Một góc sầm uất trên đường Minh Khai (phường Trần Phú – TP Hà Tĩnh). |
Xây làng thành phường…
Đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trí nhớ của ông Trần Hậu Tiết (tổ dân phố 7) vẫn không quên bất cứ điều gì về thời kỳ phường Trần Phú vừa mới khai sinh. Như một thước phim quay chậm, ông kể: khối phố này vốn là một phần của xóm Bắc Phú (Thạch Phú) ngày trước, phần còn lại là tổ dân phố 8 bây giờ cùng góp chung với làng Vĩnh Yên, xóm Tân Hợp (Thạch Linh) và một phần của phường Bắc Hà để trở thành phường Trần Phú ngày nay. Tự hào, vinh dự bao nhiêu khi là công dân của phường mang tên Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng thì những gian truân, thử thách cũng đồng hành theo đó.
Ông Tiết hồi tưởng: “Ngày đó, các tuyến ngõ chủ yếu bằng đường đất, đường vào chỉ khoảng 2m, đi lại rất vất vả. Vừa lúc, phường phát động phong trào toàn dân làm giao thông, Nhà nước và nhân dân cùng làm, bà con trong tổ dân phố không đắn đo hiến đất, chặt phá cây cối, dời dọn công trình, nhà cửa để tạo thông thoáng cho ngõ phố. Gia đình tôi cũng tự nguyện hiến 120 m2 đất để làm đường”.
Để có 100% mặt đường vào ngõ rộng 6-8m như bây giờ, có đến cả chục hộ hiến 200-300 m2 đất của mình cho công ích như hộ ông Thiện, ông Quý… Kể cho đến bây giờ, huy động sức dân chưa bao giờ khó khăn đối với người dân khối phố văn hóa này. Bất cứ chủ trương nào của phường, người dân đều tự nguyện đóng góp và đồng thuận cao.
Đường Hàm Nghi những ngày này bên cạnh không khí sầm uất, sôi động thường ngày của tuyến phố trọng điểm về thương mại – dịch vụ thì sắc đỏ của cờ và băng rôn chào mừng ngày phường tròn tuổi 20 càng tô thêm rực rỡ, hân hoan cho phố phường. Ngoảnh đầu lại, những cư dân xóm Bắc Phú ngày xưa chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng ruộng lại có ngày trở thành những ông chủ, bà chủ kinh doanh. Còn làng xã lại trở thành khu đô thị hiện đại vào bậc nhất TP Hà Tĩnh.
Bà Dương Thị Hòa – Tổ trưởng tổ dân phố 8 cho biết: “Thay vì 70% dân số làm nông nghiệp thì nay tỷ lệ chỉ còn 3,7 ha của 25 hộ dân, phục vụ an sinh là chính. Còn lại, tận dụng mặt bằng đường Hàm Nghi, các hộ dân chủ yếu kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, ki-ốt nhà trọ và các tổ thợ nề, thợ mộc… với thu nhập bình quân đầu người khoảng 2,5 triệu đồng/tháng”. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên là động lực để phường Trần Phú đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển đô thị một cách đồng bộ. Giờ đây, người ta đã quen với những cái tên như: khu đô thị Sông Đà, khu đô thị Hàm Nghi, tuyến phố kinh doanh Minh Khai, quốc lộ 1A…
Ông Lê Dân – Giám đốc Công ty CP Thanh Dân (tổ dân phố 2) còn ví cuộc sống đổi thay từ nét mặt của người dân: “Thương mại, dịch vụ len lỏi sâu vào tuyến đường, ngõ phố. Lúc cao điểm nhất, công ty tôi thu hút 40-60 công nhân, chủ yếu là người dân địa phương chuyển đổi nghề từ nông nghiệp. Các chính sách khuyến khích kịp thời, thông thoáng của phường đã tạo điều kiện để những doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi có cơ hội bứt phá, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.
“Sợi chỉ đỏ” đoàn kết, dân chủ
Nói về những thành tựu hôm nay, Bí thư Đảng ủy phường Dương Đình Luận khẳng định: “Xây dựng khối đoàn kết toàn Đảng, toàn dân là sức mạnh để chúng tôi tập trung trí tuệ, nguồn lực vượt lên những khó khăn ban đầu, kiến thiết hạ tầng, phát triển kinh tế đô thị. Chỉ tính riêng về giá trị đầu tư xây dựng các công trình, nhân dân đóng góp đạt 14,5 tỷ đồng, chiếm 10% tổng số vốn và hàng chục ngàn ngày công lao động”.
Công ty CP Thanh Dân luôn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động trên địa bàn với mức lương trung bình 4- 5 triệu đồng/người/tháng. |
Chúng tôi hiểu, ý nghĩa đó không chỉ nằm ở mục đích kinh tế, mà sâu xa hơn chính là lời khẳng định của sức mạnh toàn dân vẫn luôn bền bỉ, xuyên suốt cả quá trình lịch sử trên mọi mặt đời sống KT-XH. Đến năm 2013, tổng thu nhập bình quân toàn phường đạt 204 tỷ đồng, gấp 26 lần so với năm 1995 và đạt 76% chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng đô thị với tỷ trọng thương mại – dịch vụ chiếm 72%, tiểu thủ công nghiệp ngành nghề 25%, nông nghiệp chỉ còn 3%.
Đi đôi với phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị thì công tác giữ gìn nếp sống văn hóa, văn minh luôn được các cấp ủy đảng quan tâm đúng mức. Hàng năm, có trên 92% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 8/9 tổ dân phố được công nhận đơn vị văn hóa. Đặc biệt, công tác chính sách hậu phương quân đội, chính sách người có công với cách mạng và các chính sách xã hội khác được thực hiện kịp thời, thấm nhuần sâu sắc tình cảm và đạo lý. Những nỗ lực, phấn đấu đã được đền đáp khi Đảng bộ liên tục nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu.
Nguyễn Oanh – Mai Thủy/Baohatinh.vn