Năm 2009, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) cao-su Hương Khê (gọi tắt Công ty cao-su Hương Khê) thực hiện trồng rừng trên diện tích 7 ha thuộc lô 17, khoản 6, tiểu khu 200, xã Hương Giang, huyện Hương Khê đã được UBND tỉnh cấp thì xảy ra tranh chấp với hộ gia đình ông Lê Hữu Chí, xóm 6, xã Hương Giang. Công ty cao-su Hương Khê đã phối hợp chính quyền các cấp đứng ra hòa giải nhưng không đi đến thống nhất. Ngày 2-8-2010, Công ty TNHH MTV cao-su Hương Khê chính thức có đơn khởi kiện hộ ông Chí chiếm dụng đất trái phép.
Ngày 27-5-2011, TAND huyện Hương Khê tuyên buộc ông Lê Hữu Chí di dời toàn bộ số cây keo đã trồng, trả lại mặt bằng cho Công ty cao-su Hương Khê. Công ty cao-su Hương Khê tự nguyện hỗ trợ ông Chí số tiền 25 triệu đồng di dời cây. Sau bản án sơ thẩm của TAND huyện Hương Khê, ông Chí viết đơn kháng cáo. Ngày 28-8-2011, tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm buộc ông Chí phải trả lại mặt bằng diện tích 7 ha cho Công ty cao-su Hương Khê. Ông Chí không chấp nhận, tiếp tục gửi đơn kháng án lên TAND tối cao. Ngày 2-6-2014, TAND tối cao đã có thông báo giải quyết đơn đề nghị của ông Chí, khẳng định: Không có cơ sở xác định ông Chí đã được giao phần đất 7 ha từ năm 1992, mà đất này thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH MTV cao-su Hương Khê, nên việc ông lấn chiếm đất và trồng cây trên đất của Hương Khê là không đúng. Như vậy, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã buộc ông Chí phải di dời cây keo để trả lại đất cho Công ty cao-su Hương Khê, ghi nhận việc công ty tự nguyện hỗ trợ cho ông Chí 25 triệu đồng chi phí di dời cây là phù hợp. Do đó, không có căn cứ để kháng nghị bản án phúc thẩm trên theo thủ tục giám đốc thẩm.
Song, ông Chí không những không giao đất cho Công ty cao-su Hương Khê mà còn nhiều lần có hành vi chống đối, cản trở cơ quan thi hành án. Mới đây, đầu tháng 8-2016, ông Chí còn tự ý khai thác và trồng keo mới trên diện tích đất đã được tòa phân xử. Trước hành vi coi thường pháp luật của ông Chí, cuối năm 2014, UBND huyện, Chi cục THADS huyện Hương Khê ra quyết định “cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất” đối với hộ ông Chí. Dù UBND tỉnh, Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cơ quan THADS huyện Hương Khê thực hiện cưỡng chế nhưng vẫn không có hiệu lực.
Biện minh cho việc trì trệ trong thi hành án kéo dài, mới đây ngày 29-9-2016, UBND huyện Hương Khê có Văn bản số 179/BC-UBND báo cáo “Về việc kiến nghị xem xét lại Bản án số 13/2011/DSPT ngày 26-8-2011 của TAND tỉnh Hà Tĩnh”, do Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huấn ký cho rằng, chưa thi hành án là vì bản án sơ thẩm và phúc thẩm có sự vênh nhau trong việc áp dụng Luật Đất đai năm 2003 và 1993 để xét xử; bản án sơ thẩm ghi yêu cầu ông Chí phải di dời cây và nói vị trí ranh giới rõ ràng nhưng phúc thẩm lại không ghi và không nói rõ vị trí ranh giới. Ngoài ra một số tình tiết chưa được xem xét… Ngày 6-10-2016, Chi cục THADS huyện Hương Khê cũng có Văn bản số 218/KN-CTHADS gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao xem xét lại Bản án dân sự phúc thẩm số 13/2011/DSPT ngày 26-8-2011 của TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng với những vấn đề tương tự như nội dung của UBND huyện Hương Khê đã nêu trên.
Xét về nội dung vụ án, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do các bên cung cấp đã được TAND cấp sơ thẩm, phúc thẩm, TAND tối cao xem xét, nhận định, đánh giá qua Bản án sơ thẩm số 01/2011/DS-ST ngày 27-5-2011 của TAND huyện Hương Khê, Bản án phúc thẩm số 13/2011/DSPT ngày 26-8-2011của TAND tỉnh Hà Tĩnh, và Thông báo số 935/TB-DS ngày 2-6-2014 của TAND tối cao thể hiện rằng đủ căn cứ để khẳng định quyền sử dụng đất lô đất 17, khoảnh 6, tiểu khu 200, diện tích 7 ha tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty cao-su Hương Khê. Xét về trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì việc xét xử được thực hiện ở hai cấp là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay khi ban hành. Khi ông Lê Hữu Chí có đơn kiến nghị giám đốc thẩm thì đã được TAND tối cao có Thông báo trả lời không có cơ sở cho việc giám đốc thẩm.
Từ những nội dung trên đây cho thấy, việc khiếu nại, kiến nghị của ông Lê Hữu Chí liên quan đến việc xem xét lại vụ án hiện nay đến các cơ quan chức năng là không có cơ sở, trái quy định pháp luật, không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng khi vụ án đã được tòa án có thẩm quyền giải quyết, trả lời theo quy định pháp luật. Việc ông Lê Hữu Chí dựa vào lý do trên đây để không thực hiện thi hành án là trái quy định pháp luật thi hành án, vì lý do ông Chí đưa ra đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không thuộc trường hợp được hoãn thi hành án theo quy định tại Điều 48 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh, Viện KSND huyện Hương Khê, UBND huyện Hương Khê, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Huyện ủy Hương Khê… và rất nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền ra văn bản chỉ đạo yêu cầu Chi cục THADS huyện Hương Khê tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với ông Lê Hữu Chí, nhưng Chi cục THADS huyện Hương Khê vẫn không tiến hành cưỡng chế. Điều này cho thấy Chi cục THADS huyện Hương Khê đã thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong việc cưỡng chế thi hành án theo quy định đối với ông Lê Hữu Chí.
“Thường trực Huyện ủy Hương Khê hoàn toàn thống nhất với việc tuân thủ pháp luật thực thi bản án phúc thẩm. Những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án hoặc nảy sinh vấn đề, Hội đồng thi hành án cần phải có văn bản báo cáo lên các cấp có thẩm quyền ở tỉnh Hà Tĩnh”.
ĐINH HỮU TÂN
Bí thư Huyện ủy Hương Khê, Hà Tĩnh
“Ngay sau khi Tòa án phúc thẩm tuyên án thì bản án có hiệu lực và bắt buộc phải thi hành ngay để bảo đảm tính khả thi của bản án cũng như quyền lợi hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, trong vụ án này, ngay sau khi có bản án phúc thẩm, Chi cục THADS huyện Hương Khê không tổ chức thi hành án theo yêu cầu của Công ty cao-su Hương Khê mà lại hoãn thi hành án với lý do ông Chí đang khiếu nại Giám đốc thẩm”.
NGUYỄN KHẮC TUẤN
Trưởng Văn phòng Luật sư An Phát
“Sáu năm trời, các cơ quan chức năng không thực thi được bản án đã khiến công ty lâm vào cảnh “sống dở, chết dở”. Ba năm nay, do không có đất trồng mới cao-su, cho nên tiền khai hoang không thanh quyết toán được đồng thời an ninh trật tự trên địa bàn bất ổn”.
VÕ SỸ LỰC
Phó Tổng Giám đốc Công ty cao-su Hương Khê, Hà Tĩnh