Gần 40 hộ dân xã Hòa Hải khiếu kiện về việc một hộ dân khác được sử dụng diện tích đất lâm nghiệp quá nhiều. |
Vụ việc khiếu kiện đất đai tại khu vực rừng tiểu khu 179, thuộc xã Hòa Hải, huyện Hương Khê thời gian gần đây trở thành “điểm nóng”. Kiện tụng kéo dài, gần 40 hộ đòi quyền lợi đất từ 1 hộ dân khác. Cấp trên có thẩm quyền vẫn chưa có giải đáp ổn thỏa cho dân. Hàng chục hộ dân đang rơi vào vòng luẩn quẩn, nhất là khi cả trăm ha rừng keo đang trên đà phát triển mà buộc phải đốn hạ.
Cho rằng có sự thiếu minh bạch, gần 40 hộ dân thuộc xóm 1, 2 và 4, xã Hòa Hải gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Hương Khê về việc ông Thái Xuân Tiến (SN 1963, trú tại xóm 2, xã Hòa Hải) được chính quyền xã giao quá nhiều đất lâm nghiệp (hơn 155ha vào năm 1996) trong khi bản thân họ không có đất rừng để canh tác, sản xuất. Giờ họ đứng trước nguy cơ mất hẳn diện tích đất rừng đã bỏ công sức, tiền của bao năm qua vun trồng.
Việc hộ ông Tiến sử dụng diện tích đất lâm nghiệp “khổng lồ” so với quy định đã được UBND xã Hòa Hải, Hạt kiểm lâm Hương Khê trả lời trong báo cáo ngày 25/09/2014, về thực địa hiện trạng sử dụng đất của ông Thái Xuân Tiến: Năm 1996, ông Tiến được UBND huyện giao đất tại Quyết định số 296/QĐ_UBND ngày 23/12/1996 với tổng diện tích 155,96ha, có biên bản giao đất ngày 24/12/1996 và bản đồ giao đất với ranh giới đất rừng cụ thể. Sau đó, ông Tiến nhất trí chuyển nhượng lại cho 40 hộ dân với số diện tích khoảng 44,18ha.
Tiểu khu 179 nơi tranh chấp đất kéo dài thời gian qua |
Tuy nhiên, 40 hộ dân lại cho rằng, việc nhà nước giao đất cho hộ gia đình ông Tiến thì phải liên tục tác nghiệp, quản lý và xây dựng. Đằng này, ông Tiến đã bỏ bê gần chục năm ròng (1996 đến 2005) cho đến khi người dân có nhu cầu xây dựng rừng để làm nên giá trị kinh tế thì ông Tiến lại vào cản trở, cầm theo một bộ hồ sơ giấy tờ cấp đất không phù hợp theo luật đất đai hiện hành vào thời điểm đó.
Theo ông Nguyễn Đăng Lý, xóm 1, xã Hòa Hải phân trần, theo quy định Luật đất đai từ tháng 01/07/2004 người được giao đất nông nghiệp trước năm 1999 thì phải làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức, số đất mà hộ gia đình làm vượt hạn mức thì phải làm thủ tục thuê đất. Vậy ông Tiến không tiến hành các bước theo quy định lại không hề tác nghiệp được diện tích đất đáng kể nào, việc đó có đúng theo quy định của pháp luật không?
Nghi vấn “gian lận” hợp đồng?
Theo đơn thư tố cáo và kiến nghị của 40 hộ dân gửi huyện Hương Khê, những năm 2005 đến 2007 nhân dân các xóm 1, 2 và 4, thuộc xã Hòa Hải do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu việc làm đã vào khu rừng lân cận khai hoang trồng rừng, suốt thời gian dài không ai nói gì. Đến khi cây keo tươi tốt thì tháng 7/2009 đột nhiên có ông Thái Xuân Tiến (SN 1963), trú tại thôn 2, xã Hòa Hải cầm một bản hợp đồng soạn sẵn ghi là năm 2006 đến từng hộ dân nói rằng: Đây là đất của ông Tiến, buộc các gia đình trên phải ký nhận vào, nếu không sẽ không cho thu hoạch. Trong khi diện tích cây keo đã có tuổi đời trên 2 năm tuổi, do sợ bị chặt phá diện tích keo, các hộ đồng ý ký.
Đơn thư khiếu kiện của gần 40 hộ dân tại xã Hòa Hải, huyện Hương Khê. |
Người dân lý giải, họ vào khai hoang đất từ năm 2005, nhưng mãi sau này ông Thái Xuân Tiến mới đem một bản hợp đồng chứng nhận diện tích đất trên là của ông, bản hợp đồng ghi năm 2006. Tuy nhiên, do dân cần đất để canh tác, học vấn và sự hiểu biết có hạn nên đã nhắm mắt cùng ký vào bản hợp đồng. Người dân bức xúc vì tại sao khi lên rừng khai hoang đất đai để trồng rừng thì ông Tiến không có ý kiến, chỉ đến khi cây keo tốt tươi thì bất thình lình nhận được bản hợp đồng đất đang sử dụng là của một chủ hộ khác. “Thấy thế, chúng tôi mới kí kết vào bản hợp đồng. Trả tiền phần trăm theo diện tích đất sử dụng cho gia đình ông Tiến”.
