Tin Hà Tĩnh

Hương Sơn (Hà Tĩnh): Thí điểm cấp chứng chỉ rừng bền vững cho nhóm hộ

Từ chỗ chặt trắng rừng rồi làm gỗ dăm bán cho thương lái, 2 năm trở lại đây, người dân huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã thay đổi cách trồng và khai thác rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế về chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của Hà Tĩnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững.

Chuyển đổi phương thức trồng rừng

Trong những ngày cuối năm 2018, tổ chức đánh giá độc lập Cộng hòa liên bang Đức (GFA) đã có 3 ngày làm việc với chính quyền, người dân huyện Hương Sơn để thực hiện những đánh giá cuối cùng để có thể cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Tại thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây, những mảng rừng xanh rì phủ kín các triền núi, chạy dài bên dòng sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua Hương Sơn. Khu vực trồng rừng FSC là rừng keo khoảng 3 – 5 năm tuổi, thảm thực bì không bị phát dọn sạch sẽ như trước mà giữ lại một số loại cây để chống xói mòn đất.

Cán bộ dự án khảo sát, đánh giá diện tích rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC tại xã Sơn Tây

Bằng giờ này những năm trước, người dân đã chặt “trắng” và bán gỗ dăm, gỗ vụn cho thương lái với giá chưa đến 1 triệu đồng/tấn. Còn nay, họ giữ cây đến 7 năm tuổi trở lên, tăng đường kính thân gỗ rồi đo đếm, đánh giá trữ lượng gỗ và bán nguyên khối. Các khu rừng sẽ được khai thác luân phiên để đảm bảo diện tích rừng đúng theo hướng dẫn.

Ông Nguyễn Sĩ Hùng thuộc nhóm hộ trồng rừng thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây là một trong những nông dân đầu tiên của Hương Sơn theo tiêu chuẩn FSC. Theo ông Hùng, qua việc tham gia nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức và tập huấn kỹ thuật, chuyển biến tích cực nhất là các hộ dân đã nhận biết phương pháp kinh doanh rừng để tiến tới làm giàu từ sản phẩm lâm nghiệp. Với 7ha rừng trồng keo của gia đình, ông Hùng cho biết, năng suất dự kiến khoảng 180-200 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với trước.

Mô hình nhóm hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đầu tiên của Hà Tĩnh được thực hiện tại hai xã Sơn Tây và Sơn Lĩnh, thuộc huyện Hương Sơn. Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch huyện Hương Sơn – Trưởng Ban Chứng chỉ rừng của huyện, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” (FCPF-2) đã cùng với chính quyền địa phương triển khai mô hình từ đầu năm 2017 và đến nay, đã có 240 hộ đang áp dụng trên diện tích 454 ha rừng.

Người dân trả lời phỏng vấn về quá trình trồng, chăm sóc rừng

Thực tế, huyện có tới 14 000 ha rừng keo là rừng sản xuất có tiềm năng thực hiện FSC thời gian tới. Địa hình đất dốc cùng với cách khai thác “trắng” rừng truyền thống nên đất bị thoái hóa, xói mòn, hằng năm thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở nguy hiểm. Trồng rừng theo chứng chỉ FSC đã mở ra hướng đi mới cho huyện, góp phần quản lý và phát triển rừng bền vững, phòng chống xói lở và đặc biệt đem lại hiệu quả kinh tế tốt nên rất được người dân hưởng ứng. Mô hình này cũng phù hợp với chủ trương trồng rừng gỗ lớn mà huyện theo đuổi nhiều năm nay.

Dù đang trong quá trình chuyên gia quốc tế đánh giá để cấp chứng chỉ FSC nhưng đã có một số doanh nghiệp đặt vấn đề mua sản phẩm gỗ. Ông Võ Văn Biển, Giám đốc Liên hiệp HTX Tây Kim – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chứng chỉ rừng Hương Sơn cho biết, Ban Chứng chỉ rừng Hương Sơn đã kết nối doanh nghiệp để tìm đầu ra, đồng thời, cam kết với người dân sẽ đảm bảo giá thành tăng tối thiểu 10 – 15%. Trước mắt, chúng tôi sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Phấn đấu có chứng chỉ rừng

Qua khảo sát thực địa, xem xét hồ sơ và phỏng vấn các hộ dân/chủ rừng, các chuyên gia đã đánh giá các khu rừng theo 10 nguyên tắc, 56 chỉ tiêu và 151 tiêu chí của FSC trong suốt quá trình trồng, chăm sóc và khai thác rừng. Từ trồng rừng có kế hoạch, ko khai thác, chặt trắng trên 20 ha liền thửa, ko xử lý thực bì bằng cách đốt đến tuân thủ các hướng dẫn về an toàn lao động của bộ tiêu chuẩn FSC, làm việc với đầy đủ dụng cụ và đồ bảo hộ lao động, phải khai thác theo phương pháp khai thác tác động thấp và để lại cây tái sinh…

Người dân phát dọn thực bì trong khu rừng 5 năm tuổi

Theo phản hổi ban đầu từ các chuyên gia, người dân đã chủ động chuyển đổi phương thức trồng rừng và rất nỗ lực thực hiện theo bộ nguyên tắc, chỉ tiêu, tiêu chí. Sẽ có một khoảng thời gian để các hộ dân khắc phục lỗi theo quy định trong hướng dẫn cấp chứng chỉ rừng bền vững để đạt đủ tiêu chuẩn cấp chứng chỉ sau này.

Đặc biệt, Hương Sơn không chỉ là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh triển khai trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC quy mô nhóm hộ, mà còn có mô hình mẫu đầu tiên thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao chuỗi giá trị cho người trồng rừng. Liên minh hợp tác xã Tây Kim đã phát huy vai trò hỗ trợ, tập huấn, tuyên truyền về chứng chỉ rừng cho người dân Hương Sơn; đồng thời, tìm đầu ra và đưa sản phẩm có chứng chỉ rừng đến tận những nhà máy cần gỗ FSC để sản xuất đồ dùng xuất khẩu. Kết quả này đã khắc phục khó khăn lớn của việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng tại Việt Nam từ trước đến nay, đó là chưa có tổ chức đứng ra làm đầu mối chuyên trách tại địa phương.

Về phía huyện Hương Sơn, ông Nguyễn Kiều Hưng bày tỏ mong muốn 2 xã điểm Sơn Tây và Sơn Lĩnh sớm được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Sau khi diện tích thí điểm đạt tiêu chuẩn để được cấp chứng FSC, Ban Chứng chỉ rừng Hương Sơn sẽ phối hợp hợp với chính quyền địa phương từ cấp thôn trở lên thúc đẩy mở rộng diện tích trồng rừng FSC ra toàn huyện, đồng thời, kết nối các nhóm chứng chỉ để cùng trao đổi kinh nghiệm và tạo thành vùng nguyên liệu gỗ bền vững.

Tác giả: Khánh Ly

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP