INOVA là cuộc thi phát minh sáng chế quốc tế có quy mô lớn thứ 2 ở châu Âu. Năm nay, cuộc thi có 31 nước tham dự với hơn 500 sản phẩm dự thi. Đơn vị tổ chức chính là Hiệp hội Phát minh sáng chế Croatia; đồng tổ chức là Hiệp hội Phát minh sáng chế thế giới WIIPA.
Cuộc thi phát minh sáng chế quốc tế INOVA được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm phát minh sáng chế được tổ chức bởi Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIIPA), Chính quyền thành phố Zagreb, Hiệp hội xúc tiến các sản phẩm sáng tạo Croatia và Hiệp hội Sáng chế của một số quốc gia.
Tham dự Triển lãm Quốc tế lần này có trên 500 sản phẩm và sáng chế do học sinh và sinh viên có độ tuổi dưới 25 đến từ 31 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Đến dự khai mạc có Chủ tịch hiêp hội WIIPA, Chủ tịch hiệp hội sáng chế một số quốc gia, đại diện chính quyền thành phố Zagreb, đại diện Bộ Kinh tế và hiệu trưởng một số trường Đại học.
Hội đồng giám khảo quốc tế gồm các vị giám khảo đến từ các quốc gia thành viên của Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế Giới (WIIPA). Tiêu chí chấm điểm năm nay rất chặt chẽ, đòi hỏi các sản phẩm phải có tính đổi mới, ứng dụng thực tiễn cao, có khả năng thương mại hóa, gần gũi với môi trường.
Kết quả, đoàn Việt Nam đã mang về thành tích xuất sắc gồm 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc.
Nhóm ba học sinh, sinh viên Việt Nam giành giải lần này là em Nguyễn Ngọc Hương Ly, Chuyên Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên; em Phạm Thủy Tiên, chuyên Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên và Nguyễn Đăng Vũ, trường Đại học Ngoại thương.
Các học sinh nhận Giải đặc biệt từ bà Manli Hsieh - chủ tịch WIIPA. Ảnh: Giáo dục và Thời đại |
Đề tài nghiên cứu của 3 học sinh giành Huy chương Vàng là “Nghiên cứu một số tác nhân flavonoid trong điều trị dự phòng ung thư” do thầy Phan Minh Giang, PGS – TS trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội và TS Vũ Minh Trang - Phó trưởng bộ môn sư phạm khoa học tự nhiên, Khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội hướng dẫn.
Đề tài được cho là giải pháp hữu ích đề xuất quy trình chiết xuất bùm bụp gai (Mallotus barbatus) tại Việt Nam để tạo ra chế phẩm giàu hoạt chất flavonoid có tác dụng dự phòng ung thư.
Ngoài ra, 1 sáng chế của đoàn học sinh Việt Nam là 1 giải đặc biệt do Hiệp hội Sáng chế (WIIPA) và các giải phụ do các trường Đại học trao tặng.
Cụ thể, Đoàn trường THPT Chuyên KHTN, Đại học Khoa học Tự nhiên với đề tài Nghiên cứu tách chiết một số chất Flavonoids phòng ngừa ung thư” (A number of flavonoid agents applicable in the prevention of cancer) đã được nhận các giải thưởng như sau: 1 Huy chương vàng Triển lãm; 1 giải đặc biệt của hiệp hội sáng chế quốc tế WIIP; 1 giải phụ của Trường Đại học Norton.
Được biết, bệnh ung thư và sức khoẻ cộng đồng là những vấn đề ngày càng được quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Ngày nay, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả ưu việt của các hóa chất từ thực vật trong hóa dự phòng ung thư (cancer chemprevention). Dựa trên các cơ chế phát triển của tế bào gây ung thư có thể sử dụng các hóa chất thực vật để ức chế, làm chậm lại hoặc đảo ngược quá trình gây ung thư.
Các tác nhân hóa dự phòng ung thư có thể được chia làm các tác nhân chống gây đột biến (antimutagen) qua sự ngăn chặn sự hấp thu các chất gây ung thư, sự liên kết của các chất gây ung thư với ADN hoặc kích thích sự hoạt hóa các chất gây ung thư bởi các enzym gây viêm như cyclooxygenase (COX) hoặc lipoxygenase (LOX).
Các flavonoid chống oxi hóa có thể quét gốc tự do gây hư hại ADN qua sự tạo thành các sản phẩm cộng hợp như 8-deoxyguanosin gây đội biến gen và kháng viêm. Một số cấu trúc flavonoid thể hiện cả hoạt tính chống đột biến và gây tăng sinh, và tác dụng đa đích của chúng vào các cơ chế phát triển của tế bào ung thư ở các bước gây ung thư là liệu pháp hữu hiệu trong việc tạo ra các thuốc chống ung thư mới có nguồn gốc thiên nhiên.
Một số flavonoid là các chất ức chế Helicobacter pylori có liên quan đến ung thư dạ dày. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự liên quan của viêm mãn tính gây bởi Mycobacterium tuberculosis đến ung thư phổi. Do đó, việc kết hợp các tác dụng của các flavonoid như chống oxi hóa, kháng khuẩn Helicobacter pylori và Mycobacterium tuberculosis được sử dụng trong ngăn chặn ung thư sơ cấp ở người có nguy cơ phơi nhiễm cao với các tác nhân gây ung thư, và kết hợp với các hoạt tính chống viêm, gây chết tế bào được lập trình, ức chế sự tạo mạch và một số enzym liên quan đến ung thư có thể hữu ích cả trong ngăn chặn ung thư ở bệnh nhân đã có các thương tổn tiền ung thư và/hoặc bệnh nhân có tiền sử ung thư.
Flavonoid là các polyphenol có trong tự nhiên, chúng có mặt ở khắp các thức ăn thực vật như trái cây, rau, và chè cũng như là trong các cây thảo dược. Hơn 10.000 flavonoid đã được nhận dạng trong một vài thập niên gần đây.
Trong dân gian từ lâu đã sử dụng những thực vật giàu flavonoid để giữ gìn sức khỏe ở dạng trà thuốc, nước trà, trà atiso,… Công nghiệp dược phát triển đã khai thác, chiết xuất lấy flavonoid từ các loại thực vật có hàm lượng flavonoid cao như hoa hòe, vỏ cam, núc nác, hoàng cầm, lá xoài, bồ kết, ích mẫu, diệp hạ châu… Một số flavonoid được chiết xuất để sản xuất các thuốc dạng uống (viên, nước, bột), các loại thuốc kháng viêm hay kem bôi ngoài da, mỹ phẩm…đã được sử dụng rộng rãi. Các sản phẩm thường ở dạng kết hợp nhiều loại flavonoid từ vài loại thực vật với nhau.
Tác giả: Vũ Đậu (T/h)
Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật