Anh Đỗ Thanh An tại hiện trường nơi xảy ra vụ án mạng 39 năm trước, nay chỉ còn bãi đất trống - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Đó là một câu chuyện thật buồn của Đỗ Thanh An (hiện đăng ký hộ khẩu thường trú ở Bình Định). 39 năm trước, vào một buổi chiều tối, khi đó An mới hơn 6 tuổi đang ngồi ngóng mẹ đi bẻ bắp trên rẫy về thì nhận được hung tin mẹ anh bị giết chết với hàng chục nhát dao. An mồ côi cha khi vừa mới sinh ra đời, giờ mẹ lại ra đi đầy oan khuất...
Đây được xem là một vụ án oan 2 trong 1 khi người bị bắt giam oan đã chết, còn hung thủ thực sự thì chưa được tìm ra. Điều đáng chú ý là vụ án này xảy ra tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) - nơi từng có vụ án oan nổi tiếng của ông Huỳnh Văn Nén.
Buổi chiều định mệnh 39 năm trước
Giọng đượm buồn, An kể: mẹ anh là bà Phan Thị Khanh lấy chồng ở Bình Định. Khi An sinh ra được vài tháng thì ba mất. Năm 1977, chồng chết, cuộc sống khó khăn nên mẹ An đưa con từ Bình Định về xã Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) sinh sống với bà ngoại. Lúc đó An mới được 3 tuổi. Đứa con trai đầu lớn hơn An 2 tuổi, mẹ phải để lại Bình Định cho ông bà nội nuôi.
Ở cùng bà ngoại, mẹ An là lao động chính trong nhà, phụ bà nuôi người cậu An còn nhỏ. Đến khi cậu lớn lấy vợ, mẹ An chặt chiếc vòng tay bằng vàng đưa cậu 2 chỉ để làm đám cưới.
"Hồi đó nhà tôi bằng gỗ lợp lá buông. Có lần nhà bị cháy rụi. Mẹ tôi phải cào đống tro than còn chưa nguội hết đào chỗ chân giường lên tìm vàng mẹ chôn giấu. Tôi nhớ, đó là một cái vòng tay đã cắt ra một đoạn cho cậu tôi mượn để cưới vợ, một ít nhẫn và dây chuyền. Từ sau lần cháy nhà, mẹ may một cái túi yếm cột trước bụng để cất số vàng ít ỏi của mẹ" - An kể.
Lên 6 tuổi An đã biết giúp mẹ đi rẫy bẻ bắp rồi theo mẹ gánh về nhà. Buổi chiều định mệnh vào ngày 31-7-1980, bà Khanh thấy trời tối nên kêu An ở nhà để bà đi một mình. Rẫy ngay sát quốc lộ nhưng vắng người qua lại, cỏ mọc um tùm. An ở nhà ngóng mẹ nhưng mãi vẫn không thấy về.
Đến gần 7h tối, An nghe giọng ai đó hốt hoảng: "Mẹ An chết rồi An ơi". Rồi tiếng bà ngoại khóc thảm, rồi hàng xóm, công an đến. Người ta thông báo, mẹ An bị giết với hàng chục nhát dao trên đầu, mặt, tay... Chiếc túi yếm đựng vàng của mẹ bị xé, toàn bộ số vàng bị lấy mất.
Lúc ấy An còn nhỏ, bà ngoại lại già yếu không có người chăm sóc, vợ chồng người cậu ở phía sau nhà chuyển lên ở chung để chăm bà. Không còn mẹ, An ở cùng cậu. An trông giữ hai đứa em con cậu và làm việc nhà.
An kể: "Mẹ chết, tôi thành mồ côi phải ở với cậu. Làm gì không vừa lòng cũng bị đánh, bị mắng đến nỗi ba năm sau, một người hàng xóm thương tình phải lặn lội về tận Bình Định tìm bà nội đưa đến đón tôi về".
Thế là chưa đầy 10 tuổi, An rời ngôi nhà của mẹ để về quê nội ở Bình Định. Nhưng ông bà nội cũng đã già, An không được đến trường như các bạn. Thỉnh thoảng An có về lại ngôi nhà cũ của mẹ thăm bà ngoại. Mỗi lần về thăm ngoại, An lại nghe những người hàng xóm nói lại nghi vấn về hung thủ thực sự giết mẹ mình.
"Người ta nói, đó là người anh em cọc chèo với cậu ruột tôi. Trước mấy ngày mẹ tôi bị giết, vợ chồng ông ấy ở nhờ nhà cậu. Sau khi mẹ tôi bị giết hai ngày, vợ chồng ổng lập tức bỏ đi đâu không rõ cho đến bây giờ" - An nói.
Hiện trường nơi xảy ra vụ án mẹ anh Đỗ Thanh An bị giết, cướp. 39 năm trước nơi này là rẫy bắp, hiện nhà cửa đã mọc lên thành khu dân cư - Ảnh: KIM THOA |
Đi tìm tung tích kẻ giết mẹ mình
Vụ án gây chấn động nhưng 39 năm qua cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được hung thủ, dù những người hàng xóm nhiều lần tố cáo về người anh em cọc chèo của cậu ruột An.
Năm 1986, An bắt đầu tìm đến những người hàng xóm đã từng làm đơn tố cáo với công an về nghi can của vụ án và tự đi tìm những dấu hiệu của kẻ giết người. An thu thập, ghi chép vào sổ.
Đến năm 1990, An viết đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra. Người mà An tố cáo là ông Trương Đình Chi (còn có tên khác là Trương Đình Khôi). Tuy nhiên, thông tin về ông Chi ở đâu thì An tìm không ra. Bởi vì người này chỉ xuất hiện trước khi mẹ anh bị giết vài ngày và hai ngày sau khi vụ án xảy ra, ông ta cùng vợ con biến mất.
Để truy tìm hung thủ giết chết mẹ mình, An không dám lập gia đình vì sợ vướng bận vợ con. Anh đi làm thuê, làm mướn nhiều nơi từ TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu rồi xuống tận miệt Sóc Trăng để dò la tin tức. "Tôi đi làm thuê, ở trọ đâu thì lấy địa chỉ ở đó để gửi đơn và nhận thư trả lời. 30 năm qua, tháng nào tôi cũng gửi đơn để nhắc các cơ quan tố tụng là mẹ tôi bị giết từ năm 1980 mà đến giờ vẫn chưa tìm ra hung thủ".
Đơn thư của anh An được gửi nhiều cơ quan tố tụng từ trung ương đến địa phương. Thậm chí gửi đến cả các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội. Tất cả những nơi nào mà anh nghĩ có thể giúp thúc đẩy cơ quan điều tra trả lời về cái chết của mẹ mình, An đều gửi tới. Nhưng hầu hết hồi đáp anh nhận được đều có nội dung giống nhau: chuyển đơn về Công an tỉnh Bình Thuận và đều rơi vào im lặng.
Năm 2017, anh An tiếp tục đến văn phòng Bộ Công an phía Nam để gửi đơn tố cáo. Anh được các cán bộ điều tra lấy lời khai, cung cấp bằng chứng. Tuy nhiên sau đó, mọi việc tiếp tục rơi vào im lặng.
"Tôi chỉ mong công an tỉnh trả lời tôi ông Trương Đình Khôi có phải là hung thủ giết mẹ tôi không? Chỉ cần công an trả lời tôi rõ ràng và có căn cứ là được. Mỗi lần nghĩ đến cái chết đầy oan khuất của mẹ, tôi không cầm được nước mắt".
Đến chết vẫn mang thân phận bị can Vụ án xảy ra vào ngày 31-7-1980 tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận). Nạn nhân là bà Phan Thị Khanh (sinh 1954). Tại thời điểm trên, Công an huyện Hàm Tân đã khởi tố vụ án "giết người cướp của" theo điều 5, 8 sắc lệnh số 03 ngày 15-3-1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Ngày 1-8-1980, Công an Hàm Tân khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Võ Tê (người dân địa phương) về tội "giết người cướp của". Sau 5 tháng điều tra nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Tê nên ngày 30-12-1980, Công an Thuận Hải ra lệnh tạm tha. Ông Tê mất năm 1994, đến nay vẫn mang thân phận bị can. Câu chuyện oan khuất, đầy nước mắt của ông Võ Tê sẽ được chuyển đến bạn đọc trong các kỳ sau. H.ĐIỆP - Đ.TRONG |
Không có căn cứ phục hồi điều tra vụ án? Tại buổi họp báo ngày 2-8, do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức, đại diện Công an tỉnh Bình Thuận cho biết: Vụ án xảy ra vào ngày 31-7-1980, do không tìm được nghi can nên ngày 20-7-1984, công an tỉnh đã ra quyết định tạm kết thúc vụ án. Công an tỉnh Bình Thuận cũng cho biết vào khoảng năm 1999, anh An có gửi đơn tố cáo ông Trương Đình Chi (tên gọi khác là Trương Đình Khôi) là nghi can giết bà Khanh. Công an tỉnh đã tổ chức xác minh, truy tìm, qua đó xác định được đối tượng này đã đổi tên thành Lê Minh Sơn và thường xuyên thay đổi chỗ ở. Do đó, ngày 4-4-1999, cơ quan điều tra đã ra thông báo số 206 truy tìm Lê Minh Sơn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm được nên không có căn cứ để phục hồi điều tra vụ án. Cũng theo công an tỉnh, vụ án đã xảy ra 39 năm, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định đã hết. Dù vậy, ngày 3-7-2019, công an tỉnh cũng đã có báo cáo gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để xin ý kiến chỉ đạo. Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Phạm Văn Hải - phó trưởng phòng tham mưu tổng hợp Công an tỉnh Bình Thuận - cho biết đã lập tổ truy tìm đối tượng Trương Đình Chi. Khi Công an tỉnh Bình Thuận tìm được, tiếp theo sẽ tiến hành các thủ tục điều tra để tìm lời giải của vụ án. |
Tác giả: HOÀNG ĐIỆP
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