Nông Thôn Hà Tĩnh

Kỳ Anh: Nghề nuôi cá lồng trên sông Vịnh

Ngoài việc ra khơi đánh bắt thủy hải sản ven bờ, hiện nay, những người dân ở thôn Thắng Lợi –xã Kỳ Ninh mở thêm một nghề mới đó là nghề nuôi cá Vược, cá Mú bằng lồng trên dòng sông Vịnh chảy qua địa bàn.


Nghề nuôi cá Vược, cá Mú tuy mới mẽ nhưng kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng mới cho bà con ngư dân ở các xã vùng ven biển.


Nghề mới ở một làng chài. Thôn Thắng lợi –xã Kỳ Ninh từ bao đời nay nằm sát ngay dòng sông Vịnh hiền hòa. Những người ngư dân ở đây bao đời vẫn gắn bó một nắng hai sương với nghề đi biển. Trước đây, hầu hết trai tráng trong làng lớn lên nối nghiệp cha ông rong ruỗi theo những chiếc thuyền ra khơi. Nhưng nay, bên cạnh nghề khai thác đánh bắt thủy hải sản, một số hộ dân ở thôn Thắng lợi vừa mạnh dạn đầu tư mở ra một nghề mới, đó là nghề nuôi cá lồng trên dòng sông Vịnh. Trên chiếc thuyền nhỏ dẫn chúng tôi đi xem những lồng cá Vược, cá Mú nuôi trên sông Vịnh, ông Mai Văn Khuyến- thôn Thắng Lợi – xã Kỳ Ninh phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: Đây là lần đầu tiên người dân nơi đây mạnh dạn triển khai mô hình nuôi cá lồng ngay giữa dòng sông chảy qua địa bàn thôn. Ông còn cho biết; Qua các phương tiện truyền thông, sách báo, ông nhận thấy nơi đây có thể phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Từ đó, ông đã cất công ra tận thị xã Cửa Lò- tỉnh Nghệ An, xã Thạch Hải- huyện Thạch Hà để tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi cá lồng trên sông. Từ tham quan thực tế; đầu năm 2013, ông Mai Văn Khuyến đã bàn với gia đình đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng. Ban đầu, ông mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng hệ thống lồng, bè trên sông. Đồng thời, nuôi thả các giống cá Vược, cá Mú… Nhờ nắm bắt được khoa học kỹ thuật ông đã mạnh dạn nuôi thả 2.500 con cá giống. Bình quân mỗi ô nuôi có diện tích hơn 200 m2, với mật độ thả khoảng hơn 300 con cá giống. Sau gần 6 tháng nuôi thả, trọng lượng cá có thể đạt 1 kg/con. Theo ước tính, sau thu hoạch gia đình ông sẽ thu lãi hơn 200 triệu đồng. Đây là những loại cá đang được thị trường ưu chuộng.


Mở ra hướng đi mới… Hiện ở thôn Thắng Lợi- xã Kỳ Ninh mới chỉ có 2 hộ mạnh dạn đầu tư thử nghiệm nghề nuôi cá lồng trên sông. Ông Mai Văn Khuyến tâm sự “Gắn bó với nghề ra khơi, vào lộng gần một đời người, nay sức khỏe không còn như xưa, con cái đã trưởng thành nên bản thân ông phải làm một việc gì đó để có thu nhập ổn định cho cuộc sống gia đình”. Nhìn những lồng cá Vược, cá Mú được thiết kế chắc chắn với những thanh gỗ dài gắn kết với những thùng phi nhựa, được chia thành các ô nuôi rất hợp lý và thuận lợi cho việc chăm sóc cá, chúng tôi cảm nhận được một sự khởi đầu thành công trong việc tạo thêm ngành nghề mới cho người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo.

Kỳ Ninh là xã vùng ven biển có nhiều cửa sông, cửa lạch đây là điều kiện khá lý tưởng để những người ngư dân nhân rộng các mô hình này. Có thể khẳng định rằng; Việc đầu tư nuôi cá lồng trên sông Vịnh đã mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho bà con ngư dân ở xã Kỳ Ninh, từng bước giúp họ thoát nghèo làm giàu trên những dòng sông quê hương. Tuy nhiên, để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các gia đình ở các xã vùng ven biển có cơ hội xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông. Về phía chính quyền địa phương cần có sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng để từ đó đánh giá kết quả mô hình nhằm nhân rộng mô hình này không chỉ ở xã Kỳ Ninh mà còn phát triển sang các địa phương khác. Thành công của mô hình nuôi cá lồng trên Sông Vịnh – ở xã Kỳ Ninh là bước đột phá trong nghề nuôi cá, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho bà con ngư dân vùng ven biển.

Tác giả bài viết: Mạnh Hải- Phạm Tuấn

Kỳ Anh

  Từ khóa: Cá Mú

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP