Lao Động - Việc Làm

Kỳ Xuân – Kỳ Anh: Nỗi buồn nơi xóm “âm binh”

Nhẹ thì ngồi xe lăn hay nằm liệt một chỗ, nặng thì bỏ mạng vĩnh viễn giữa biển khơi. Đó là những hậu họa rủi ro mà nghề thợ lặn biển mang lại.

Ngôi làng nhỏ nằm dọc bãi biển thuộc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bao trùm một không khí “u ám”. Ngôi làng ấy sinh nghiệp bằng nghề lặn biển. Dẫu biết nghề thợ lặn luôn bị “tử thần” rình rập cướp đi mạng sống nhưng người dân trong làng vì miếng cơm manh áo vẫn bám biển.

Đó là làng Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Sinh ra và lớn lên nơi vùng biển, người dân nơi đây chỉ biết đến nghề thợ lặn để mưu sinh. Sau những chuyến đi biển dài ngày, rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển lạnh.

Lặn biển nghĩa là phải đương đầu với bão dữ, sóng lớn, nhiều hiểm nguy rình rập. Hầu hết thời gian trong ngày họ ngâm mình dưới dòng nước lạnh buốt, mò mẫm từng con sò, con ốc… với ước mong đổi đời. Nhưng cái nghề “bạc bẽo” ấy bao đời nay có làm ai giàu được?


Từng là một thợ lặn có tiếng trong nghề, ông Dương Xuân Luyện – Phó Chủ tịch xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh) – kể lại những chuyến đi khơi trong ký ức: “Tôi không biết nghề thợ lặn có từ năm nào, chỉ biết lớn lên đã có nghề này rồi. Trước đây người dân chỉ lặn ở vùng biển ở Hà Tĩnh. Sau này do nguồn hải sản ở đây cạn kiệt, người dân nơi đây bắt đầu chuyển vào Nam và ra Bắc hành nghề. Nghề thợ lặn rất nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ là bỏ mạng dưới đáy biển. Thời gian một thợ lặn làm việc rất dài, sáng sớm cơm nước xong, mỗi anh em mang vào người một cục chì nặng hàng chục kg, miệng ngậm cái vòi, đầu còn lại nối với chiếc máy nổ, rồi nhảy ùm xuống dòng nước với độ sâu từ 30 sải đến 50 sải nước (1 sải nước tương đương 1,6m- PV), ngâm mình trong nước nhiều giờ liền để vớt từng con sò. Có hôm thuyền đi đúng chỗ thì mỗi thuyền có thể bắt được từ 4 đến 5 tấn sò, mỗi người cũng được 5 đến 6 tạ một ngày, tính ra mỗi ngày cũng được 1 triệu đồng/người. Nhưng cũng có hôm họ lại về không, mất cả tiền dầu, tiền ăn”.

Khi được hỏi thêm về những nguy hiểm trong nghề lặn biển, ông Luyện trầm tư nói: “Nghề thợ lặn nguy hiểm luôn đeo bám từng giây. Chẳng hạn như áp suất nước, hay trục trặc ở máy nổ cung cấp khí thở, hoặc là những loài động vật ở biển. Những người thợ lặn lúc đi thì trai tráng, lúc về lắm người nặng thì nằm liệt giường, nhẹ nhất cũng phải dùng gậy mà tập tễnh từng bước. Đó là còn may. Còn có hàng trăm người từng bị vùi sâu dưới lòng biển mà không bao giờ trở về”.


Anh Phan Viết Bình, vẫn còn nhớ như in lần gặp nạn vào ngày 29/7/1999, khi anh nhặt được mẻ sò cuối, đang dần ngoi lên mặt nước. Lên đến mặt nước thấy đôi chân của mình như tê buốt, toàn thân lạnh như băng, anh biết mình đã bị nước ép, anh em liền cho thuyền chạy vào bờ đưa đi bệnh viện cứu chữa những mọi việc đã quá muộn. Giờ đây suốt quãng đời còn lại anh Bình phải gắn liền với chiếc xe lăn. “Cũng do thiếu kinh nghiệm chú à, chứ lúc đó bị như thế mà biết cách giảm sức ép của nước ngay tại chỗ, thì tốt hơn là cho ghe chạy vào bờ. Nhưng trước đây có ai biết về sức ép của nước là gì đâu. Chỉ mãi sau này có một lớp nghiệp vụ dạy lặn, họ bày cho kỹ năng lặn, và nói về sức ép của nước thì mới biết”- anh Bình nói thêm.


Đang dùng chiếc gậy tre tập tễnh từng bước đi, nhặt nhạnh từng đồng với quán tạp hóa nhỏ tại ngã ba làng để nuôi ba đứa con ăn học, anh Bùi Kim Thường trú tại làng Cao Thắng ngậm ngùi cho biết: “Cuộc sống khó khăn thế đấy chú, trước đây làm được đồng nào thì dồn vào chữa bệnh cho tui, giờ gia đình rơi vào hoàn cảnh túng thiếu. Nào là con cái học hành, các khoản chi tiêu trong gia đình… Tưởng rằng nghề thợ lặn giúp mình có cuộc sống khá hơn, nhưng nào ngờ”.

Anh Thường nói thêm: “Mỗi thợ lặn phải xuống độ sâu 30 đến 50 sải nước (ước tính từ 48m đến 80m), khi xuống độ sâu như thế mà máy cung cấp khí thở trục trặc, thì người thợ lặn phải nhanh chóng rút chốt, tháo cục chì trước bụng, rồi vùng người đẩy mạnh lên phía trên, để ngoi lên mặt nước. Nhưng nói là thế chứ với độ sâu 50 sải nước thì mấy ai mà lên được, chỉ còn cách chịu chết thôi”.


Qua tìm hiểu được biết, xã Kỳ Xuân có gần 1.900 hộ gia đình với gần 7.500 nhân khẩu, hầu hết dân cư nơi đây sống bằng nghề lặn sò. Theo thống kê UBND xã thì có đến 54 người đã chết, 61 người phải mang thương tật suốt đời. Chưa kể có những người còn nằm lại vĩnh viễn dưới lòng biển.

Anh Tấn

Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP