Một vụ thử hạt nhân của Mỹ trong thập niên 1950. Ảnh: US Army. |
Chiến tranh Lạnh là thời kỳ chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô, với nhiều thời điểm đẩy thế giới vào nguy cơ hủy diệt bởi vũ khí hạt nhân.
Mối đe dọa từ đòn phủ đầu hạt nhân của đối phương buộc các nước phải vạch kế hoạch để đối phó và đáp trả nhằm tăng khả năng răn đe. Nga cũng hoàn thiện kế hoạch đáp trả hạt nhân của mình trong vòng 30 phút kể từ khi bị tấn công, dựa trên những chương trình ứng phó ra đời dưới thời Liên Xô, theo RBTH.
Các chiến lược gia Nga giả định nước này sẽ hứng chịu đòn tấn công hạt nhân phủ đầu lúc 18h giờ Moskva. Đây là thời điểm buổi sáng ở Mỹ và bắt đầu trời tối ở thủ đô Moskva, quãng thời gian người dân đang trở về nhà và có thể gặp tình trạng tắc nghẽn giao thông, gây khó khăn cho hoạt động sơ tán.
Trong vòng một phút kể từ khi phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của đối phương khai hỏa, mạng lưới cảnh báo sớm của Nga sẽ gửi tín hiệu báo động tới trung tâm chỉ huy phòng thủ tên lửa. Hàng loạt tổ hợp radar tầm xa và vệ tinh sẽ xác định địa điểm xuất phát, tốc độ và quỹ đạo của ICBM, từ đó tính toán thời điểm nó tới mục tiêu.
Nếu Bộ Quốc phòng Nga xác nhận nước này đang đối mặt với đòn phủ đầu hạt nhân từ lãnh thổ Mỹ, chính phủ Nga và người dân sẽ có chưa đầy 30 phút để sơ tán tới nơi an toàn. Thời gian này có thể ngắn hơn nhiều nếu tên lửa được phóng từ các tàu ngầm chiến lược của Mỹ ở Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương hoặc Thái Bình Dương.
Ba phút sau khi xác nhận đòn phủ đầu hạt nhân, quân đội sẽ khởi động chiến dịch sơ tán Tổng thống Nga và các quan chức chính phủ tới nhiều địa điểm bí mật. Một trong số đó là máy bay chuyển tiếp chỉ huy Tupolev Tu-214SR, một trong hai chuyên cơ luôn đi cùng Tổng thống Nga trong các chuyến công du.
Một chiếc Tu-214SR Nga hoạt động hồi năm 2013. Ảnh: Airliners. |
Máy bay sở hữu hàng loạt thiết bị hiện đại, bao gồm tổ hợp tình báo MRC-411 với cảm biến trinh sát điện tử, radar khẩu độ tổng hợp để phát hiện mối đe dọa từ xa, nhiều hệ thống trinh sát tín hiệu và tình báo liên lạc bí mật. Tu-214SR giúp Tổng thống Nga giữ liên lạc với các lực lượng vũ trang và ra lệnh tấn công đáp trả trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Nó được gọi là "máy bay ngày tận thế" với vai trò tương tự mẫu E-4B Nightwatch của Mỹ.
Điện Kremlin dường như sở hữu ít nhất ba chiếc Tu-214SR, mỗi máy bay có giá khoảng 152 triệu USD.
10 phút sau khi ICBM đối phương xuất phát, Tổng thống Nga có thể lựa chọn kích hoạt hệ thống chỉ huy hạt nhân tự động mang tên Perimeter, còn được gọi là "Bàn tay Tử thần". Nó bảo đảm quân đội Nga có thể tung đòn đáp trả hạt nhân ngay cả khi toàn bộ ban lãnh đạo nước này thiệt mạng hoặc khả năng chỉ huy lực lượng chiến lược bị gián đoạn.
Quyết định phóng tên lửa được thực hiện bởi hệ thống kiểm soát tự động được phát triển trên cơ sở trí tuệ nhân tạo phức tạp. Perimeter sẽ nhận và phân tích các thông tin về hoạt động địa chấn, nồng độ phóng xạ, áp suất khí quyển và sự tập trung tần số sóng vô tuyến quân sự.
Khi phát hiện ra một vị trí có sự ion hóa mạnh cùng với bức xạ sóng điện từ, hệ thống sẽ so sánh với các dữ liệu địa chấn bất ổn tại chính khu vực đó, để xác định khả năng có diễn ra một cuộc tấn công hạt nhân ồ ạt nhằm vào Nga hay không. Nếu có, Perimeter sẽ tự khởi động đòn đáp trả.
Tương tự Mỹ, chính phủ Nga cũng có kế hoạch dự phòng trong trường hợp Tổng thống thiệt mạng dưới đòn tấn công phủ đầu. Thủ tướng Nga sẽ là người đầu tiên nắm quyền tổng thống để duy trì khả năng chỉ huy các lực lượng chiến lược.
Trong vòng 15 phút sau khi phát hiện ICBM đối phương, Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga (MChS) có trách nhiệm thông báo cho người dân. Cơ quan này thường ưu tiên giải pháp sơ tán người dân đến các vùng ngoại ô trong trường hợp nguy hiểm, nhưng phương án này không thể thực hiện trước những đòn tấn công hạt nhân phủ đầu.
Cầu thang dẫn xuống một ga tàu điện ngầm tại Moskva. Ảnh: Wikipedia. |
MChS đã xây dựng kế hoạch sử dụng hàng loạt hệ thống hầm ngầm công cộng để người dân trú ẩn. Mạng lưới tàu điện ngầm tại thủ đô Moskva là một trong những nơi sơ tán tốt nhất. Các ga tàu đều nằm sâu đưới đất, hạn chế tối đa sức ép và nhiệt lượng khổng lồ từ vụ nổ hạt nhân, nhiều ga tàu được trang bị cửa thép dày và thiết bị lọc không khí để ngăn chặn chất phóng xạ.
"Thời gian ước tính để người dân xuống ga tàu điện và hầm ngầm sau khi nhận thông báo sơ tán là 10 phút. Trong một số trường hợp, thời gian này có thể kéo dài tối đa 15 phút", nhà phân tích Nikolay Shevchenko dẫn nội dung kế hoạch khẩn cấp do Bộ Xây dựng Nga phê duyệt.
30 phút sau khi bị phát hiện, những đầu đạn hạt nhân đầu tiên của đối phương sẽ kích nổ trên bầu trời Moskva và các thành phố lớn của Nga. Vào thời điểm này, toàn bộ chính phủ và lực lượng chỉ huy quân đội, cũng như nhiều người dân Nga đã tới nơi trú ẩn an toàn. Các tên lửa đạn đạo nước này trong đòn đáp trả hạt nhân cũng trên đường lao tới mục tiêu, kết thúc cuộc chiến hạt nhân chớp nhoáng nhưng đủ sức gây ra thảm họa diệt vong toàn cầu.
Tác giả: Vũ Anh
Nguồn tin: Báo VnExpress