Giáo dục

"Học bạ đẹp" - Đừng để giá trị ảo dẫn tới sai lầm thật

Thời gian qua, các trường đại học đã lần lượt công bố phương thức tuyển sinh. Trong đó, học bạ vẫn được rất nhiều trường sử dụng độc lập hoặc kết hợp cho công tác xét tuyển. Đây được coi là nguyên nhân khiến việc “làm đẹp” học bạ thành phổ biến.

“Học bạ đẹp”- những hệ lụy có thể nhìn thấy

Để chuẩn bị cho xét tuyển đại học vào năm sau, con trai chị Thanh Phương ở Hà Nội thời điểm này vừa học luyện chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, vừa tìm hiểu các kỳ thi đánh giá năng lực và một việc quan trọng nữa là cố gắng để có “học bạ đẹp”.

Qua tìm hiểu các trường chị Thanh Phương được biết xét tuyển học bạ độc lập hay kết hợp vẫn được nhiều trường đại học sử dụng như phương thức xét tuyển phổ biến nên gia đình cùng con vẫn phải cố gắng. Ở trường THPT nơi con chị theo học, ngay từ lớp 10, giáo viên chủ nhiệm qua các buổi họp phụ huynh đã xác định tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho học sinh “học bạ đẹp”.

Kết quả của học bạ “ảo” sẽ góp phần tạo nên hiện tượng học sinh “đỗ ảo”


Từ câu chuyện của bản thân và bạn bè, chị Phương cho biết hầu hết các giáo viên chủ nhiệm ở các trường THPT thường xuyên nhấn mạnh, nhắc nhở việc bố mẹ “quan tâm” đến điểm số cũng như cần có những “can thiệp” kịp thời để điểm “đẹp” trước khi vào học bạ. Điều này không chỉ có lợi cho học sinh trong việc xét tuyển đại học mà mặt khác còn góp phần nâng cao vị thế của nhà trường khi ngày càng có nhiều học sinh lọt vào các trường đại học top này top kia.

Tuy nhiên chị Phương cho biết cái gì rồi cũng bão hòa, nhìn bảng điểm bạn bè cùng lớp con mà “toát mồ hôi”. Nên vị phụ huynh này cho rằng con chị và các học sinh khác phải lao vào các kỳ thi đánh giá năng lực với hi vọng có được ưu thế vượt trội so với bạn bè.

Thuộc lứa 2K7, em H., học sinh một trường THPT trong cụm Ba Đình - Tây Hồ đang gặp khó để có “học bạ đẹp”. Trong quá trình học ở bậc học mới, H. gặp khó khăn ở môn Toán khi giáo viên giảng không hiểu. Em đã tìm được giáo viên ở ngoài trường phù hợp để học thêm.

“Em đang trên quá trình cố gắng hiểu từng chút nhưng cô giáo dạy toán trên lớp luôn luôn cho em điểm thấp, thậm chí rất thấp dù em có cố gắng bao nhiêu đi nữa. Cuối cùng cô chủ nhiệm khuyên em quay về học cô giáo toán đang dạy lớp em để đảm bảo học bạ đẹp”, H. kể.

Học bạ chỉ nên là điều kiện cần

Chuyện “làm đẹp học bạ” theo TS Lê Đông Phương, nguyên Ủy viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực từ thực tế quan sát giáo dục phổ thông cho rằng không phải câu chuyện cá biệt ở một vài nhà trường hay một vài địa phương. Nguyên nhân có thể có nhiều như việc “thương học sinh”, như áp lực từ thành tích cho nhà trường hay có thể từ chính phụ huynh học sinh đề nghị khiến không ít giáo viên chủ nhiệm buộc phải đi “xin điểm” của thầy cô bộ môn cho học sinh lớp mình. Chính điều này theo TS Đông Phương đã khiến học bạ dần mất đi giá trị trong đo lường, đánh giá chất lượng học sinh.

TS Trần Thị Phương Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đại học học thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng việc giáo viên phổ thông đang góp phần đẩy điểm học bạ thành “ảo” theo TS Phương Nam thực ra cũng bởi không ít trường phổ thông coi lượng học sinh giỏi của mỗi lớp thành tiêu chí thi đua, đánh giá thành tích.

Kết quả của điểm “ảo” theo bà Phương Nam chắc chắn sẽ góp phần tạo nên “đỗ ảo” trong học sinh khi các em không xác định được thực lực bản thân, bước vào những trường học, ngành học không phù hợp.

“Nếu học bạ thực chất, khi nhìn học bạ sẽ nhìn thấy các môn con học tốt hơn. Ví dụ như con nhà mình học chuyên Lý thì khi vào các khoa có Lý sẽ tốt hơn. Học sinh Việt Nam khi du học có học bạ đẹp vẫn vào được trường tốt nhưng sau đó không thể theo học được”, bà Phương Nam chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, nguyên giảng viên đại học Ngoại thương đã gửi một khảo sát nhỏ tới các cựu sinh viên của mình tại Châu Âu và Hoa Kỳ để kết luận không có quốc gia nào chỉ dùng duy nhất học bạ cho xét tuyển đại học.

“Tất cả các quốc gia khi tuyển sinh thì vẫn cứ dùng bảng điểm của học sinh mà chúng ta gọi nôm na là học bạ như một tiêu chí, ngoài ra còn có thêm rất nhiều thứ như một kỳ thi chuẩn nào đấy. Ví dụ ở Mỹ là SAT hoặc các trường sẽ tổ chức thi riêng”, bà Hoàng Ánh cho biết.

Theo PTS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, việc nhiều trường đại học ở Việt Nam coi học bạ như một phương thức xét tuyển độc lập sẽ gây hại cho chính học sinh khi các em không thể đánh giá thực lực bản thân. Và khi bước vào môi trường đại học với cách thức học tập khác hẳn, nhiều em sẽ sốc, trầm cảm, thậm chí bỏ học giữa chừng. Điều này tạo nên sự lãng phí nguồn lực xã hội từ nhiều góc độ: tiền bạc của các gia đình, những năm thanh xuân của học sinh…Ở phía ngược lại, bà Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, những trường chỉ sử dụng học bạ để xét tuyển đại học đã cho biết năng lực cũng như chất lượng đào tạo ở mức độ nào. Thị trường lao động luôn công bằng trong tuyển dụng để có được đúng lao động phù hợp nhu cầu.

Để trả học bạ về thực chất, phản ánh đúng năng lực, khả năng của học sinh, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng các trường đại học nên bỏ việc coi đây như một phương thức xét tuyển độc lập. Thay vào đó nên sử dụng phương thức kết hợp giữa học bạ, bài luận, thư giới thiệu với phỏng vấn trực tiếp. Điều này tạo nên sự phù hợp về lựa chọn cho cả hai phía: Trường đại học tuyển được học sinh phù hợp lĩnh vực đào tạo và phía các em cũng không lãng phí thời gian, tuổi trẻ, tiền bạc và cơ hội học tập ở môi trường phù hợp.

Tác giả: Ý Dịu

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP