Phụ huynh vất vả tìm mua dụng cụ học tập, cặp sách cho con năm học mới. ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Ngày 21.8, khá nhiều phụ huynh học sinh (HS) bậc THCS tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) phản ánh phải tìm mua đúng ba lô, cặp xách theo quy định của nhà trường. Một phụ huynh phản ánh: “Sau khi tựu trường về, con tôi cho biết giáo viên chủ nhiệm thông báo HS sử dụng túi xách đa năng màu nâu hoặc đen, vừa có 2 quai đeo vừa có dây đeo theo kiểu ba lô”. Để tìm đúng mẫu theo yêu cầu của nhà trường, phụ huynh này cho biết đã phải đi đến cửa hàng thứ 4 mới có.
[VIDEO] Sách giáo khoa khan hiếm, “cò” sách hét giá gấp 5 lần
Tương tự, phụ huynh tại Q.12 cho hay, ngay trong thời gian nghỉ hè, nhà trường gửi phụ huynh thông báo về những quy định trong năm học mới. Trong đó yêu cầu phải “đồng phục” cặp màu đen và kèm theo cặp có thiết kế vừa có 2 quai xách tay vừa có quai đeo theo kiểu ba lô.
Trước những quy định nói trên, có phụ huynh bức xúc: “Không thể hiểu nổi, tại sao nhà trường lại ban hành những quy định đồng phục cả ba lô, túi xách. Miễn sao đồ dùng học tập gọn gàng, không nguy hiểm, không gây hại, không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Việc quy định HS dùng cặp xách như vậy có giúp HS học tốt, giỏi hơn không?”.
Theo các phụ huynh, quan trọng là phương pháp giảng dạy của thầy cô khiến học trò hứng thú với việc học. Mới đầu năm, niềm vui cho một năm học chưa đến mà mỗi việc đồ đựng sách vở đã khiến phụ huynh thì mệt mỏi, HS thì lo lắng. Đây là việc làm không đáng.
Được biết, vào tháng 5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn chuẩn bị năm học mới, Sở GD có quy định các trường thực hiện theo đúng quy định của Bộ về đồng phục và lễ phục trong nhà trường. Những thay đổi về đồng phục, nếu có chỉ quy định với HS đầu cấp học, tránh các đồng phục cầu kỳ, phức tạp và không được bắt buộc HS phải mua đồng phục tại một nơi quy định nào.
Trả lời Thanh Niên, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở không có bất kỳ quy định nào về “đồng phục” màu sắc và hình thức của ba lô, túi xách hay sách vở. Khuyến khích HS sử dụng đồ dùng học tập đơn giản, tiện dụng, có tính nghiêm túc. Không nên sử dụng đồ dùng có giá trị cao, khó mua đến trường mà nên có tính cộng đồng, phù hợp với lứa tuổi HS.
Để xảy ra lạm thu, trách nhiệm thuộc người đứng đầu cơ sở giáo dục Trả lời báo chí xung quanh việc ngăn ngừa lạm thu trong năm học mới, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết: Năm nay, ngay từ tháng 3, Bộ đã có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn, chấn chỉnh lạm thu. Trong đó nêu các vấn đề cụ thể, yêu cầu các cơ quan quản lý từ địa phương, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, đặc biệt đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh tình trạng này. Ông Khánh khẳng định, để xảy ra lạm thu, trách nhiệm lớn nhất là của người đứng đầu cơ sở giáo dục đó. Tuyết Mai |
Tác giả: Bảo Châu
Nguồn tin: Báo Thanh niên