Giáo dục

Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Thiếu hơn 150 giáo viên tiểu học cho năm học mới

Huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là 2 địa phương thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học một cách trầm trọng, tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua.

Hiện các trường học trên địa bàn đã bắt đầu cho năm học mới 2017-2018 nhưng nhiều lớp thiếu giáo viên nên hiệu trưởng phải đứng lớp dạy. Hiện 2 huyện này thiếu 152 giáo viên tiểu học, 11 nhân viên hành chính trường học.

Thiếu giáo viên đứng lớp trầm trọng

Ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chia sẽ: “10 năm trở lại đây, ngành giáo dục dường như không tuyển dụng thêm, thậm chí còn phải tinh giảm biên chế. Nhưng đặc thù của huyện Kỳ Anh cũ, thị xã Kỳ Anh mới thì GV địa phương khác đến công tác chiếm hơn 50%, đến khi đủ thời gian công tác, họ xin về địa phương nơi mình sinh sống để làm việc.

Hơn thế, khi Khu kinh tế Vũng Áng đi vào hoạt động, nhất là từ khi bắt đầu xây dựng khu công nghiệp nơi đây thì dân số tại đây tăng nhanh đột biến. Các gia đình mới chuyển đến cho con em học tập tại đây cũng theo đó mà tăng lên. Việc thừa lớp, thiếu giáo viên cũng xuất phát từ đây.”

Được biết, huyện Kỳ Anh tất cả các bậc học còn thiếu 52 Giáo viên và 11 nhân viên hành chính theo chỉ tiêu giao của Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, nhóm Toán Lý – Toán Tin (thiếu 9 GV), nhóm Văn –Sử - Giáo dục công dân - Địa Lý (thiếu 3 GV), môn Tiếng Anh (thiếu 8 GV), các môn Âm nhạc và Công nghệ (thiếu mỗi môn 1 GV); các bộ phận khác như thư viện, thiết bị, văn thư và y tế (thiếu 9 chỉ tiêu). Bậc tiểu học hiện (thiếu 18 GV) còn bậc mầm non (thiếu 9 GV).

Không khác gì huyện Kỳ Anh, sau khi tách đơn vị địa lý hành chính thì thị xã Kỳ Anh, vấn đề thiếu GV cũng trở nên nghiêm trọng.

Phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh: Bậc học mầm non còn (thiếu gần 100 GV) so với tỉ lệ chung toàn tỉnh (1,8 GV/lớp). Hiện tại Thị xã Kỳ Anh mới đạt tỉ lệ 1,39 GV/lớp. Tuy nhiên, theo chỉ tiêu Sở Nội vụ giao thì Thị xã Kỳ Anh chỉ thiếu 11 GV. Điều đáng nói, bậc tiểu học theo chỉ tiêu của Sở Nội vụ giao còn thiếu 59 GV trong đó điều đáng lo ngại nhất là các môn văn hóa còn thiếu 10 GV (264 GV/274 lớp).

Nếu theo chỉ đạo của tỉnh Hà Tĩnh, bậc tiểu học phải đảm bảo 1,42 GV/lớp thì còn thiếu 70 GV. Nếu tính theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT thì thiếu 92 GV. Riêng bậc THCS, tính chỉ tiêu do Sở Nội vụ giao hiện còn thiếu 18 GV.

Thiếu giáo viên, Ban giám hiệu buộc phải đứng lớp

UBND Huyện Kỳ Anh đã có tờ trình số 40/TTr-UBND “Xin tuyển dụng biên chế giáo viên, nhân viên hành chính các trường MN, TH, THCS gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh”.

“Trường có 3 lớp chưa có giáo viên. Nếu tính theo tỷ lệ 1,42, trường thiếu 6 GV, còn tính theo quy định của Bộ thì thiếu 8 GV. Chưa có giáo viên bổ sung thì hiệu phó và hiệu trưởng đều phải đứng lớp dạy”. Thầy Trương Công Sơn, Hiệu trưởng trường tiểu học Kỳ Phương cho biết.

Trước tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, ngày 12/5/2017, UBND Huyện Kỳ Anh đã có tờ trình số 40/TTr-UBND “Xin tuyển dụng biên chế giáo viên, nhân viên hành chính các trường MN, TH, THCS gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh”.

Thị xã Kỳ Anh cũng đã làm tờ trình ngày 10/4/2017, UBND Thị xã Kỳ Anh cũng đã lập tờ trình số 66/TTr-UBND đề nghị Tỉnh cho “Tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT”.

Tuy nhiên, việc nhà trường, phòng giáo dục huyện, thị xã cứ trình đơn nhưng Sở Nội vụ, UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có văn bản trả lời về việc tuyển giáo viên mới, hay điều chuyển giáo viên nơi khác đến.

Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh cho biết, hiện thị xã đã có nhiều giải pháp tình thế trong việc thiếu giáo viên đứng lớp như: “Đề nghị tỉnh cho điều chuyển GV ở những huyện thừa về bổ sung cho thị xã Kỳ Anh, khoán quỹ lương hoặc giáo viên tăng số tiết học hoặc dạy kèm cặp. Riêng thị xã đang đề xuất phương án, điều giáo viên cấp 2 về dạy cấp 1, mần non. Điều này cũng gây ra bất cập, vượt quá số tiết dạy là sai quy định, chất lượng dạy và học không cao…

Mong muốn lớn nhất của Ngành giáo dục là tỉnh đồng ý cho các trường, bộ môn nào còn thiếu giáo viên thì được phép tuyển dụng giáo viên hợp đồng” – ông Sum đề xuất.

Được biết, tính đến tháng 8/2017 tỉnh Hà Tĩnh còn dôi dư hơn 600 giáo viên, chủ yếu là giáo viên THCS tập trung nhiều ở TP.Hà Tĩnh và các huyện lân cận TP Hà Tĩnh. Nghịch lý là nơi thừa quá “đẩy” đi không được, nơi thiếu trình xin người mãi không được.

Tác giả: Minh Thư - Hiệp Hoa

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP