Vũ Quang

Hương Quang – sau lũ là “một trời” nợ nần

Sau khi những “quả bom” lũ đi qua, người dân miền Trung bắt đầu vực dậy từ những đống đổ nát cho cuộc mưu sinh mới. Thế nhưng tại xã nghèo vùng biên Hương Quang của huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), trời đất vẫn tối sầm trong từng khóe mắt người dân.

Bao nhiêu của cải mà người dân chiu chắt hàng chục năm bị lũ cướp đi trong chớp nhoáng. Một trời nợ nần đang ập xuống Hương Quang…



Người dân thôn Kim Quang (xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) khi nhắc lại trận lũ xảy ra vào sáng sớm ngày 16.10 vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh, bởi tất cả họ chưa từng chứng kiến một trận lũ quét nào kinh hoàng như thế cả. Ngồi co ro trong căn chòi tranh dựng tạm, gió thổi bốn bề, bà Dương Thị Xanh như vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi: “4 giờ sáng, tui cùng chồng và đứa cháu đang ngủ trong nhà thì nước sông Ngàn Trươi bắt đầu dâng, chỉ một lúc sau, nước lũ đã dâng lên quá cổ ngài (người). Hoảng quá, chồng tui bồng đứa cháu ngoại 6 tuổi, dìu tui bơi vô được đường lộ thì cũng là lúc căn nhà bị nước cuốn trôi. Chậm một giây thì cả ba đã cùng chết rồi…”. Chỉ còn cái kiềng và bộ áo quần ướtLúc trở về, tài sản của gia đình bà chỉ còn lại đúng cái kiềng (bếp nấu ăn), bao nhiêu đồ đạc, của cải trong nhà đã bị cuốn trôi đi mất. “Ngôi nhà chỉ còn cái nền đất. Tìm mãi tận trong bụi cây sót lại đúng cái kiềng và bộ đồ ướt mặc trên người thôi. Bao năm hai vợ chồng làm lụng vất vả ngày đêm, vậy mà chưa đầy buổi sáng đã trở về hai bàn tay trắng” – bà Xanh nói. Trong cảnh khốn cùng, chồng bà cuốc bộ hàng cây số đi xin tranh về dựng căn chòi để ở, hàng xóm giúp người cái soong, nồi, chén bát, lon gạo, cùng ít muối cầm cự qua ngày. Đã ba đêm nay, hai vợ chồng bà Xanh không tài nào chợp mắt, một phần vì mưa đổ liên hồi, rét buốt, phần nữa là hướng nỗi lo về quê cũ.Bà Xanh kể, quê bà gốc ở xã Sơn Giang (huyện Hương Sơn). Ba mươi lăm năm trước, hai vợ chồng dắt díu nhau lên Kim Quang làm nghề chài lưới. Hôm lũ lên, xã Sơn Giang nước ngập nóc nhà. Dân kéo nhau chạy lũ như chạy giặc mà hai đứa con bà: Phạm Thành Đô (học lớp 6), Phạm Thành Vi (học lớp 4) vẫn bám trụ trong nhà. Lúc nước lũ leo lên bàn thờ, hai đứa trẻ trèo nóc nhà trú ẩn. “May là sau đó, hai đứa trẻ được làng xóm tìm thấy nếu không thì nguy to. Dưới quê cũng chẳng khá hơn đây là mấy, đồ đạc hư hại sạch trơn. Lo nhất bây giờ là sách vở, áo quần để ba đứa nhỏ đến trường không biết lấy mô ra. Tiền bạc bây chừ thì một xu cũng chẳng có. Tương lai của gia đình tui chừ đen tối lắm mấy chú ạ” – bà Xanh than thở.Lúc chúng tôi đến, hơn chục người thôn Kim Quang đang xẻ gỗ để dựng lại nhà cho vợ chồng bà. Bà Xanh đem hết nửa số gạo, mỳ tôm cứu trợ vừa nhận được làm bữa cơm để “thết đãi” xóm giềng. Vậy là hai ba hôm nữa, bà Xanh có căn nhà tạm che nắng che mưa. Ở vùng tâm lũ Kim Quang, còn có Bùi Thị Thúy, Vy Xuân Hường bị mất nhà và hàng chục hộ dân khác tài sản cũng bị nước lũ cuốn sạch.Mất tiền tỉ mà không khóc đượcSự mất mát trong thiên tai của người dân Hà Tĩnh đến giờ vẫn chưa thống kê hoàn toàn được. Người ta có thể “đo” những mất mát, đau thương đó qua những giọt nước mắt, qua những lời khóc than. Nhưng ở cái rốn lũ này, có người mất cả tiền tỉ chỉ sau vài tiếng đồng hồ, cuộc sống như sụp đổ hoàn toàn và tối sầm lại trước mắt mà cũng không được khóc, mặc dù đau lòng lắm, xót xa lắm…

Trôi mất đàn bò tiền tỉ, bà Châu (thôn Kim Thọ) như người mất hồn. Ảnh: Đăng Khoa – Lộc HàNgồi thẫn thờ bên chuồng bò từng nuôi hàng chục con giờ trống hoác để ngóng tin chồng, bà Nguyễn Thị Châu (62 tuổi, xóm Kim Thọ) chỉ có thể kể với chúng tôi một cách thều thào: “Đau lắm mấy chú ạ, hai vợ chồng già chạy vạy nuôi được đàn bò hòng kiếm kế thoát nghèo. Chỉ trong tích tắc, cả đàn bò gần 50 con biến mất trong lũ”. Bà Châu kể, sáng ngày 16.10, bà lùa cả đàn bò qua bên kia sông Ngàn Trươi thả. Lúc vừa quay về bên nhà thì nước đâu ầm ầm trên núi đổ xuống. Chưa hiểu sự tình gì thì nhìn ra phía bờ sông bên kia thấy đàn bò của mình bị nước cuốn phăng như những con thú nhỏ. Hai vợ chồng già đứng không vững, chết lặng trước cảnh tượng quá bất ngờ. Trời đất sập xuống đen thẫm.Đến trưa, nước lũ ngớt dần, chồng bà – ông Phan Quyến – vội vã men sông đi tìm bò. Bà già yếu, ở nhà chỉ biết khóc, ruột cháy ngổn ngang rồi ngất lịm vì tăng huyết áp. Con cháu, hàng xóm vội vã vượt lũ đưa bà đi cấp cứu mới kịp sống lại. “Cả đàn bò của hai vợ chồng giờ đang lứa lớn cả, cứ tính trung bình ra một con có giá 30 triệu đồng, thành ra là 1,8 tỉ, một số tiền mà cả đời tui cũng chưa mơ cầm tận tay được. Rứa mà giờ hắn mất sạch, nhưng tui mô dám khóc. Cứ xúc động một cái là huyết áp lại lên, lỡ có mệnh hệ chi thì chồng đi tìm bò chưa về mà không gặp được tui không yên lòng” – bà Châu nói. Ở phía hạ du sông Ngàn Trươi cách nhà hàng chục kilômét, ông Phan Quyến vẫn lặn lội từng thôn xóm để tìm bò. Từ ngày lũ cuốn cả gia sản đi, không mấy khi ông ở nhà, bữa cơm phải ghé nhờ người bên đường, miếng nước phải đi xin uống. Bà Châu kể: “Ông ấy về, và vội miếng cơm mà thấy nước mắt cứ chảy. Ông nói khi xuống dưới xã Hương Điền vào nhờ ăn cơm của một nhà. Họ thết đãi đủ món thịt bò thơm ngào ngạt. Rồi trong bữa cơm, họ kể con bò này vớt được ở trên sông, họ miêu tả ra thì đúng là con bò đực của nhà đang định bán (có giá 35 triệu đồng). Ông sững ra rơi đũa, nhai miếng thịt mà họng đắng nghẹn, té ra mình đang ăn… thịt bò nhà mình, nhưng trách người ta sao được…”. Bà Châu tính, nhà phải vay ngân hàng 700 triệu đồng để mua bò giống, đến nay vẫn chưa trả được khoản nào. “Giờ nợ ngân hàng thì không thể chạy được, chỉ mong tìm lại được con nào tốt con ấy. Còn bao nhiêu tiền mà Nhà nước đền bù để giải phóng mặt bằng làm hồ Ngàn Trươi chắc phải dốc hết để trả nợ thôi. Hai vợ chồng già tui chắc lại phải sống bám vào con cái”.

Những phần hàng cứu trợ tiếp thêm sức để người dân Hương Quang vượt qua những khó khăn trước mắt.Đi khắp các thôn làng thuộc xã Hương Quang những ngày này, một không khí vắng lặng và sầu thảm đến lạ thường, dù trời đã hé nắng sau những ngày mưa lũ. Phần lớn đàn ông, con trai trong làng đã dạt tứ phương để đi… tìm bò. Ở nhà, chỉ còn phụ nữ và trẻ em dọn dẹp những đống ngổn ngang và trông ngóng tin chồng.Đang tìm cách cho con bò vừa tìm lại được ở xã dưới về, chị Phạm Thị Loan (xóm Kim Thọ) kể: “Cơn lũ dữ quá nên giờ nó vẫn còn hoảng hốt, mình sáp lại gần là nó húc”. Nhà chị Loan nuôi 19 con trâu, bò nhưng lũ cuốn trôi mất 13 con. Mấy ngày nay chồng chị cũng lặn lội khắp nơi để tìm lại trâu, bò. “Nhà chẳng có ruộng nương chi, phải vay mượn để mua trâu, bò nuôi mong có chút tiền lãi. Ai ngờ, lũ cuốn sạch. Nhìn vào chuồng bò còn lõm bõm nước lũ, chị Loan gục xuống sau những giọt nước mắt lăn dài. Không riêng nhà bà Châu, chị Loan, mà hàng chục hộ trong xã Hương Quang đang phải sống dở, chết dở vì nợ nần sau lũ dữ. Ngoài những hộ mất một vài con không đếm hết, còn những nhà như ông Lê Xuân Bá (thôn Tân Quang) bị mất 10 con bò, nhà ông Phạm Hiền mất 8 con trâu, bò…Một không khí đầy u ám về một tương lai nợ nần chồng chất đang ập lên những thôn xóm của xã nghèo vùng biên này.

24 người chết và mất tích, 116 người bị thương do mưa bão. Theo báo cáo mới nhất ngày 20.10 của Ban chỉ đạo PCLBTƯ, mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của tại miền Trung. Theo đó, có 22 người chết, 2 người mất tích, 116 người bị thương. Hiện, do mưa to kéo dài nên riêng tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, tình hình lũ đang rất phức tạp. Tại Hà Tĩnh, hiện vẫn còn bị ngập tại vùng thấp, trũng của 36 xã/69 xã thời điểm cao nhất. QL 8A chưa lưu thông được. Tại Quảng Bình, Các tuyến giao thông QL, tỉnh lộ quan trọng đã thông xe trong ngày 18.10, riêng đường Hồ Chí Minh nhánh đông (đoạn đèo Đá Đẽo bị sụt trượt chưa khôi phục xong). Tỉnh lộ 559B đoạn K11+400- K11+800 mặt đường bị xói hàm ếch sâu 1m, rộng 2,5m và tỉnh lộ 569 tại K24+900 nước cuốn trôi ngầm gây tắc đường nghiêm trọng. Mưa lũ đã khiến hàng trăm nhà bị sập trôi, 21 trường bị tốc mái hư hỏng. Gần 1.000ha lúa bị hư hại hoàn toàn sau bão, gần 5.900 cây công nghiệp, lâm nghiệp gãy đổ và 15.300ha hoa màu bị cuốn theo nước lũ. Hàng trăm nghìn cây ăn quả, cây xanh bị ngã đổ và nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Cũng theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo PCLBTƯ, ngày 19.10 do mưa to cục bộ và triều cường đã gây ngập lụt tại một số vùng trũng, thấp ven sông Sài Gòn. Theo thống kê sơ bộ thiệt hại tại Bình Dương, đã có 1 người bị thương, 825 căn nhà bị ngập cùng 113ha diện tích lúa, hoa màu bị ngập.Thiệt hại hơn 107 tỉ đồng. Hiện các xã trên địa bàn huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), phần lớn nước lũ đã rút xuống; hiện chỉ còn các xã Hương Minh, Hương Thọ nước lũ vẫn gây ngập khiến việc tiếp cận khó khăn. Tại thôn Tân Quang (xã Hương Quang), nước lũ đã làm sập cầu khiến việc tiếp cận người dân ở đây vẫn chưa được. Lũ đã làm sập hoàn toàn và cuốn trôi 4 ngôi nhà của người dân, 2 nhà bị hư hỏng trên 50%, 15 nhà bị sạt lở móng… Ngoài ra, hàng trăm hécta hoa màu, cây trồng của người dân cũng bị hư hại hoàn toàn. Lũ quét đã cuốn trôi và làm sạt lở 80 cầu cống, khoảng 2.000m3 đất trên tỉnh lộ 5, hai đập nhỏ bị vỡ chân đập… Ước tính tổng thiệt hại hơn 107 tỉ đồng.


Dương Hà

Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP