Trong lúc đó nhiều tỉnh miền Trung đã vượt qua “cơn bão khủng hoảng” một cách ngoạn mục. Báo cáo với Hội đồng nhân dân trong kỳ họp cuối năm hầu hết các tỉnh đều khẳng định “Đã ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế” tuy có một số chỉ tiêu giảm nhưng phần lớn đều đạt và vượt.
Ấn tượng nhất là Thừa Thiên- Huế, kết thúc năm 2009 có 15/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt. Trong đó, có chỉ tiêu tăng trưởng GDP kế hoạch đề ra trên 10% đã đạt 11,2%, tổng sản phẩm bình quân đầu người là 900USD đã vượt lên 1.003USD, hoàn thành chỉ tiêu đến 2010. Kim ngạch xuất khẩu đạt 141triệu USD, tăng 30,8%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 18,3%; sản xuất công nghiệp tăng 18,2%; thu ngân sách nhà nước đạt 2.520 tỷ đồng, vượt 17,5% dự toán, tăng trên 30,9% so với năm trước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngỡ khó khăn không ngờ đạt trên 7.243 tỷ đồng, vượt 8,1% kế hoạch. Hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng mới được triển khai, đưa vào sử dụng; cấp mới 58 giấy chứng nhận đầu tư trong và ngoài nước với tổng nguồn vốn 8.404,5 tỷ đồng và 33,88 triệu USD, đặc biệt có 2 dự án trị giá “tỷ đô” đã được khởi công xây dựng ở Khu kinh tế Chân Mây vào tháng 9/2009
Thành phố Đà Nẵng, địa phương phát triển nhất miền Trung năm 2009 đã duy trì được tốc độ tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm xã hội tăng 11,2%; giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện hơn 11,3 nghìn tỷ đồng (tăng 10,1% so với 2008); giá trị dịch vụ ước thực hiện hơn 8,3 nghìn tỷ đồng (tăng 15,3%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 21,5 nghìn tỷ đồng (tăng 16,3); giá trị kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện hơn 1 tỷ USD (tăng 4,6%)… Nhiều công trình trọng điểm được tập trung hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ, một số công trình mới được khởi công. Các vấn đề văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm và có nhiều chuyển biến mới. Điều chỉnh 2 mục tiêu trong chương trình “5 không” thành “Không có hộ gia đình nghèo đặc biệt khó khăn” và “Không có học sinh bỏ học trong độ tuổi”; tiếp tục thực hiện chương trình “3 có”, tập trung cho “Có nhà ở” xã hội.
Tỉnh Khánh Hòa, địa phương phát triển ngành công nghiệp dựa vào biển nhất miền Trung năm 2009 cũng tăng trưởng mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước tăng 10,2% so với năm 2008; giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 19.313 tỷ đồng, tăng 14,6%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 2.663 tỷ đồng, tăng 2,26%; sản xuất dịch vụ ước tăng 21,3%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.260 USD. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 6.200 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2008. Tuy kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn giảm 3,4%, chỉ đạt 546 triệu USD, bằng 96% kế hoạch nhưng về du lịch trong lúc các tỉnh có thế mạnh như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đều giảm thì Khánh Hòa doanh thu du lịch đạt 1.567 tỷ đồng (vượt 0,4% KH). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 11.515 tỷ đồng, tăng 35,8%… Tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh hiện có 70 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư và đang hoạt động, với vốn đăng ký 1.250 triệu USD.
Bên cạnh các tỉnh thành “vượt bão” ngoạn mục thì một số địa phương khác tuy chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đầu năm đề ra nhưng cũng không phải là quá thấp. Như Quảng Nam năm 2009 dù chỉ đạt chỉ tiêu “điều chỉnh” 11% (kế hoạch đầu năm trên 12%) nhưng cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đều tăng như tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ trong GDP lên 77%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trên 9.240 tỷ đồng, tăng 29,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa gần 11 nghìn tỷ đồng, tăng trên 22%… chỉ có chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, chỉ đạt 207 triệu USD, giảm 13% so với năm 2008.
Hay Quảng Trị, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 9,1%, trong đó tăng cao nhất là khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 17,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,7 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38/42 triệu USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 3.770 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 680 tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều chỉ tiêu an sinh xã hội lại rất đáng kể như 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS; tạo việc làm mới cho 8.500 lao động. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14,9%. Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm còn 20,2%. Tỉ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh 80%. Tỉnh Quảng Bình, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra như tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,6%; dịch vụ tăng 12,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 68,3 triệu USD, bằng 100,4% kế hoạch; thu ngân sách được 1.055 tỷ đồng (là năm có số thu cao nhất từ trước đến nay).
Bước vào năm 2010, sau khi phân tích nguyên nhân thành công vượt qua khủng hoảng tài chính của năm 2009 và những khuyết điểm, yếu kém trong chỉ đạo điều hành như tốc độ kinh tế tuy có tăng trưởng nhưng chậm và chưa vững chắc, còn nhiều vấn đề bức xúc trên lĩnh vực văn hóa-xã hội như giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xử lý ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nhân lực.. Một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức còn quan liêu, chưa gần dân; nạn tiêu cực, tham nhũng chưa có biện pháp đẩy lùi…, các tỉnh miền Trung đã đề ra nhiều giải pháp tích cực, ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tích cực thu hút đầu tư trong và ngoài nước…để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2006- 2010 và kế hoạch 10 năm 2001- 2010, trong đó hầu hết các tỉnh thành đều đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 12% trở lên.
Với Thừa Thiên Huế, tỉnh đã đưa ra 7 chương trình trọng điểm về kinh tế- văn hóa- xã hội nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP trên 12%, tổng sản phẩm bình quân đầu người 1.150USD, kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD; thu ngân sách nhà nước 3.000 tỷ đồng. Thành phố Đà nẵng, đầu tàu kinh tế miền Trung, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12-13%; chú trọng phát triển dịch vụ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế sau năm 2010 là: Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, nhất là có nhà ở xã hội và xóa hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Khánh Hòa, năm 2010 cũng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) lên 12%; Thu nhập bình quân đầu người từ 1.450 USD đến 1.500 USD; Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 17%; sản xuất dịch vụ tăng 15%; tổng kim ngạch xuất khẩu 600 triệu USD, tăng 10%; tạo 25.000 việc làm mới…
Tỉnh Quảng Nam, GDP tăng 12,5% so với năm 2009. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 26,5%; dịch vụ tăng 15,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 290 triệu USD, tăng 40%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.700 tỷ đồng, tăng 26,6%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 2.420 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 37.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 17%. Tỉnh Quảng Trị quyết tâm chuyển biến mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội, khai thác lợi thế hành lang kinh tế Đông – Tây đưa GDP tăng 11-12% trong đó công nghiệp- xây dựng tăng 18-20%, dịch vụ tăng 8,5 – 9%; kim ngạch xuất khẩu đạt 50 triệu USD, tăng 31,6%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 4.200 – 4.300 tỷ đồng, tăng khoảng 11,4 – 14%; tổng thu ngân sách trên địa bàn 730 tỷ đồng, tăng 7,4%; trồng mới 4.500 ha rừng tập trung, 1.010 ha cây công nghiệp, tăng 8,2% (trong đó cao su: 800 ha, cà phê: 150 ha, hồ tiêu: 60 ha). Quảng Bình, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 11%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20%; cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp 20%; Công thương – xây dựng 40% và Dịch vụ 40%…
Với những bước đi và giải pháp thích hợp, kết hợp với đẩy mạnh tính minh bạch, công khai hóa các hoạt động kinh tế – xã hội; các chương trình trọng điểm; chú trọng công tác kích cầu, phát triển doanh nghiệp; thực hiện dân chủ lành mạnh hóa các quan hệ xã hội chắc chắn các tỉnh miền Trung sẽ về đích 2010 một cách khả quan.
Công Thương