Hương Khê

Hương Khê: Người dân lấn chiếm hàng trăm hécta đất rừng

Chính quyền huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã “đau đầu”, bất lực trước việc nhiều hộ dân ngang nhiên xâm chiếm trái phép hàng trăm hécta đất rừng. Đã có hàng chục văn bản chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp các ngành, nhưng vẫn không ngăn chặn việc làm sai trái của người dân. Diện tích đất rừng bị xâm chiếm ngày càng lớn…

Dù xâm chiếm trái phép nhưng người dân vẫn làm hàng rào thép gai chắc chắn để bảo vệ cây keo đã trồng. Ảnh: Trần Tuấn
Ngang nhiên xâm chiếm

Ngày 10.12, ông Trần Thanh Hà – Tổng GĐ Cty TNHH MTV Caosu Hương Khê – cho biết, tháng 10.2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định số 3202 cho phép Cty caosu Hương Khê thuê 324,5ha đất tại tiểu khu 192, xã Hòa Hải để trồng caosu thời hạn 50 năm. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, nộp ngân sách 3,4 tỉ đồng, cuối tháng 11.2012, Cty cho công nhân đưa máy móc vào mở đường, trồng caosu thì phát hiện một số người dân xã Hòa Hải đang lấn chiếm trồng keo trên chính diện tích đất Cty đã được giao.

Ngay sau đó, Cty đã lập biên bản, báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương để xử lý. Tuy nhiên, chính quyền đã lúng túng, chậm trễ, khiến một số hộ dân khác được đà, tiếp tục đổ xô vào mạnh ai nấy làm, lấn chiếm vô tội vạ. Đến nay người dân xã Hòa Hải đã lấn chiếm 273ha tại tiểu khu 192 của Cty để trồng keo. Điều này cũng được thể hiện rõ tại biên bản của UBND huyện Hương Khê kiểm tra thực địa diện tích đất của Cty caosu Hương Khê bị xâm chiếm ngày 5.10.2014.

Cũng theo ông Hà, việc người dân lấn chiếm đất rừng của Cty nhưng không chịu trả đất khiến kế hoạch trồng cây saosu của Cty bị chậm. Đã có hàng vạn cây caosu giống hư hỏng vì “chờ đất”, gây thiệt hại trị giá gần 2 tỉ đồng. Kéo theo đó, đời sống của 210 công nhân Cty bị ảnh hưởng, không có thu nhập.

“Dù vậy, chúng tôi đã chấp nhận xuống nước, bỏ ra tiền tỉ mở con đường mới vào rừng để người dân đi lại (ở vùng rừng xã đang làm thủ tục để giao cho dân trồng keo); hỗ trợ 50% tiền làm thủ tục giấy tờ đất; đền bù công phát rừng, trồng cây trên đất lấn chiếm, nhưng họ vẫn không chấp nhận” – ông Hà nói.

Chính quyền xã, huyện bất lực

Ngày 7.12, ông Ngô Xuân Ninh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê – đã có báo cáo giải quyết vấn đề người dân xâm chiếm đất tại tiểu khu 192 của Cty caosu Hương Khê: Đến thời điểm này, huyện đã có 14 văn bản, tỉnh có 10 văn bản chỉ đạo xử lý, tổ công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập cũng đã có hàng chục cuộc làm việc nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm việc người dân lấn chiếm đất rừng của Cty caosu. Theo ông Ninh, việc các hộ dân tự ý lấn chiếm, trồng rừng trên diện tích đã được giao cho Cty caosu là vi phạm pháp luật. Nguyên nhân xuất phát từ khi lấy ý kiến nhân dân xã Hòa Hải để quyết định chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng caosu thì hầu hết các hộ dân xóm 10, 11 không đồng tình, nhưng UBND xã Hòa Hải vẫn xây dựng hồ sơ đề nghị cấp đất trồng caosu cho Cty caosu Hương Khê.

“Công tác quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp của UBND xã Hòa Hải còn yếu kém, không xử lý kịp thời những hộ dân vi phạm khi mới phát sinh, gặp khó khăn vướng mắc không báo cáo với UBND huyện để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Sự vào cuộc của tổ công tác, các phòng, ban chuyên môn cấp huyện chưa quyết liệt…” – báo cáo của UBND huyện Hương Khê nêu rõ. Tại cuộc họp chỉ đạo xử lý vấn đề người dân xã Hòa Hải xâm chiếm đất rừng của Cty caosu Hương Khê cuối năm 2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Lê Đình Sơn – cũng cho rằng: “Quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp còn yếu kém, sự non yếu của các cấp chính quyền địa phương. Khi xảy ra lấn chiếm, chính quyền cấp xã, cấp huyện chậm vào cuộc, không xử lý kịp thời theo đúng quy định…”.

Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, toàn huyện có gần 700ha đất rừng bị người dân xâm chiếm trồng rừng trái phép. Đây là vấn đề “nóng” mà huyện phải tập trung giải quyết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, UBND huyện Hương Khê vẫn chưa có một phương án cụ thể nào để giải quyết tình trạng trên.

Trần Tuấn/ Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP