Là giáo viên, ai cũng muốn thân thiện với học trò, ai cũng mong mỗi ngày đến lớp là một ngày vui và tình thầy trò được vun đắp bằng những kỷ niệm, hồi ức một thời áo trắng thơ ngây.
Tuy nhiên, cuộc đời không như là giấc mơ luôn lấp lánh niềm vui, hạnh phúc. Có lúc sự nghiệp “gõ đầu trẻ” lại trần trụi vô cùng những buồn phiền, lo toan, vướng bận. Trong số đó, khát khao lớn nhất và trăn trở nhất của giáo viên chính là sự tiến bộ của học sinh về cả tri thức và nhân cách.
Học sinh tiểu học hồn nhiên, tinh nghịch biết sợ thầy cô la rầy, trách phạt. Học sinh THPT đủ chín chắn để phân biệt tốt - xấu, đúng - sai rồi tự điều chỉnh dần hành vi, ý thức của bản thân. Còn học sinh THCS ở đúng cái lứa tuổi “dở dở ương ương”, loay hoay định hình nhân cách với vô vàn những hành động trái khoáy và thích thể hiện “cái tôi” to đùng. Tôi nghĩ giáo viên dạy cấp hai có lẽ vất vả nhất trong khâu giáo dục đạo đức học sinh.
Có ai đã từng nghe câu trả lời “Em chưa học bài!” vang lên rất nhiều lần từ học sinh? Khuôn mặt trò lúc ấy rất tỉnh bơ, chẳng chút sợ hãi, rụt rè khi không hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Có ai đã từng nhắc nhở học sinh tập trung trong giờ học khi trò mải loay hoay với lên bàn trên, quay xuống bàn dưới? Thế rồi đâu lại vào đấy, vẫn loay hoay, mất tập trung làm ảnh hưởng đến giờ học của cả lớp.
Có ai đã từng làm chủ nhiệm bị giáo viên bộ môn “mắng vốn” vì học sinh trong lớp quá quậy, quá nghịch, thậm chí là nói dối và vô lễ? Rồi ban giám hiệu nhà trường và tổ chức đội, đoàn liên tục nhắc nhở về tình hình vi phạm nề nếp của học sinh…
Giáo viên có thể làm gì khác ngoài việc nghiêm khắc với học sinh để uốn nắn các em vào khuôn khổ, nề nếp? Nhưng sự nghiêm khắc của giáo viên ở đây không đồng nghĩa với việc đe nẹt, răn đe quá mức bằng roi vọt, mắng mỏ làm học sinh sợ hãi mỗi ngày đến lớp.
Học sinh không học bài cũ nhiều lần buộc phải ghi điểm xấu, yêu cầu chép phạt, ghi vào sổ đầu bài. Học sinh vi phạm nề nếp buộc phải nhắc nhở, phê bình trước lớp, thông báo phụ huynh, hạ bậc hạnh kiểm. Tôi nghĩ bất kỳ học sinh nào khi đã đến trường buộc phải chấp hành nội quy trường lớp đề ra.
Nội quy của nhà trường, sự nghiêm khắc của giáo viên suy cho cùng đều có xuất phát điểm từ ước muốn học sinh làm quen với kỷ luật, nề nếp và khát vọng giáo dục học sinh phát triển toàn diện đức, trí, thể. Mỗi học sinh nề nếp trong nhà trường sẽ là dấu hiệu bền vững của một thế hệ công dân gương mẫu trong xã hội về sau.
Bỏi vậy, khi mà học sinh liên tục không hoàn thành nhiệm vụ học tập, liên tục vi phạm nội quy, giáo viên buộc phải nghiêm khắc xử phạt, chấn chỉnh, uốn nắn các em. Tất nhiên là các hình thức xử lý của giáo viên chỉ xoay quanh chép phạt, viết bảng kiểm điểm, ghi tên sổ đầu bài, mời phụ huynh, phê bình trước lớp.
Vậy mà, sự nhiệt tâm yêu thương, giáo dục học sinh của tôi vừa vấp phải một “tai nạn nghề nghiệp”. Chúng tôi thường gọi đùa như thế mỗi khi rơi vào tình huống học trò lấy lý do “sợ cô” để trốn học.
Vụ việc liên quan đến một học sinh nam lớp 8. Tôi là giáo viên phụ trách bộ môn Ngữ Văn của lớp. Ngay từ đầu năm học tôi đã để ý đến em ấy bởi sức học của em thuộc hàng thấp nhất lớp. Đó là hệ quả của một quá trình thường xuyên không học bài, làm bài trước khi đến lớp.
Sang học kỳ hai, để chấm dứt tình trạng này, tôi buộc phải nghiêm khắc hơn với em. Và rồi những tiết học gần đây, tôi phát hiện em vắng học. Nhìn vào sổ đầu bài dễ dàng thấy em chỉ vắng học những ngày có môn Ngữ Văn, còn lại vẫn đi học đều đều. Dò hỏi học sinh, tôi được biết em ấy nói với bạn là nghỉ học vì... sợ cô giáo bắt viết kiểm điểm và chép phạt.
Thú thật, tôi cứng họng và nghẹn lời trước lý do vắng học của em. Nếu sợ cô thì tất nhiên em phải làm bài và học bài đầy đủ trước khi đến lớp. Nếu sợ cô thì em ấy phải chấp hành nghiêm túc nề nếp học tập. Đằng này em lại lấy lý do “sợ cô” trách phạt để nghỉ học, trốn học.
Cậu học trò đó đã là học sinh lớp 8, không còn nhỏ dại gì nữa để sợ sệt trước lời nói nghiêm khắc và biện pháp giáo dục cứng rắn của cô giáo đến mức phải trốn học. Vả lại, qua nhiều kênh thông tin, tôi biết em ấy đang mải mê “chiến đấu” với mấy trò game online ở quán net mỗi khi trốn học. Vậy đó, nhưng tôi phải mang “tiếng oan” là nghiêm khắc đến nỗi học trò sợ đến lớp phải nghỉ học.
Năm ngoái một đồng nghiệp của tôi “xui xẻo” hơn nữa khi học sinh lớp 7 ở lớp chủ nhiệm bỏ học và phụ huynh đến trường khẳng định cũng như “tố cáo” với ban giám hiệu rằng trò sợ đến lớp vì thầy giáo chủ nhiệm quá nghiêm khắc, hay trách phạt. Nhà trường phải họp kiểm điểm, nhắc nhở giáo viên. Nhưng có một câu chuyện khác đằng sau lời nói của con trẻ với phụ huynh, đó là em học sinh ấy vắng học quá nhiều ngày không phép và cũng là lý do muôn thuở: mê game!
Thế đó, không phải học sinh sợ thầy cô giáo mà bây giờ có khi tình huống đang xoay chuyển theo chiều ngược lại: Giáo viên “sợ” học trò! Có ai đã rơi vào tình huống oái ăm giống chúng tôi chưa?
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân trí