Theo ông Vĩnh, về nhân sự, quá trình chuẩn bị trình Đại hội XII đã được làm từ sớm, theo đúng quy định của Đảng và tuân thủ Điều lệ Đảng. Từ tháng 9/2013 sau khi thành lập các tiểu ban, trong đó có tiểu ban nhân sự, các công việc đã được triển khai.
Tháng 4/2015, Trung ương đã thông qua phương hướng, chỉ đạo các Thành ủy, Tỉnh ủy, cơ quan Đảng trung ương để tiến hành các quy trình đề cử, ứng cử. Những người đủ tiêu chuẩn, đúng độ tuổi được đưa vào danh sách đề cử.
Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh. Ảnh: Hoàng Hà. |
– Công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội XII có gì mới, thưa ông?
– Đại hội lần này làm rành mạch và khoa học, chặt chẽ. Ban chấp hành Trung ương đã họp 3 hội nghị xem xét về công tác nhân sự. Hội nghị trung ương 12 họp quyết định nhân sự mới được giới thiệu tham gia lần đầu vào Ban chấp hành. Hội nghị trung ương 13 xem xét nhân sự tái cử đối với các ủy viên. Hội nghị trung ương 14 xem xét các trường hợp đặc biệt ở cả Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Ví dụ, Hội nghị trung ương 14 xem xét các trường hợp đặc biệt là các đồng chí quá tuổi trong phương án nhân sự. Qua thảo luận dân chủ, bỏ phiếu kín, đề xuất, giới thiệu, Trung ương thể hiện sự tập trung rất cao với các phương án. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị bàn bạc, bỏ phiếu kín và quyết định.
Đối với việc xin rút hay không xin rút, các đồng chí đều xin rút hết. Nhưng rút hay không do Ban chấp hành quyết định. Hội nghị trung ương 14 quyết định cho rút theo nguyện vọng, sau đó mới có đề cử các vị trí nhân sự cho khóa XII.
Tại Đại hội sẽ xem xét theo quy trình tương tự. Với những người chưa được trung ương giới thiệu, Đại hội sẽ quyết định giới thiệu hay không để đưa vào danh sách bầu. Có thể nói, việc bầu cử tiến hành dân chủ và thực sự tôn trọng quyền của đại biểu và Đại hội.
– Việc bầu cử các chức danh chủ chốt của Đảng sẽ được thực hiện theo quy trình như thế nào, có áp dụng Quyết định số 244 ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương?
– Việc bầu cử theo quy định nào Đại hội sẽ quyết định. Quyết định 244 rất khoa học, phù hợp tình hình, dân chủ nhưng phải chặt chẽ, tránh rối loạn xã hội.
Quy luật chung của loài người, một nước phát triển đến ngưỡng nào đó, nếu không giữ được ổn định thì phá vỡ quá trình phát triển và sẽ thụt lùi. Trên thế giới chỉ vài nước vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam đang đứng trước bẫy thu nhập trung bình. Vì thế, chúng ta tiến hành dân chủ nhưng phải tập trung, chặt chẽ.
– Điều 13 Quyết định 244 quy định các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị. Ông giải thích rõ hơn quy định này?
– Ngay cả việc rút hay không cũng do Đại hội quyết định, Đại hội có cho rút hay không chứ không phải là nguyện vọng của cá nhân. Muốn rút mà Đại hội không cho thì cũng không được.
Quyết định cuối cùng là do Đại hội đưa ra, không phải do cấp dưới Đại hội.
– Quy định về số dư đối với Ban Chấp hành Trung ương đưa ra để bầu tại Đại hội như thế nào, thưa ông?
– Số dư theo quy định không quá 30% để bầu cử tập trung. Nếu giới thiệu quá con số 30% thì Đại hội sẽ bỏ phiếu để chốt lại danh sách, ai cao hơn sẽ giữ trong danh sách đó.
– Hội nghị Trung ương 14 đã thông qua danh sách nhân sự chủ chốt đề cử tại Đại hội, vậy xin hỏi có bao nhiêu lãnh đạo thuộc Bộ Chính trị khóa XI được giới thiệu tại Đại hội lần này?
– Trung ương đã xem xét một vài trường hợp đặc biệt và rất ít thôi. Cụ thể là ai thì tôi không thể nói.
– Trong tiêu chuẩn chọn ứng viên Tổng bí thư khóa XII tại Hội nghị trung ương 14 vừa qua, tiêu chuẩn nào được coi là quan trọng nhất?
– Tổng bí thư phải là người tiêu biểu nhất cho toàn Đảng, phải là nhà lãnh đạo xứng tầm. Không có giới hạn về tuổi đối với chức danh này.
Ông Lê Quang Vĩnh cho biết, sau phiên khai mạc ngày 21/1, Đại hội sẽ dành 2 ngày để thảo luận về văn kiện Đại hội. Đại hội sẽ tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện văn kiện rồi mới trình, thông qua vào ngày 28/1.
Việc bầu chức danh tổng bí thư dự kiến sẽ do Ban chấp hành Trung ương khóa mới tiến hành tại Phiên họp thứ nhất của Ban chấp hành trung ương diễn ra chiều 27/1. Sáng 28/1, kết quả bầu sẽ được Ban chấp hành Trung ương báo cáo và xin ý kiến Đại hội, để Đại hội chuẩn thuận. Sau khi Đại hội chuẩn thuận, tên tuổi của tân Tổng bí thư sẽ được công bố rộng rãi.