Để từng bước đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi, nhất là các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhiều hộ nông dân ở xã Tiến lộc, nhất là trên địa bàn xóm Đông Hà đã đầu tư nguồn vốn nuôi cá lồng bè trên sông, bước đầu đưa lại hiệu quả kinh tế khá cho nhiều hộ dân nơi đây.
Những năm trước đây gia đình anh Hoàng Văn Tạo ở xóm Đông Hà xã Tiến lộc – Can Lộc đã đấu thầu 5,4 ha diện tích đất của địa phương để nuôi trồng thủy sản theo cách truyền thống nên hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên nhận thấy vùng sông nghèn rất thuận lợi cho phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt bằng lồng trên sông, anh cùng với hộ anh Trần Văn Nhân, Trần Văn Hòa mạnh dạn đầu tư vốn liếng nuôi cá lồng bè. Ban đầu tiến hành thử nghiệm 3 lồng nuôi với khung lồng bằng thép, mỗi lồng gồm 12 ô với số vốn đầu tư gần 100 triệu đồng.
Thời gian đầu, các hộ gia đình nuôi cá lóc, cá chẽm vì đây là đối tượng nuôi tương đối dễ, năng suất cao, đồng thời nguồn thức ăn là các loài cá tạp dễ kiếm. Hiện nay 3 hộ gia đình đã tiến hành thả 4000 con cá lóc với mật độ 12 con/m3 và thả khoảng 2000 con cá chẽm. Xác định nghề nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế góp phần tăng thu nhập cho người dân Tiến Lộc, UBND huyện Can Lộc đã tổ chức cho 3 gia đình đi tham quan một số mô hình nuôi cá nước ngọt bằng lồng tại xã Thạch Sơn – Thạch Hà, cùng với sự` hỗ trợ nguồn vốn ban đầu nhằm khuyến khích, tạo mọi điều kiện để bà con mạnh dạn đầu tư phát triển.
Mặc dù qui mô còn nhỏ, lại chưa có nhiều kinh, nghiệm nhưng thành công bước đầu của mô hình sẽ tạo điều kiện thuận lợi, củng cố niềm tin và khuyến khích các hộ dân ở xã Tiến Lộc tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá lồng nước ngọt. Tuy nhiên để mô hình nhân rộng cũng rất cần sự quan tâm về nguồn vốn, tập huấn về kỹ thuật, có nguồn giống tốt thì người dân mới an tâm để khai thác tiềm năng sẵn có, đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn./.
Phương Nga – Minh Đông
Can Lộc