Như tin đã đưa, một cán bộ TAND thị xã Kỳ Anh (xin dấu tên) cho biết: Trong 2 ngày 26 – 27/9, TAND thị xã Kỳ Anh có nhận được 506 đơn của người dân miền Trung gửi kiện Formosa.
Đa phần các lá đơn đều trình bày: Do Formosa xả thải không đúng quy trình, gây ô nhiễm môi trường nên cá chết hàng loạt. Từ đó, người dân rơi vào cảnh thu nhập giảm sút, thậm chí mất thu nhập, thiếu việc làm, vấn đề khai thác hải sản, làm muối, nước mắm… gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Trụ sở TAND thị xã Kỳ Anh – Nơi tiếp nhận hơn 500 đơn thư khởi kiện Formosa. |
Hiện, tòa án đang tập trung sàng lọc các nội dung đơn thư để xem xét việc thụ lý.
Tuy nhiên, dựa trên thực tế cho thấy, có một tồn tại bất cập nổi lên: Người thiệt hại trực tiếp thì không tham gia; người không bị thiệt hại, không liên quan trực tiếp lại kéo nhau nộp đơn kiện, gây bất ổn an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
Theo cán bộ TAND thị xã Kỳ Anh (trực tiếp nhận đơn) cung cấp, trong số hơn 500 lá đơn này, chưa có cái nào của ngư dân Hà Tĩnh – nơi chịu thiệt hại nặng nề từ sự cố cá chết hàng loạt do Formosa xả chất thải độc hại. Trong khi đó, số đơn này đều của người dân các xã: An Hòa, Tiến Thụy, Quỳnh Lộc thuộc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nơi không xảy ra hiện tượng trên. Có chăng, các khu vực này của huyện Quỳnh Lưu chịu ảnh hưởng về sự chênh lệch giá cả hải sản đánh bắt được, trong thời điểm “tâm bão”.
Trước sự việc người dân nộp đơn khởi kiện Formosa, Luật gia Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (thuộc Sở Tư pháp Hà Tĩnh) cho hay: Việc cá nhân, đơn vị nào đó gây ra thiệt hại cho người dân thì họ có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông này cũng có nói thêm: “Trước khi bà con nộp đơn khởi kiện đến tòa án thì nên cân nhắc rất kỹ mình có thuộc diện được bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự hay không?
Hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế của người dân, thậm chí, có nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh điêu đứng, kinh tế suy kiệt. |
Khi bà con yêu cầu bồi thường thiệt hại thì ngoài đơn cần phải có các tài liệu chứng cứ cụ thể kèm theo, chứ không thể nói chung chung được. Trong trường hợp có hành vi trái pháp luật của Fomosa ảnh hưởng đến môi trường, bà con có thiệt hại nhưng không có tài liệu chứng cứ chứng minh mình bị thiệt hại do Fomosa gây nên, dù tòa án có thụ lý giải quyết thì cũng sẽ bị bác yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, người dân vừa mất công sức, tiền bạc đi lại để tham gia tố tụng, vừa mất tiền án phí lại không được bồi thường gì”.
“Do vậy, các cơ quan Trung ương nên có văn bản hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu bồi thường. Cần phân biệt rõ đâu là hỗ trợ, đâu là bồi thường. Nếu là bồi thường thì được những gì? Mức bồi thường như thế nào? Viện dẫn rõ ở điều khoản nào? Văn bản nào?… Để bà con dễ tra cứu, áp dụng, tránh dẫn đến việc không biết, nảy sinh tâm lý đi khởi kiện a dua; bị lợi dụng lôi kéo, xúi dục đi kiện, gây bất ổn ANTT….”, ông Tuấn kiến nghị thêm.
Trước đó, từ tháng 4/2016, sự cố cá chết hàng loạt bắt đầu xảy ra dọc theo bờ biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế). Thực trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế của người dân, thậm chí, có nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh điêu đứng, kinh tế suy kiệt. Sau 3 tháng vào cuộc rốt ráo điều tra, làm rõ nguyên nhân của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt được xác định là do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải, gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, Formosa đã thừa nhận hành vi xả thải của mình, xin lỗi Chính phủ và người dân Việt Nam, đồng thời chịu bồi thường 500 triệu USD cho 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường gây ra. Số tiền này đã được Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà xác nhận với báo chí, tính đến ngày 30/8, Formosa Hà Tĩnh đã chuyển hết 500 triệu USD bồi thường cho phía Việt Nam. |
PVMT