Những điểm đáng chú ý là: Tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu người, bằng 101,6% kế hoạch năm (tăng 1,6% so với năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 2,31%; trong đó khu vực thành thị khoảng 3,29%, đạt mục tiêu đề ra (dưới 4%).
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%, riêng các huyện nghèo giảm còn 28%, hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 76/2014 của Quốc hội khóa 13; Tuyển mới dạy nghề khoảng 2,15 triệu người, đạt 100% kế hoạch, tăng 6,3% so với mục tiêu thực hiện năm 2014. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2015 ước đạt 51,6%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ là 21,9%.
Huy động vốn cho đầu tư phát triển năm 2015 ước đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng(tương đươngg với 32,6% GDP, tăng 12% so với năm 2014).
Thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2015 ước đạt 14,5 tỷ USD (tăng 17,4% so với năm 2014).
Vốn đăng ký ước đạt 22,76 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm trước); số dự án cấp mới tăng 26,8%; số lượt dự án tăng thêm vốn tăng 37%.
Về tiền tệ, tín dụng, tính đến ngày 21/12/2015, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 13,59% so với 2014.
Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 17,17%; tổng phương tiện thanh toán ước tăng 13,55%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Bùi Quang Vinh. ảnh: VGP. |
Về thu – chi ngân sách nhà nước: Cả năm 2015 tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 884,755 nghìn tỷ đồng (bằng 97,1% dự toán) và dự kiến cả năm vượt dự toán. Tổng chi NSNN ước đạt 1.064,51 nghìn tỉ đồng, bằng 92,8% dự toán.
Sản xuất công nghiệp có mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai và đạt nhiều kết quả; chính sách phát triển thủy sản, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia được chú trọng. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, sức mua và tổng cầu được cải thiện đáng kể.
Công tác đào tạo, dạy nghề, an sinh, phúc lợi xã hội được chú trọng và đảm bảo. Cơ chế, chính sách, hệ thống các văn bản pháp luật tiếp tục được hoàn thiện; cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các địa phương cần nhìn nhận đầy đủ các mặt mạnh, mặt yếu để có điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt là phải chú trọng tìm ra căn nguyên để khắc phục nhanh chóng những điểm chưa được.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) – Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam nhận định, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Giá dầu thô giảm mạnh, tình hình chính trị thế giới tồn tại nhiều bất ổn; Sự phá giá mạnh đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nước ta… những khó khăn ấy đã tạo thêm áp lực phát triển kinh tế – xã hội đối với Thủ tướng và Chính phủ.
“Trong khi thế giới đều khó khăn mà chúng ta tăng trưởng trung bình 5,9% trong suốt 5 năm vừa qua là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của doanh nghiệp và người dân”, bà Hường nhấn mạnh.
Bà Hường cũng đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ như thời gian qua, để các thủ tục thuế, phí và lệ phí không chỉ liên quan tới doanh nghiệp mà còn có liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân phải được điều chỉnh tốt hơn. Phải tiếp tục có những động viên khối doanh nghiệp, doanh nhân để họ tin tưởng đầu tư sản xuất kinh doanh, vừa phát triển kinh tế của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Trong khi đó TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế cũng nhận định, những thay đổi nhanh chóng trong tư duy điều hành của Chính phủ là bước ngoặt quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn trong năm 2015.
TS Nguyễn Minh Phong cũng chỉ ra 6 yếu tố rõ nét cho thấy triển vọng của nền kinh tế Việt Nam:
Thứ nhất là kinh tế đối ngoại chắc chắn phát triển rất tốt nhờ sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ. Đây vừa là điều kiện vừa là điểm sáng cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Nó gắn liền với các Hiệp định đã ký cũng như vị thế Việt Nam đã đạt được.
Thứ hai là đề cao kinh tế tư nhân, đồng thời tỷ lệ thuận với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba là xuất khẩu đã có nhiều điều chỉnh tích cực sau khi Thủ tướng chỉ đạo đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuế quan đã rất thuận lợi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, phải tiếp tục rút ngắn thời gian thủ tục hành chính hơn nữa, xuống mức thấp hơn mức trung bình của Asean.
Chính vì vậy, môi trường đầu tư và môi trường xuất khẩu chắc chắn sẽ là một điểm mạnh của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thứ tư là Việt Nam có lợi thế tiềm năng về biển và đây là hướng đầu tư khai thác rất mạnh trong những năm tới.
Thứ năm là chính sách về nông nghiệp cũng đang được cải thiện nhanh, các mô hình nông nghiệp lớn đang được triển khai tích cực, thay đổi cơ cấu và có thêm nhiều kỹ thuật chế biến đáp ứng nhu cầu của các thị trường khác nhau. Nói gì thì nói nông nghiệp vẫn là một trụ cột của kinh tế Việt Nam.
Thứ sáu, ngành du lịch và một số ngành dịch vụ chất lượng cao hy vọng sẽ tiếp tục được cải thiện và tăng trưởng tốt. Thời gian vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều biện pháp tạo điều kiện cho ngành du lịch và ngay lập tức thu được kết quả rất tốt, thí dụ như chính sách miễn thị thực cho khách du lịch ở 5 quốc gia châu Âu; hay cho phép hàng khách mua hàng miễn thuế trong các chuyến bay tới Việt Nam.