Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) vừa có thông báo về việc trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 26% với ngày đăng ký cuối cùng là 31/5 và ngày thanh toán là 23/7. Mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 2.600 đồng và tổng cộng Petrolimex sẽ chi ra hơn 3 ngàn tỷ đồng, trong đó khoảng 2,55 ngàn tỷ đồng cho cổ đông Nhà nước.
Khoản cổ tức bằng tiền mặt khổng lồ lần này sẽ về với Ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (Siêu ủy ban) bởi từ ngày 1/10/2018, Petrolimex đã chuyển giao Chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Công Thương về ủy ban này. Trong năm 2018, PLX nộp thuế hơn 38 ngàn tỷ đồng. Trong các năm trước, PLX thường xuyên chi trả cổ tức tỷ lệ 30%.
Không chỉ kinh doanh xăng dầu mang lại lợi nhuận lớn, Petrolimex còn lợi thế khi đang vận hành khoảng 5.000 trạm xăng trên toàn quốc và mạng lưới này đang mở rộng với tốc độ khoảng 70 trạm mới/năm.
Trên Nikkei Asian Review, ông Phạm Văn Thanh chủ tịch Petrolimex cho biết tập đoàn sẽ bắt tay với Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng để tích hợp các trạm xăng với trạm sạc xe điện và cửa hàng tiện lợi trong xu hướng thị trường xe điện sẽ mở rộng trong tương lai.
Petrolimex có mạng lưới bán lẻ xăng dầu rộng khắp cả nước. |
Hiện Petrolimex vẫn là đích ngắm của nhiều đại gia nội ngoại, trong đó có tập đoàn hàng đầu của Nhật JXTG Nippon Oil & Energy. Doanh nghiệp này đang nắm giữ 8% cổ phần của Petrolimex và đang vẫn chờ đợi để nâng cổ phần lên khi Nhà nước thoái vốn tại PLX.
Hiện Nhà nước đang sở hữu 83,85% cổ phần tại Petrolimex và theo lộ trình sẽ giảm xuống 51% trong giai đoạn 2019-2020 thông qua việc phát hành tăng vốn điều lệ.
Petrolimex hiện cũng đang trong quá trình thoái vốn tại Ngân hàng PGBank cho sáp nhập vào HDBank. Kế hoạch này đã được NHNN chấp thuận nguyên tắc. Hia ngân hàng bổ sung đầy đủ hồ sơ và đang chờ NHNN phê duyệt.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đầu ngành và có nguồn gốc nhà nước có hoạt động tốt với tỷ lệ trả cổ tức cao và khối ngoại liên tục nâng tỷ lệ sở hữu.
Nhựa Bình Minh (BPM) vừa có quyết định trả nốt 25% cổ tức, nâng tổng tỷ lệ trả cổ tức 2018 lên 40% bằng tiền mặt. Nhựa Bình Minh là một doanh nghiệp đầu ngành nhựa và có nguồn gốc quốc doanh. Cho đến nay, đại gia Thái The Nawaplastic Industries đã nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ BPM sau nhiều năm liên tục mua vào cổ phiếu này.
Trước đó, cuối năm 2017, Nhà nước cũng đã thoái vốn tại Bia Sài Gòn (Sabeco) thu về 5 tỷ USD. Cho đến này, Sabeco được xem sắp trở thành công ty nước ngoài, thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, sau khi được chấp thuận nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% từ cuối 2018.
Sau khi về tay người Thái, Sabeco kinh doanh bắt đầu cải thiện từ quý 1/2019 và cổ tức cũng điều chỉnh tăng với hàng ngàn tỷ về túi cổ đông lớn là Thaibev.
Nhiều công ty may, than, xây dựng và vật liệu xây dựng… sau cổ phần hóa cũng có tỷ lệ trả cổ tức cao và có giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng mạnh.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản ở mức thấp nhưng nhiều nhóm cổ phiếu tăng đã giúp VN-Index tăng mạnh hơn 10 điểm. Nhóm hạ tầng công nghiệp tiếp tục diễn biến tích cực sau phát ngôn dòng vốn sẽ vào Việt Nam của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhóm cổ phiếu dầu khí và nhiều cổ phiếu blue-chips như Sabeco, Petrolimex, Bảo Việt, Vianmilk, Bia Hà Nội, Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail, Masan… tăng mạnh.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán SHS, việc VN-Index đã vượt được kháng cự 980 điểm (MA50) sẽ giúp chỉ số này tiếp cận ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm. Chỉ báo động lượng RSI vẫn đang hướng lên và chưa vào vùng quá bán cho thấy dư địa tăng của chỉ số vẫn còn. VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để thu hẹp dần khoảng cách với ngưỡng kháng cự tâm lý tại 1.000 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/5, VN-Index tăng 10,65 điểm lên 987,13 điểm; Hnx-Index tăng 0,52 điểm lên 106,31 điểm và Upcom-Index tăng 0,07 điểm lên 55,31 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,2 ngàn tỷ đồng
Tác giả: H. Tú
Nguồn tin: Báo VietNamNet