PGS.TS Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi.
Phát biểu tại hội thảo “Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị” mới đây, ông có đề cập vấn đề có một bộ phận Đảng viên tha hóa biến chất, vi phạm đạo đức, coi thường pháp luật. Đây là nguy cơ nguy hiểm đối với sự lãnh đạo của Đảng. Có những biểu hiện nào thể hiện nhận định này, thưa ông?
Hội nghị TƯ 4 lần thứ 11 của Đảng đã nêu có một bộ phận không nhỏ Đảng viên tha hóa biến chất. Thực tế trong tình hình hiện nay chúng ta nhận định trong hệ thống chính trị và trong Đảng có một bộ phận đã có những yếu kém, sa sút. Chỗ này chỗ kia, người này người khác có suy nghĩ và hành động vượt qua khuôn khổ pháp luật đã quy định.
Việc đổi mới hệ thống chính trị lần này nhất định phải rà soát, làm thế nào để Đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước nhưng Đảng phải tuân thủ pháp luật, hiến pháp với một khuôn khổ nhất định.
Đứng trước nguy cơ như ông nói, Đảng phải có biện pháp kiểm tra giám sát thế nào để có thể khắc phục tình trạng này?
Đảng phải đấu tranh với xu hướng này và muốn đấu tranh thì phải kiểm tra giám sát. Đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra trong Đảng, từ các chi bộ tới cấp cao, trong lối sống, cách sống của từng gia đình, con người. Giai đoạn vừa qua, vấn đề lợi ích nhóm đang hình thành, nhất là lợi ích nhóm không mang tính tích cực là gắn kết lại vì sự nghiệp chung mà gắn kết để lợi dụng, chiếm lợi nhà nước từ cái chung đem lợi cho cái riêng. Chính vì mang lợi cho nhóm riêng đã làm nhiều cá nhân quên mất lý tưởng, quên mất nhiệm vụ cần thực thi, làm hại đến cái chung, gây hại cho cả đất nước, dân tộc. Đây là biểu hiện cần đấu tranh không thể khoan nhượng.
Cũng trong một hội nghị gần đây khi nói về vai trò và sức chiến đấu của các Đảng viên cũng như vấn đề giám sát trong Đảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn ví dụ về sai phạm tại tập đoàn Vinalines, Vinashin. Sự thật xót xa là sai phạm tại 2 tập đoàn “con cưng” này diễn ra trong thời gian rất dài trong khi lực lượng Đảng viên ở đó rất lớn mà đơn thư tố cáo, ý kiến phản ánh sai phạm chưa bao giờ Chính phủ nhận được. Ông đánh giá thế nào về vấn đề Thủ tướng nêu?
Thực sự sức chiến đấu của Đảng hiện tại, phải nói thẳng hiện đã yếu đi. Các lãnh đạo Đảng đã phải thừa nhận việc đó. Có nhiều lý do như những hành vi sai trái được che đậy rất kỹ, rất khéo, rất kín nên qua những hoạt động thông thường chúng ta khó phát hiện. Những hành vi sai trái đó lại được bao che nên từ chi bộ đến TƯ đều khó phát hiện. Thêm nữa, trong quá trình đấu tranh với tiêu cực, người tố cáo, đấu tranh thường phải chịu thiệt thòi, chịu bị cô lập, phong tỏa cũng làm nhiều người nhụt chí đấu tranh.
Cũng phải nói thêm, hệ thống thanh tra kiểm tra của chúng ta chưa hiệu quả. Báo chí đã đưa, dư luận đã nói việc thanh tra nhiều nhưng không phát hiện được. Tôi nghĩ đến giai đoạn hiện nay phải xây dựng lại cơ chế giám sát kiểm tra thanh tra. Đó là phải có những báo cáo giám sát thanh tra ngay từ giai đoạn đầu, không để cho bất cứ hành động mờ ám nào có cơ hội thực hiện.
Có nhiều ý kiến cho rằng, khi công cụ tự kiểm tra, giám sát trong Đảng chưa hiệu quả thì cần đến công cụ khác là sự giám sát của người dân. Tuy nhiên, cơ chế giám sát để người dân giám sát hoạt động của cán bộ Đảng viên cần xây dựng như nào cho hiệu quả, khả thi?
Theo tôi, cần phát huy vai trò đấu tranh và kiểm tra giám sát ngay từ cơ sở. Các hoạt động cần công khai ngay ở cấp thấp nhất, gần nhất để người dân và các Đảng viên đều biết. Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm này với đơn vị cấp trên và giám sát của cơ quan quản lý. Nếu đã kiểm tra mà lần sau đi kiểm tra lại mà có lỗi thì người kiểm tra trước phải chịu trách nhiệm.
Trên thế giới, nhiều nước đã quy định cụ thể, khi tiến cử cũng như thẩm tra, xác định vấn đề gì đó là tốt thì người giới thiệu, cơ quan thẩm tra phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Ví như kiểm toán, khi một kiểm toán viên lý vào biên bản kiểm toán khẳng định đơn vị được kiểm toán là tốt thì sau này, khi công ty, đơn vị đó có vấn đề, kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm đến cùng, tùy mức độ sai phạm của mình trong quá trình kiểm toán trước đó.
Chỉ gắn trách nhiệm như vậy, khi làm việc, mỗi cá nhân, cơ quan được giao trách nhiệm thanh kiểm tra, giám sát mới làm việc thực chất, hiệu quả. Tôi cho rằng hệ thống kiểm tra giám sát của ta đã đến lúc phải quy định như vậy.
Việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng cũng đang được chờ đợi sẽ là một công cụ giám sát hữu hiệu đối với hoạt động của cán bộ, Đảng viên?
Lấy phiếu tín nhiệm tôi cho là rất tốt nhưng như chính Nghị quyết TƯ 4 đã nêu việc có lợi ích nhóm nên lấy phiếu cũng phải tổ chức một cách thực sự hiệu quả chứ nếu không, để gắn với lợi ích nhóm thì người có nhiều phiếu chưa chắc đã có uy tín, thực sự cống hiến cho dân cho nước và người ít phiếu cũng chưa chắc đã là người xấu, không đủ năng lực.
Công cụ giám sát này khi thực hiện cũng cần gắn với cơ chế chất vấn, cơ chế công khai minh bạch, kiểm tra giám sát để làm sao không quy tụ lợi ích nhóm lại, vận động mua phiếu. Mà rõ ràng một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên tha hóa thì phải thẳng thắn nhìn nhận, việc đó sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu.
Trởi lại yêu cầu chấn chỉnh lại đội ngũ, cán bộ, hiện người dân cũng quan tâm nhiều công tác nhân sự trong Đảng. Một yêu cầu để giám sát việc sàng lọc con người là loại bỏ “vùng cấm” thông tin về công tác cán bộ như lâu nay. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi cho rằng thời gian qua công tác này Đảng đã làm khá tốt nhưng cũng phải nói thật cũng còn một số yếu kém. Ở đâu đó vẫn có chạy chức chạy quyền, ở đâu đó vẫn còn hiện tượng ê kíp, thân quen… Điều này ai cũng biết nhưng lại chưa có bằng chứng rõ ràng.
Để thực sự tìm được người tài thì cần làm nhiều việc hơn nữa vì bộ máy chưa hiệu quả, nguyên nhân gắn với con người. Con người làm chưa tốt thì công tác tổ chức chưa tốt. Công tác tổ chức cần chặt chẽ hơn nữa vì nếu không cẩn thận, thậm chí phiếu tín nhiệm cũng sẽ thành một biểu hiện lợi ích nhóm, để đánh đổ những cán bộ tốt, có năng lực… Việc lấy phiếu tín nhiệm, như TƯ yêu cầu thực hiện, không cẩn thận còn là cơ hội cho kẻ xấu lọt vào hàng ngũ, bằng quen biết, tiền bạc… mua hết tất cả để leo dần lên trên, đến tận chóp bu.
Vậy nên cần thực hiện chặt chẽ nhiều khâu, nhất là từ kiểm tra, giám sát, điều tra của nhân dân và càng minh bạch thì càng có khả năng tìm ra được người làm việc chân chính.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)
Dân Trí