Ngày 25/8/2016, Bộ Công Thương đã có quyết định bổ sung dự án khu liên hợp luyện cán thép tại Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020 đến 2025.
Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm. Với vốn đầu tư 10,6 tỉ USD ( khoảng hơn 230.000 tỉ đồng).
Một góc bãi biển Cà Ná- Ninh Thuận. Ảnh internet |
Dự án này đang khiến dư luận nóng lên bởi các ý kiến lo ngại xoay quanh vấn đề ô nhiễm môi trường, công nghệ thiết bị, nhà thầu và nguồn vốn ở đâu để thực hiện dự án lớn như vậy.
Lý do của những nghi ngờ trên là hậu quả sự cố môi trường biển của Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung hết sức nặng nề và chưa giải quyết xong thì nay Tập đoàn Hoa Sen lại muốn có một siêu dự án thép ven biển Ninh Thuận. Nhiều người lo ngại sẽ có Formosa thứ hai.
Chia sẻ với PV Báo điện tử Infonet, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương cũng bày tỏ: “Tôi rất lo ngại về dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen”.
Theo ông những trình bày của ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Hoa Sen (HSG) không đủ sức thuyết phục: “Thứ nhất Ninh Thuận khô hạn, cây trồng vật nuôi không có nước ngọt để sống. Việc để tỉnh cung cấp nước sạch là không khả thi. Ông Vũ có đưa ra phương án sử dụng nước lọc từ nước biển để sản xuất nhưng cụ thể như thế nào, phải có sự thẩm định và giá thành là bao nhiêu?”
Bên cạnh đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng lo ngại khi dự án này có dùng nhà thầu Trung Quốc.
Một yếu tố nữa khiến ông lo lắng là Trung Quốc có công suất 1.200 triệu tấn thép/năm. Hiện nay Trung Quốc đang thừa công suất với nhu cầu xuất đi 600 triệu tấn thép mỗi năm.
“Thép của ông Lê Phước Vũ ra lò sẽ cạnh tranh với Trung Quốc như thế nào. Nếu không cạnh tranh được thì ông làm gì với khối thép ấy?”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Chính vì thế ông đề nghị, dự án này cần có sự giám sát của các Hiệp hội, xã hội, chuyên gia độc lập.
“Không thể để lặp lại một Formosa thứ hai”, ông Doanh nói.
Mặc dù ông Lê Phước Vũ cam kết: “Chúng tôi sẽ không xả thải ra biển, nếu nhà máy của Hoa Sen khi đi vào vận hành mà gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước” nhưng theo chuyên gia Lê Đăng Doanh: “Những cam kết rất cao như ông Vũ mới chỉ là lời nói. Bây giờ chúng ta phải xem xét từng hồ sơ, giám sát, xem xét. Chứ nói như vậy rồi sau đó ai chịu trách nhiệm hay người dân Việt Nam chịu trách nhiệm? Nguồn vốn tài chính như thế nào cũng cần được làm rõ”.
Tại đại hội cổ đông bất thường của Công ty CP tập đoàn Hoa Sen (HSG) ngày 6/9, ông Lê Phước Vũ đã tuyên bố “ngu gì không làm thép”.
Bình luận về câu nói “ngu gì không làm thép” của Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng câu nói này không sai bởi khi các nhà đầu tư nắm trong tay hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, không dễ mà hành động sai. Song cũng như chuyên gia Lê Đăng Doanh, TS. Thành cũng bày tỏ lo lắng về dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen.
Cũng theo TS. Nguyễn Đức Thành cái sai ở đây là chúng ta dễ dãi trong phát thải gây ô nhiễm môi trường, không buộc các doanh nghiệp phải tính đủ việc bảo đảm bảo vệ môi trường vào chi phí hoạt động, cũng là một loại trợ cấp không khác gì trợ cấp giá năng lượng hay ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, người trợ cấp cho doanh nghiệp chính là người dân ở vùng đó, chứ không phải ngân sách. Họ mang mạng sống của họ và gia đình họ trợ cấp cho lợi nhuận khổng lồ của các công ty gây ô nhiễm.
Ngoài ra có một yếu tố nữa giá năng lượng, cụ thể là giá điện cho sản xuất, bị định giá sai.
“Mức giá ấy bị định thấp đến nỗi những nhà đầu tư thông minh trong nước hay ngoài nước đều hiểu rằng sẽ lời to nếu đầu tư vào các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng. Và quy mô đầu tư càng lớn, lợi nhuận càng lớn so với việc đặt nhà máy ở một nước xung quanh. Cả nước trợ cấp cho giá điện sản xuất, tức là trợ cấp lợi nhuận cho các ông lớn nhất. Khi sản phẩm ấy được xuất khẩu, thì là cả nước đồng lòng trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài. Đầy trìu mến”, ông Thành chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, muốn có câu trả lời “sống chết” cho các ông chủ dự án thép tỷ đô, cần đưa giá điện sản xuất về giá thị trường. Điều này tất nhiên cần đi liền với cải tổ ngành điện và các ngành nguyên liệu cho ngành điện.
Thứ hai là kiểm soát chính xác quá trình phát thải của các nhà máy, thu phí gây ô nhiễm đúng quy định, đúng mức phát thải.
Và thứ ba, không ưu đãi đầu tư (thuế, đất) cho các dự án tiêu tốn năng lượng hoặc có phát thải gây ô nhiễm. Chỉ cần cho họ bình đẳng như mọi ngành nghề bình thường khác.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng đồng tình cho rằng những ưu đãi về thuế phí, đất đai, dễ dãi trong vấn đề môi trường cũng gây méo mó thị trường. Sự buông lỏng tiêu chuẩn môi trường của Formosa là bài học mà không thể nào cho phép lặp lại.
“Nếu Bộ TN-MT trước đây đã có những thiếu sót trong quản lý môi trường thì nay phải huy động các lực lượng chuyên gia độc lập, không thể để thảm kịch Formosa ở Hà Tĩnh lặp lại ở Ninh Thuận”, ông Doanh nhấn mạnh.