Hương Sơn

Hương Sơn: Đứng dậy sau lũ…

Thiệt hại của bão số 10 chưa khắc phục xong thì cơn lũ do hoàn lưu của bão số 11 chồng lên như cuốn tất cả những gì còn sót lại của vụ đông 2013. Gia súc, gia cầm bị trôi hàng chục nghìn con; ngô, khoai và rau bị nhấn chìm trong dòng nước dữ… Người dân vùng lũ đang gượng dậy, khôi phục sản xuất sau lũ…

Trở lại vùng núi Hương Sơn, ánh nắng yếu ớt không đủ xua tan quang cảnh xác xơ sau 1 tuần cơn lũ quét đi qua. Màu nước bạc vẫn hằn in trên những vách nhà, bờ cây và đâu đâu cũng có dấu ấn của bùn non xốc lên mùi tanh khó chịu.


Trong 2 tiếng đồng hồ, Hương Sơn như bị một gáo nước khổng lồ đổ ập xuống, làng mạc, cây cối ngập chìm trong dòng lũ. Chị Đặng Thị Thanh (thôn An Thịnh, xã Sơn Thịnh) cho biết: “Nước lên nhanh không kịp trở tay, chạy xe về đón được con ra khỏi nhà, quay lại thì xe đã trôi dập dềnh. Tôi chỉ kịp đưa 1 con trâu và 2 con nghé đến nơi an toàn, còn 3 sào ngô thì chịu mất trắng”.


Dừng chân trước những căn nhà tuềnh toàng, xiêu vẹo, chúng tôi không khỏi đắng lòng. Nước đã rút nhưng trên khuôn mặt những người nông dân vẫn chưa hết bàng hoàng, thảng thốt. “4 sào ngô vừa được gieo xuống đất mấy ngày sau bão số 10 bây giờ tan hoang, nhìn đâu cũng chỉ bùn đất, không ra đồng ruộng nữa. Xót của nhưng cũng đành gạt nước mắt, chờ trời hửng để làm lại, không mong được bắp, mà chỉ lấy lá cho gia súc ăn trong mùa giá rét sắp tới”- chị Lê Thị Hạnh, cùng thôn nghẹn ngào.


Đợt lũ vừa qua, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Thịnh và Sơn Trung là những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Hương Sơn. Tổng diện tích cây trồng vụ đông bị thiệt hại của Hương Sơn lên đến 2.350 ha, trong đó 2.000 ha ngô đông (100% diện tích đã thực hiện và chiếm 76% diện tích thiệt hại toàn tỉnh); 200/250 ha rau và 60/100 ha khoai lang. Trong số này, không ít bà con nông dân phải làm đi làm lại 2 – 3 lần kể từ đầu vụ đến nay.


Sau Hương Sơn, các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, sản xuất sau lũ cũng đang chìm trong khó khăn. Những nơi nước lũ đi qua, đồng ruộng hoang tàn, ngổn ngang, chẳng thể nhận ra đâu là cỏ rác, đâu là cây trồng còn sót lại. Cơ nghiệp của người nông dân còn lại chỉ là những đống bùi nhùi nhú lên từ mớ bùn đen nhầy nhụa mà ở đó cách đây không lâu còn mơn mởn màu xanh tươi của mùa ngô, rau mới. Theo thống kê, thiệt hại do hoàn lưu bão gây ra đã “xóa trắng” 2.608 ha ngô đông; 471 ha khoai, lạc và gần 1.000 ha rau màu. Mưa lũ còn cuốn trôi hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm và hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản.


Trước nguy cơ thiếu đói và thiếu giống sản xuất của nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ Hà Tĩnh 70 tấn các loại giống ngô ngắn ngày và 21 tấn hạt rau, nhằm giúp bà con vùng lũ sớm khôi phục sản xuất. Ông Đặng Ngọc Sơn – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Vấn đề trước mắt là các địa phương cần sớm giải quyết vấn đề môi trường, xử lý nguồn nước cho người và vật nuôi, hồ nuôi, tránh phát sinh mầm bệnh nguy hiểm. Khi thời tiết thuận lợi trở lại, chỉ đạo bà con xuống đồng xới xáo, phá váng số diện tích còn có khả năng phục hồi, đồng thời tiến hành gieo trỉa giống ngô ngắn ngày và khuyến khích mạnh mẽ việc mở rộng diện tích sản xuất rau các loại”. Hỗ trợ từ trung ương có thể xem là nguồn động viên kịp thời nhằm giúp bà con vùng lũ vực dậy sau những mất mát. Nhưng chưa thể đủ để người sản xuất vượt qua ngưỡng khó khăn, tạo dựng được “vốn” cho sản xuất lâu dài. Nên chăng, các địa phương có phương án hỗ trợ thêm nguồn ngân sách, vừa đủ cho giải pháp tức thời nhưng xa hơn là chiến lược phát triển vụ đông theo đúng định hướng, quy hoạch.


Trong cái khó vẫn còn điều may mắn, thời vụ gieo trỉa ngô đông muộn (sản phẩm chủ lực của vụ đông) sẽ kéo dài đến giữa tháng 11. Đồng nghĩa với việc, cơ hội khôi phục vụ đông vẫn chưa khép lại với bà con nông dân. Đây vừa là nguồn thực phẩm giúp bà con vượt qua khó khăn do thiếu hụt lương thực, đồng thời là nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi suốt mùa đông giá lạnh.


Nguyễn Oanh

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP