nay trong giao ban báo chí, chúng tôi đã thông tin vấn đề này đến tất cả các cơ quan báo chí”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai bổ sung thêm, bà nhắc lại câu hỏi: “Về vấn đề lạm thu trong nhân dân, câu hỏi của báo chí là Bộ Tài chính có tham mưu gì để chấm dứt tình trạng lạm thu trong nhân dân?”

Rồi bà Mai cho biết, các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN đều được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, gồm các luật, pháp lệnh, nghị định và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Các khoản thu phải nằm trong quy định của pháp luật, được quy định ở luật, pháp lệnh, nghị định thì mới được phép thu. Còn tổ chức, cá nhân nào thu ngoài quy định của pháp luật, đặt ra khoản thu thì đó là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ phải hoàn trả lại cho người nộp.

Các luật thuế, phí và lệ phí sẽ được rà soát. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết theo định kỳ, Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung kịp thời để công khai, minh bạch, rõ ràng để tổ chức và cá nhân biết và thực hiện.

Đối với khoản thuế, phí, lệ phí, hiện nay, trong chương trình kỳ họp tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã trình ra Quốc hội Luật Phí, lệ phí thay thế cho Pháp lệnh về phí và lệ phí và sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2015.

“Tinh thần của Luật này là rà soát để bãi bỏ những khoản phí, lệ phí không hợp lý, không hợp lệ, chuyển các khoản mang tính chất giá sang cơ chế giá theo quy định của pháp luật về giá. Còn các khoản nào theo đúng tính chất của phí, lệ phí thì quy định rõ ràng trong Luật. Lần này, danh mục phí, lệ phí đưa vào dự thảo luật, công khai minh bạch cũng như sẽ quy định mức thu phí để các tổ chức, cá nhân thực hiện.

“Đồng thời với quy định pháp luật và triển khai thực thi pháp luật như vậy, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát để thực hiện bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm minh, tránh lạm thu và thu không đúng quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Viết Cường/ VietQ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP