Công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh còn bị xem nhẹ. Ảnh: Đ.Hạnh
“Đại học trở thành trường phổ thông cấp 4”
TS Nguyễn Đức Nghĩa thẳng thắn nhận xét: Với quy mô hiện nay khoảng gần 2,8 triệu học sinh THPT, trong đó có khoảng gần 1 triệu học sinh lớp 12, chương trình giáo dục hiện nay gần như định hướng cho học sinh cứ tốt nghiệp THPT xong là đồng loạt thi ĐH, CĐ.
Nguyên nhân đầu tiên có thể nhận thấy như trong năm học này, quy chế thi ĐH, CĐ ban hành trước quy chế thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải làm hồ sơ dự thi ĐH xong rồi mới làm thủ tục thi tốt nghiệp. Như vậy vô hình trung, học sinh lớp 12 chưa kịp tốt nghiệp đã chuẩn bị sẵn tâm lý lao vào các kỳ thi ĐH, CĐ.
TS Nghĩa cho rằng, theo logic, học sinh chọn thi vào ĐH phải là những người có khả năng khám phá và có tố chất nghiên cứu khoa học, nhưng thực tế cho thấy, chương trình đào tạo của bậc phổ thông và của nhiều trường ĐH hiện nay quá nặng về lý thuyết hàn lâm, yếu về thực hành thí nghiệm. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường đều bị doanh nghiệp đánh giá thấp do mỏng về kiến thức, yếu về thực tế.
Điều này đã chỉ ra những bất cập trong chất lượng và hiệu quả giáo dục hiện nay, không ít trường ĐH đang biến mình trở thành “trường phổ thông cấp 4” khi sinh viên lên lớp chỉ cặm cụi đọc – chép, không có khả năng nghiên cứu, sáng tạo.
Bà Nguyễn Thị Diễm My – ĐH Sư phạm TPHCM – nhận định, việc tham gia nghiên cứu khoa học hiện nay không chỉ dừng ở lứa tuổi sinh viên, mà còn được mở rộng ra cả khối THPT và THCS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học của giáo viên trung học còn rất nhiều hạn chế…
Cô Trương Thị Minh Uyên – Trường Trung học Đinh Thiện Lý – cho biết, hiện tại việc nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông chưa là một chương trình học chính thức, mà mới chỉ ở dạng phong trào; chưa có tài liệu chính thức nào trong việc tập huấn giáo viên và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.
Phải thay đổi từ gốc
Theo TS Nghĩa, trước đây mục tiêu “giáo dục toàn diện” thường được hiểu đơn giản là học sinh phải học đầy đủ tất cả các môn học thuộc mọi lĩnh vực (KHTN, KHXH, nghệ thuật, thể dục thể thao…); mục tiêu giáo dục nghiêng về truyền thụ kiến thức càng nhiều càng tốt, chú trọng dạy chữ hơn dạy người, chú trọng truyền bá kiến thức hơn đào tạo, bồi dưỡng năng lực người học, ít vận dụng kiến thức vào thực tế… Tình trạng này đã dẫn đến việc “quá tải”, vừa thừa vừa thiếu đối với người học.
Vì thế, điều cần thiết hiện nay là phải cải tiến chương trình và sách giáo khoa, chú trọng nhiều đến thực hành, ứng dụng, khả năng quan sát, phán xét và tư duy độc lập của học sinh. Cải tiến phương pháp giảng dạy và truyền đạt của giáo viên…
Bà My nhận định, việc nâng cao chất lượng đào tạo cho giáo viên từ khi còn là sinh viên là vô cùng cần thiết. Giáo viên Hồ Ngọc Kiều – CĐ Sư phạm Long An – cho biết, chất lượng dạy học luôn đi đôi và gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, pháp lý… cho giáo viên và học sinh, hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh là một điểm vừa sáng, vừa mới mẻ trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nên các trường cần thiết phải thành lập Hội đồng khoa học cấp trường.
Hội đồng sẽ bao gồm những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết với công tác nghiên cứu, có nhiệm vụ định hướng, gợi mở đề tài, giám sát, thẩm định kết quả nghiên cứu của học sinh…