Đứng trên âu Kỳ Lợi (sát nhà máy Formosa) dõi mắt nhìn ra biển với ánh mắt buồn thiu, Nguyễn Việt Hùng (21 tuổi), thôn Hoành Sơn, phường Kỳ Nam, TX Kỳ Anh, cho hay đã non tháng nay, anh không ra biển đánh cá. Dạo trước, mỗi tháng anh đi bạn 15 ngày, thu nhập dao động từ 8 – 15 triệu/tháng.
Nửa tháng còn lại đi đánh bắt cá ven bờ, ngày kiếm được dăm trăm nghìn nữa, cuộc sống cũng tươm tất. “Từ khi cá chết dạt vào bờ đến nay, lượng cá đánh bắt được giảm hẳn, mà có đánh được về cũng không ai mua, họ sợ cá chết, cá nhiễm độc. Vì vậy bọn em phải nghỉ”, Hùng nói.
Dụng cụ bắt ghẹ xếp đống, loài ghẹ đỏ đã biến mất sau thảm họa |
Anh Hoàng Quốc Bảo (27 tuổi), thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương cho hay một tháng nay, anh nghỉ nghề biển ở Hà Tĩnh, chuyển ra Nghệ An làm nghề lặn, vất vả và nguy hiểm nhưng phải bươn chải để nuôi vợ con. Chị Hoàng Mai, 30 tuổi, thôn Ba Đồng nói: “Dạo trước, chồng đi biển về, tôi gỡ lưới, rồi bán cá, thu nhập chừng 1 triệu/ngày, đủ nuôi gia đình 4 người. Nhưng dạo này chồng tôi ra Nghệ An đi lặn sò, tôi chỉ biết ở nhà trông con”.
Gần tháng nay, không khí buồn bã bao trùm lên thôn tái định cư Ba Đồng. Mọi khi tàu thuyền đánh cá về tấp nập, tiếng gọi nhau í ới, cười nói râm ran. Nay ai nấy lặng lẽ chờ đợi hồi phục nghề biển. Bà Hà Lê (65 tuổi) rầu rĩ: Cả nhà tôi nhiều đời nay sống gắn với biển. Nay cả tháng trời không có thu nhập, đã rục rịch lo chạy gạo, khổ lắm”.
Ngư dân vẫn chuẩn bị ra khơi dù vô vọng |
Tại âu thuyền Kỳ Lợi, ông Hoàng Văn Dung, thôn Min Huệ đang rục rịch chuẩn bị lưới đi đánh cá. Hỏi đánh cá gì, ông Dung nói: “Thì đi vô trong giáp Hoành Sơn đánh ít cá đục, chứ ngồi không nản lắm”. Trước đây, thuyền ông Dung (có 6 người) đi đánh cá, trung bình mỗi tuần thu khoảng 100 triệu, trừ chi phí người đi bạn được khoảng 2 – 3 triệu/ngày.
Còn dạo này thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng. “Vào dịp 30 – 4 là mùa mực nhảy, bọn em đánh được, bán vài chục nghìn/con cho chủ quán. Nhưng dạo ni nghỉ hẳn, vì quán mực nhảy không có khách”, anh Việt Hùng nói. Trước đây, tại vùng biển này, ngư dân đánh bắt ghẹ đỏ quanh năm, giá rất cao, trung bình vài trăm nghìn/kg.
“Nhưng từ dạo cá chết đến nay, tuyệt đối không bắt được con ghẹ nào nữa. Không biết là nó chết hết hay bỏ đi”, anh Hùng chỉ vào chồng lưới đánh ghẹ chồng cao bên bờ biển, lo lắng. Không chỉ vậy, lượng cá rạn ven bờ cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Một số loài cá quý, giá thành cao như cá mú, cá chèm bị chết nhiều, trôi dạt vào bờ.
Clip thuyền gối bãi tại âu Kỳ Lợi:
Quang Đại