“Sau khi tìm hiểu, một vài hộ dân đã phản kháng, không ký vào bản hợp đồng với nghi hoặc là bản hợp đồng “giả” mà ông Tiến tự ý soạn ra để hù dọa nhân dân, buộc dân phải tin và đóng tiền “thuế” cho ông. Điều đáng nói, toàn bộ diện tích rừng ông Tiến “sở hữu” lại không có bìa đỏ (giấy phép sử dụng đất) mà ông Tiến lại tự làm hợp đồng cho dân thuê lại?”, anh Nguyễn Văn Cường, xóm 1, xã Hòa Hải phân trần.
Hợp đồng dân sự giữa ông Thái Xuân Tiến và nhiều hộ dân khác về sử dụng đất lâm nghiệp. |
Cũng theo người dân, ông Tiến dọa không ký thì sẽ cho người đến chặt cây, gây khó dễ với dân. Hợp đồng dân sự giữa ông Thái Xuân Tiến và nhiều hộ dân khác có nội dung là các hộ trồng rừng nguyên liệu keo tai tượng trên đất “được” giao cho ông Tiến với chu kỳ 6 năm, sau khi thu hoạch thì trả cho ông Tiến mức phí quản lý 2%.
Trong hàng loạt đơn thư kiến nghị của người dân gửi cho Báo Infonet đều cho rằng, hợp đồng nhận đất trồng rừng mà ông Thái Xuân Tiến ký với các hộ dân có sự “hậu thuẫn” của chính quyền địa phương. Theo đó, người dân cho rằng, bản hợp đồng nhận đất trồng rừng mà ông Tiến ký với các hộ là lừa đảo, gian lận, ép buộc…
Theo tìm hiểu của PV, hợp đồng nhận đất trồng rừng mà các hộ đã ký với ông Tiến là hợp đồng dân sự, được các bên thỏa thuận, thống nhất và cùng ký tên. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố tranh chấp đất giữa hộ ông Tiến và 40 hộ gia đình khác thì phía lãnh đạo UBND xã Hòa Hải đã họp và cho rằng thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc về TAND cấp huyện. Nếu các hộ cho rằng ông Tiến có dấu hiệu “gian lận” thì có thể gửi đơn lên tòa án huyện Hương Khê yêu cầu tuyên bố hợp đồng và vô hiệu theo quy định của Bộ luật hình sự.
Dân muốn sử dụng đất rừng thì phải mua 15 triệu đồng/ha?
Như vậy, diện tích mà 40 hộ dân canh tác, trồng keo trên đã được thu hoạch 1 vụ, các bên đã thanh tóan xong hợp đồng đã ký với nhau. Hiện nay, các hộ đã đi vào trồng tiếp keo vụ 2, cây đã tốt gần 8-10m, tuổi đời trên 3 năm. Bất ngờ, ông Tiến đề nghị phải giao toàn bộ diện tích keo trên cho ông. Dân cương quyết không đồng ý, ông Tiến đưa ra 2 phương án lựa chọn: Một, nếu dân không thực hiện, ông sẽ cho người đến “đốn hạ” toàn bộ. Hai, nếu dân muốn tiếp tục canh tác đất thì ông bán lại với giá 15 triệu đồng/ha.
Vì diện tích đất trồng keo đang trên đà phát triển, một số hộ dân sợ bị đốn hạ, nên đã thanh toán số tiền mặt cho ông Tiến theo đề xuất của ông. Cụ thể, hộ anh Thái Quang Nhật (xóm 1) đóng số tiền 1,5 triệu đồng/2ha; Trần Văn Oánh, Trần Văn Cửu, Lê Văn Đức (đều trú xóm 1) đóng số tiền 4,8 triệu đồng/4ha… Tổng 40 hộ dân phải chi trả cho ông Tiến trên 40 triệu đồng để tiếp tục sử dụng đất.
Hơn 40 triệu đồng/40 hộ dân phải trả cho hộ ông Tiến để tiếp tục sử dụng diện tích đất rừng. |
Tuy nhiên, trong nhiều đơn thư khiếu kiện gửi lên UBND huyện Hương Khê và Báo Infonet, các hộ dân mong muốn các cấp, ngành liên quan khẩn trương thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của hộ ông Thái Văn Tiến từ khi được giao đất đến nay và trả lại quyền lợi chính đáng cho 40 hộ dân tại xã Hoà Hải.
Ông Phan Quốc Lập, Trưởng phòng TNMT huyện Hương Khê cho biết, đến thời điểm hiện nay, toàn bộ diện tích hơn 155ha đất lâm nghiệp của hộ ông Thái Xuân Tiến là chưa được cấp bìa đỏ vì chưa có quyết định giao đất. Phía huyện đang hướng dẫn người dân làm đơn khởi kiện lên TAND huyện để xử lý tranh chấp đất rừng theo luật pháp.
“Bản thân tôi cũng thấy lạ, việc giao đất, giao rừng cho một hộ dân đứng chủ trên 155ha là vượt mức quy định theo luật đất đai năm 2003. Nếu ông Tiến tự động bán đất rừng cho các hộ dân là không được, vi phạm pháp luật. Vì huyện không bao giờ làm thủ tục trái quy định”, ông Lập khẳng định.