Hương Khê

Hương Khê: Nhà văn hóa phơi “xương”, sân vận động thành chợ hoang

Chuyện đang xảy ra với những công trình văn hóa có giá hàng chục tỉ đồng tại huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Tại đây, Trung tâm văn hóa đang được xây dựng dở dang thì nhà thầu bỏ chạy; sân vận động xây dựng hoành tráng rồi quây lại để…họp chợ. Nay chợ đã di dời, sân vận động thành phế tích ngổn ngang.

Nhà văn hóa phơi "xương", sân vận động thành chợ hoang

Nhếch nhác trung tâm văn hóa

Công trình Trung tâm văn hóa (TTVH) huyện Hương Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư với tổng mức dự án là hơn 14,1 tỉ đồng. Nhà thầu trúng thầu thi công là Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Thành (Hà Tĩnh), giá trị trúng thầu là 11,4 tỉ đồng. Công trình được khởi công từ tháng 1.2010 và thời gian hoàn thành sau 1 năm rưỡi.

Những khung nhà trơ xương nhiều năm vì nhà thầu bỏ chạy 
 Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, dự án trên chỉ mới thi công được 6/12 hạng mục; trong đó 3 hạng mục đã hoàn thành gồm nhà hành chính, điện nước nhà hành chính, bể nước ngầm trạm bơm và san nền.
Các hạng mục còn lại như nhà biểu diễn, sân vườn cây xanh, cổng tường…đang bị bỏ dở nham nhở. Tại hiện trường, nhà biểu diễn quy mô với 3 tầng vẫn đang trong tình trạng trơ xương, các hạng mục được xây dựng dở dang rồi bỏ đó trong nhiều năm liền. Thi công bỏ dở cộng với điều kiện thời tiết đã khiến nhiều chỗ bắt đầu vữa mục, các loại vật liệu như thép bắt đầu bị gỉ, xi măng đã chết cứng…
Xung quanh khuôn viên, cỏ cây đã bắt đầu mọc um tùm khiến khu vực được quy hoạch là “trung tâm văn hóa” trở nên nhơ nhác và hoang tàn giữa trung tâm thị trấn.

Không dừng lại đó, ngay cạnh bên, khu nhà hành chính đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2011 cũng đã bắt đầu xuống cấp. Theo những người làm việc ở đây cho biết, mặc dù nhà ngôi nhà này được thiết kế mái tôn trên và đổ bằng dưới nhưng nước vẫn rỉ xuống khiến trong nhà bị ướt, rêu xanh bám đầy.

Tan hoang sân vận động

Cách TTVH huyện không xa, sân vận động huyện Hương Khê do UBND huyện làm chủ đầu tư với tổng mức 2,1 tỉ đồng cũng đang trong cảnh tương tự như TTVH.

Sân vận động này khởi công xây dựng từ năm 2009 và hoàn thành vào năm 2010 nhưng đến nay vẫn đóng cửa…cho cỏ mọc. Tại hiện trường, sân được xây tường kín cao gần 4m với nhiều cổng sắt được đánh số đã bắt đầu gỉ sét. Xung quanh sân là những bãi đất hoang bắt đầu mọc đầy cây bụi.

 Sân vận động huyện hoang tàn
 Bên trong khuôn viên càng kinh hoàng hơn trái với sự mường tượng về một sân vận động đẹp đẽ. Trên các lối khán đài, cây bụi, cỏ dại đã mọc lên tốt um, các bờ tường đã đóng rêu dày cộp. Dưới mặt sân, hàng dãy lều quán gãy sập chen lấn với cỏ.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hương Khê cho hay: “Theo kế hoạch của nhà đầu tư xây dựng chợ thương mại thị trấn, huyện đã sử dụng mặt bằng của sân vận động để xây dựng chợ tạm. Nay chợ đã dời đi nhưng vì chưa có kinh phí tháo dỡ hệ thống chợ tạm và kinh phí để sữa chữa lại các vị trí hư hỏng nên chưa thể tiến hành bàn giao sân vận động để sử dụng được”.

Điều đáng nói, quỹ đất dư dôi ở huyện Hương Khê để làm một chợ tạm là không thiếu nhưng chính quyền ở đây lại đưa nó vào sân vận động. Càng dễ thấy sự tréo ngoe hơn khi sân vận động được dùng làm chợ nhưng các hoạt động thể dục thể thao lớn của huyện này đều phải đi…mượn sân.

Ông Võ Văn Trình, Trưởng phòng văn hóa huyện Hương Khê, cho biết: “Ở Hương Khê trước đến nay, các phong trào thể dục thể thao, đại hội thể dục thể thao cấp huyện đều phải đi mượn sân của trường học, sân của các cơ quan, đơn vị. Mà những sân đó nhiều khi không đủ phục vụ, không đảm bảo tiêu chí, chỉ một trận mưa là ướt nhoe nhoét”.

Thạch Châu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP