Giáo dục - Đào tạo

Khảo sát học sinh lớp 12 của Hà Nội: Rất ít học sinh làm hết đề Toán

Đề Toán quá dài, thí sinh không kịp làm

Hôm qua, 20/3, hơn 62.000 học sinh lớp 12 của Hà Nội tham gia vào đợt khảo sát do Sở GD&ĐT tổ chức. Ngày thi đầu tiên, thí sinh đều kêu đề Toán dài, không thể giải quyết trong 90 phút với 50 câu hỏi trắc nghiệm. Còn đề Văn không hay, khó phân loại thí sinh.
Thí sinh tại điểm thi THPT Việt Đức trong buổi thi môn toán. Ảnh: Nghiêm Huê.
Thí sinh tại điểm thi THPT Việt Đức trong buổi thi môn toán. Ảnh: Nghiêm Huê.

Bước ra khỏi phòng thi môn Toán chiều qua, 20/3, tại điểm thi trường THPT Việt Đức, thí sinh Ngô Gia Nguyên, học sinh lớp 12A3 cho biết đề khá dài,  không đủ thời gian để làm bài. “Nếu có thêm thời gian thì em sẽ làm hết đề. Về nội dung thi, em thấy giống thi tự luận, kiến thức có rộng hơn. Nhưng để giải quyết hết đề thì phải luyện tập  nhiều. Hiện tại, trung bình chỉ có 1.8 phút/câu, thí sinh rất khó khăn để làm hết đề” – Nguyên cho biết.

Cũng tại điểm thi trường THPT Việt Đức, thí sinh Hoàng Hải My, lớp 12A4,  cho biết đề Toán  ra khá sát chương trình trình lớp 12. Tuy nhiên đề thi thử dài. “Bản thân em và các bạn trong phòng thi  đều chưa làm xong đề.  Em mong có thêm nhiều cơ hội để có thể cọ xát trước khi bước vào kỳ thi sắp tới. Đây cũng là dịp học sinh biết mình đang thiếu cái gì để bổ sung thêm” – Hải My chia sẻ.

Nhận xét về đề thi Toán, thầy Nguyễn Bá Tuấn, giảng viên dạy Toán của ĐH Công nghiệp Hà Nội khẳng định,  cấu trúc theo đúng đề mẫu của Bộ GD&ĐT, nội dung   bám sát chương trình lớp 12. Đề  của Hà Nội  có hơi hướng của đề mẫu lần hai mà Bộ vừa công bố. Tuy nhiên, trong đề có kiến thức Toán của lớp 10, lớp 11. “Câu hỏi hỏi kiến thức lớp 12 nhưng dùng khái niệm, định nghĩa lớp 10, lớp 11 nên yêu cầu học sinh phải nắm được kiến thức trong SGK các lớp dưới. Nhìn chung đề không có câu quá khó. Tuy nhiên đề dài. Với 90 phút, rất ít học sinh có thể làm được hết đề này” – thầy Tuấn cho biết. Nguyên nhân  được thầy Tuấn lý giải không phải đề khó mà để giải quyết các câu trong đề này phải mất nhiều thời gian.

Nhưng mặt khác, thầy Tuấn cho rằng chính vì bám sát đề thử nghiệm của Bộ nên luôn có câu vận dụng. Ví dụ có câu liên quan đến lãi kép là phần trong  đề minh họa lần 1 đã xuất hiện. Những câu  liên quan đến giá trị lớn nhất, nhỏ nhất cũng gắn với thực tế. Câu liên quan đến quãng đường và vận tốc liên quan đến kiến thức liên môn, đó là môn Vật lý.

Đề văn không hay

Với đề văn buổi sáng, các thí sinh đều cho rằng đề khá dễ, không có câu hỏi “bẫy”. Nhưng đề không có khả năng phân loại học sinh. Nhận xét về đề Ngữ văn, một giáo viên dạy Văn của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho rằng đề không hay, thậm chí phần đọc hiểu, các câu hỏi còn có phần vô duyên, khiên cưỡng. “Ví dụ câu 1: Tác phẩm có đoạn trích trên (Đoạn trích trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên) được viết theo thể loại nào? Câu hỏi này khiên cưỡng. Hay như câu hỏi 2: Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu: Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp”, câu hỏi như dành cho học sinh lớp 6” – vị giáo viên này nhận xét.

Đối với phần luận, theo giáo viên này, câu 2, có hơi khó một chút nhưng rất khó có thể để học sinh viết hay.  Nhận xét chung về đề Ngữ văn, vị giáo viên này cho rằng, đề này thí sinh có thể đỗ tốt nghiệp nhưng xét tuyển sinh ĐH thì chưa tới tầm.

Đứng từ góc độ nhà trường, thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết đây là kỳ kiểm tra, khảo sát chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 của Sở GD&ĐT Hà Nội. Trên tinh thần chỉ đạo là các điểm thi sẽ làm nghiêm túc như kỳ thi thật trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, có giải pháp chỉ đạo cho kỳ thi sắp tới. Trường  THPT Việt Đức có 633 học sinh lớp 12, chia thành 27 phòng thi, 54 giám thị trực tiếp coi thi trong phòng. Phía  bên ngoài  có 13 giám sát. Sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên, thầy Bình cho biết đề thi bám sát chương trình, tuy nhiên vẫn còn những học sinh chuẩn bị chưa tốt, vẫn còn hiện tượng học tủ học lệch, chưa làm bài thực sự như mong muốn. Trong số học sinh lớp 12 của trường, có khoảng 60% học sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, 40% chọn bài thi Khoa học xã hội.

Với quy chế thi năm nay, thầy Bình cho rằng có điểm mới từ cả dạy và học nên giáo viên, học sinh phải thay đổi. “Như các môn thi trắc nghiệm, cách dạy phải thay đổi, học thay đổi, học sinh phải nắm kiến thức chắc hơn, kỹ hơn, không học lệch, học tủ. Giáo viên  cũng phải dạy đến đâu chắc đến đó. Dạy kết hợp với ôn tập để học sinh nắm vững kiến thức. Học sinh tư duy khi làm bài phải nhanh, chính xác. Kỹ năng lựa chọn, kỹ năng quyết định phải nhanh. Vì trong mỗi bài thi, chỉ có hơn 1 phút cho một câu hỏi, thí sinh phải phản ứng nhanh, tập trung cao độ” – thầy Bình khuyên. Mặt khác, theo thầy Bình, với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, điều quan trọng là chuẩn bị tâm lý hết sức thoải mái, phải loại bỏ suy nghĩ trông chờ  vào tài liệu hoặc sự viện trợ nào đó ở bên ngoài thì các em mới đạt được kết quả cao, vì thời gian làm bài thi rất ngắn.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP