Sáng nay, tại cảng Chùa Vẽ Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công đã trực tiếp khai trương tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh – Quảng Bình. Cùng về dự lễ khai trương tuyến vận tải chạy suốt 6 tỉnh ven biển còn có đại diện nhiều cơ quan chức năng như Cục Hàng hải, Cục Đăng kiểm, Cục Đường thủy nội địa và đông đảo lãnh đạo thành phố, cơ quan chuyên môn của thành phố Hải Phòng.
Thứ trưởng Bộ GTVT cắt băng công bố khai trương tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh – Quảng Bình.
Theo Cục Hàng Hải Việt Nam, nước ta có 55 cảng biển, trên 17.000 km đường bộ, hơn 3.200 km đường sắt, 42.000 km đường thuỷ nội địa, 20 sân bay và nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia khác đáp ứng cơ bản được nhu cầu vận tải hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây cùng với sự lớn mạnh của ngành vận tải, áp lực về phương thức vận chuyển, thực trạng kết cấu hạ tầng và cước vận tải hấp dẫn càng trở nên gay gắt.
Hiện việc mất cân đối trong cơ cấu vận tải hàng hóa giữa các phương thức diễn ra phức tạp, ảnh hưởng xấu đến thị trường vận tải, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong khi vận tải đường bộ, cả vận tải hành khách và hàng hóa đều “quá tải”, với trên 70% hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ, dẫn đến phí vận chuyển cao (cước vận tải đường bộ cao gấp nhiều lần, cá biệt có những mặt hàng cao hơn 10 lần so với vận tải đường biển tuyến Bắc Nam). Cùng với việc “quá tải” mật độ lưu lượng giao thông, tình trạng tình trạng sử dụng các phương tiện chở quá tải cho phép làm mất an toàn giao thông, gây hư hỏng, giảm tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thực hiện chủ trương siết chặt trọng tải của phương tiện của Chính phủ và Bộ GTVT, tại một số cảng biển Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng biển, tại khu vực cảng Hải Phòng hàng hóa tăng lên 30 – 40%, tàu tạm thời trở thành kho chứa; một số cảng biển lượng hàng và tàu đã tăng lên gấp đôi, do hàng hóa được đưa vào vận chuyển bằng đường biển vào cảng rồi mới phân phối, cho thấy hàng hóa đã dịch chuyển sang phương thức đường biển tăng lên.
Nhằm tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải để giảm tải cho vận tải đường bộ, góp phần thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng và có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức, đặt biệt là giải quyết hàng hóa ứ đọng tại cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đã khảo sát thực tế, làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đề xuất “Phương án nâng cao năng lực tuyến vận tải ven biển từ bến, cảng thuộc tỉnh Quảng Ninh đến Quảng Bình”.
Ông Nghiêng Quốc Vinh, PGD Cảng vụ Hải Phòng trao giấy phép cho thuyền trưởng hai con tàu đầu tiên của tuyến vận tải chở hàng rời cảng Chùa Vẽ
Việc vận chuyển ven biển rất phù hợp với các tuyến 400- 500km, tàu mớn nước thấp có thể vào lấy hàng ở cảng nhỏ địa phương hoặc cảng thủy nội địa, cảng biển, nơi tập trung các nhà máy sản xuất nguyên vật liệu, khu công nghiệp, các tàu biển (trọng tải lớn, mớn nước cao) không thể vào được. Tuy nhiên, theo quy định các loại tàu mang cấp VR-SI, VR-SB chỉ được phép hoạt động trên các tuyến được công bố, đến nay chưa có một tuyến nào được công bố để cho tàu VR-SB hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu thực tế đang rất cần giải phóng hàng hóa, một số chủ tàu đang hoạt động không phép, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và các cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được. Theo khảo sát, mỗi tháng có khoảng 500.000 – 600.000 tấn hàng hoá có nhu cầu vận tải trên tuyến. Nếu vận tải bằng đường bộ cần phải chở 20.000 lượt phương tiện, nếu vận tải bằng tàu trọng tải 1000 tấn chỉ cần 600 lượt với 80-100 tàu hoạt động.
Trước thực tế trên, để tạo cơ chế chính sách thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, việc thiết lập tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình cho các tàu mang cấp VR-SI chuyển đổi cấp lên VR-SB và tàu VR-SB hoạt động là hết sức cần thiết. Ngày 09/6/2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã báo cáo, đề xuất Bộ GTVT phương án thiết lập tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để cho phép các tàu cấp VR-SI chuyển đổi cấp VR-SB hoạt động, nhằm tận dụng năng lực của đội tàu VR-SI có khoảng trên 3.000 tàu.
Để đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và tìm kiếm cứu nạn trên biển cho các tàu hoạt động trên tuyến ven biển, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo tới từng cơ quan, đơn vị trực thuộc để chủ động triển khai Quyết định công bố tuyến, đồng thời tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp về các quy định an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ giao thông vận tải và các cơ quan liên quan, trong thời gian ngắn đã hoàn thành các công việc cần thiết để đưa tuyến vận tải ven biển đầu tiên từ Quảng Ninh đến Quảng Bình vào hoạt động.
Lãnh đạo bộ giao thông vận tải cùng các cơ quan chức năng vẫn chào tiễn tàu Hoàng Hải 26 và Thái Hà 28 , hai chuyến hàng đầu tiên khai thông tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh – Quảng Bình
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng, đánh giá: “Đây là giải pháp tối ưu và mang tính bền vững, tận dụng được thế mạnh của địa hình Việt Nam. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện, khuyến khích để trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ có kế hoạch phát triển thêm đội tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trên tuyến. Hi vọng từ kết quả kinh tế cũng như tính ưu việt xã hội của tuyến vận tải này sẽ tiếp tục có các tuyến vận tải ven biển trên toàn quốc được triển khai hoạt động nhằm phát huy tối đa kết cấu hạ tầng giao thông đã có. Tôi cho rằng đây là lời giải hay cho sự kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, nâng cao năng lực vận tải ven biển để giảm áp lực cho vận tải đường bộ, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc hàng hoá tại các cảng nội địa như lâu nay. Từ đó hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp cũng được nâng cao nhờ chi phí vận tải được đưa về mức cạnh tranh, hợp lý”.
Thu Hằng