“Ngán ngẩm” đó là tâm trạng chung của hầu hết những hộ dân sống ven theo Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A là công trình trọng điểm Quốc gia, có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan trong quá trình thi công và khi công trình hoàn thành đem vào sử dụng đã nảy sinh những hệ lụy khiến người dân sống ven tuyến đường này phải gánh chịu. Tầm nhìn khởi đăng một số bài viết xung quan vấn đề này |
Đường nâng cao nhà dân thành hầm, địa đạo
Nguyên nhân của tình trạng oái ăm trên là do trong quá trình thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A cốt nền của đường đã được nhà thầu nâng lên quá cao, trung bình từ 0,5 đến 0,7m, thậm chí có nhiều đoạn được nâng cao lên đến 1m. Điều này khiến cho nền nhà dân bị thấp sâu so với mặt đường và trong chốc lát biến thành những căn hầm, địa đạo. Không ít hộ dân sống trong nhà mà cứ ngỡ như sống trong hang, thậm chí có một số căn nhà mặt tiền phải chịu cảnh mặt đường cao gần bằng trần nhà.
Thực trạng trên ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của người dân hai bên đường, việc đi lại, sinh hoạt hết sức khó khăn, người dân phải sắm thang sắt, làm bậc thang đi xuống để vào nhà. Do độ chênh giữa nền nhà và mặt đường quá lớn nên việc đưa xe máy ra vào nhà thực sự là một cực hình, đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ.
Từ nhà cũ, nhà mới xây, biệt thự cho tới công sở đều trở nên lọt thỏm do đường được nâng quá cao. |
Được biết, hầu hết nhà ở khu vực này trước đây đều có nền ngang bằng hoặc cao hơn Quốc lộ 1A khoảng 0,1 đến 0,2m. Tuy nhiên, sau khi nâng đường nền nhà của dân lại thấp hơn đường trung bình từ 0,5 đến 0,7m. Mặt khác, do được xây dựng khá lâu nên nhà ở đây thường có trần khá thấp (khoảng 3m), nếu nâng nền nhà lên bằng hoặc cao hơn đường thì độ cao nhà chỉ còn 2m khiến nhiều hộ không thể sinh sống và sử dụng được.
Để nâng nền nhà lên bằng mặt đường, chỉ còn cách đập nhà làm mới, tốn rất nhiều tiền và không phải gia đình nào cũng có điều kiện để làm được. Điều đáng nói là không chỉ những căn nhà đã tồn tại từ lâu, mà ngay cả những nhà mới xây dựng trước thời điểm nâng cấp đường cũng rơi vào cảnh nhà thấp hơn đường. Chủ nhà đang đau đầu vì chưa biết cải tạo nhà kiểu nào.
Ông Bùi Đức Đính, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc cho biết: “Trước đây nền nhà gia đình ông cao ngang với mặt đường 1A nhưng giờ thì thấp hơn đường tới hơn nửa mét. Ông phải bỏ ra 5 triệu đồng để san mặt phía trước nhà cho cao bằng đường, còn nhà giờ nếu xây lại phải mất cả mấy trăm triệu, nhiều quá gia đình ông không kiếm đâu ra nên đành phải ở tạm nhà cũ”.
Còn anh Trần Văn Sơn, ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà lại chia sẽ: “Vợ chồng anh xây móng nhà trước khi đường được nâng nhưng may mắn vì chưa xây nhà chứ nếu không bây giờ cũng thấp hơn đường rồi. Tuy nhiên, việc đường được nâng lên quá cao khiến cho chi phí phát sinh mà vợ chồng anh bỏ ra để tiếp tục nâng cao phần móng cũng lên tới hơn 50 triệu đồng”.
Cơ cực chống ngập
Việc nâng đường quá cao không những mất mỹ quan đô thị, làm xấu các ngôi nhà, mà còn gây ngập nước nhà dân mỗi khi trời mưa. Để hạn chế nước bẩn cùng rác tràn vào nhà, nhiều gia đình đã có “sáng kiến” chống ngập bằng cách xây gờ trước cửa nhà hoặc xây tường bao xung quanh. Thế nhưng, do lượng nước từ trên quốc lộ chảy xuống quá nhiều nên bức tường nhỏ bé này cũng không thể giúp người dân tránh khỏi tình trạng ngập úng cục bộ.
Đường cao ngang cổng biến nhà dân thành hầm, địa đạo. |
Thực trạng trên khiến cho hàng ngàn hộ dân sống hai bên tuyến đường thực sự lo lắng bởi mỗi khi mưa lớn là mỗi lần người dân phải vắt chân lên cổ, cơ cực chống ngập cho căn nhà của mình. Nước ngập trong nhà không chỉ phải tát, dọn dẹp, vận chuyển, cứu vớt đồ đạc rất vất vả, mà nhiều thứ đồ dùng cũng bị hư hỏng theo. Việc chống ngập càng khó khăn hơn bội phần vào ban đêm, thời điểm thường xuất hiện những cơn mưa lớn.
Chị Lê Thị Nga, một người dân sống ven Quốc lộ 1A ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc tâm sự cùng chúng tôi: “Từ khi có đường mới để đi, bà con rất phấn khởi, nhưng lại khổ vì thường xuyên bị ngập úng. Mỗi khi có mưa lớn là nhà tôi ngập lên tới nửa mét, cả nhà nháo nhào lo cất dọn đồ đạc, di chuyển đàn gia súc, gia cầm, nhưng do không có chỗ thoát nên phải mất rất nhiều giờ sau nước mới rút hết. Nước rút xong để lại bùn đất, rác rưởi bốc mùi hôi thối gây mất vệ sinh, ruồi muỗi cũng xuất hiện nhiều hơn”.
Đồng thời, tình trạng ngập úng cũng khiến cho môi trường trở nên ẩm thấp và phát sinh nhiều căn bệnh ngoài da, nhất là bệnh chân, tay, miệng, vấn đề vệ sinh, sức khỏe của người già và các cháu nhỏ là điều rất đáng quan tâm.
Mặt khác, việc nâng cao đường cũng khiến hoạt động kinh doanh, buôn bán của hàng loạt ki ốt, cửa tiệm dọc tuyến đường gặp rất nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Đào chủ một quán giải khát ở xóm 3, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh buồn rầu nói: “Từ ngày đường nâng cao, quán chị thọt lõm, ẩm thấp nên buôn bán ế ẩm, thu nhập cũng không ổn định khiến đời sống gia đình chị gặp không ít khó khăn”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A nhằm mục đích nâng cao tốc độ khai thác nên phải tăng cường cường độ mặt đường (tăng mức độ chịu lực của nền đường). Tuy nhiên, giải pháp thi công được đưa ra là tận dụng, không cào bóc mặt đường cũ nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư. Do vậy, đã làm tăng cao độ mặt đường. Đồng thời, giải pháp thi công cũng thiên về việc tiết kiệm chi phí nên chưa thiết kế loại vật liệu đắt tiền để giảm được cao độ.
Người dân phải xây bậc thang để đi lên đường và xây tường bao quanh để chống nước tràn vào nhà. | ||
Những sinh hoạt tưởng như đơn giản thường ngày bỗng trở nên khó khăn, bất tiện. |
Vẫn biết rằng việc tiết kiệm chi phí trong xây dựng các công trình cơ bản là một việc đáng làm nhằm tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc tiết kiệm đó có thực sự đúng đắn hay không bởi khi đường làm xong cũng chính là lúc hàng ngàn hộ dân ven đường phải đối mặt với bài toán “tiền đâu?” để nâng nền, sửa chữa, cơi nới và thậm chí là xây mới lại nhà cửa. Không biết việc nâng cao cốt đường sẽ giúp Nhà nước tiết kiệm được bao nhiêu phần trăm chi phí nhưng hệ lụy cùng ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống của người dân ven đường thì đã quá rõ.
Có một thực tế là nếu người dân xây dựng sai, xâm hại các công trình công cộng thì bị xử phạt, buộc khôi phục lại hiện trang ban đầu, buộc bồi thường thì ngược lại, việc thi công các công trình xây dựng công cộng nếu gây thiệt hại cho người dân thì Nhà nước (do cơ quan chủ đại diện) cũng phải có nghĩa vụ bồi thường. Cụ thể trong trường hợp này, hành vi nâng cốt đường lên quá cao, không đồng bộ với các công trình hạ tầng kĩ thuật và điều kiện tự nhiên (cốt nền hiện hữu của nhà dân), rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật xây dựng và lỗi thuộc về chủ đầu tư dự án.
Mặc dù rất bức xúc và ngán ngẩm với cảnh “đường nổi nhà chìm” nhưng đa phần người dân đều nghĩ rằng công trình vì mục đích công cộng nên không ai kiện cáo hoặc ngại kiện cáo vì sợ khó được bồi thường.
Chính vì vậy nên họ phải “tự bơi”, tự lo cho mình dù lỗi không hề thuộc về họ.
(Còn tiếp)
Hải Long – Hà Vy