Hôm nay, đoàn giám sát của QH họp phiên thứ hai, nghe Chính phủ báo cáo và giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu |
Đánh giá về việc thực hiện tinh giản biên chế, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát dẫn chứng, biên chế tăng 20.400 người, bằng 0,57% chứ không phải giảm như đã đề ra từ nay đến 2021 giảm 10% (mỗi năm giảm từ 1 - 2%).
“Việc chi lương, quỹ lương cho biên chế năm 2015 là 405.000 tỷ đồng nhưng đến 2016 đã tăng lên 410.000 tỷ đồng, tăng 1,3%. Điều đó cho thấy chúng ta làm chưa hiệu quả, chưa có con số thuyết phục”, ông nói.
Người không làm được việc vẫn ở trong bộ máy
Thay mặt Chính phủ báo cáo với đoàn giám sát, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết có 11 địa phương gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số được giao.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Lý giải về việc tăng biên chế công chức, Chính phủ cho rằng do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp, huyện xã.
Theo nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, tinh giản biên chế thực tế rất khó, hầu như không cơ quan nào thực hiện được mà chủ yếu chỉ giải quyết cho những người đến tuổi nghỉ hưu.
“Những người không làm được việc vẫn ở trong bộ máy. Theo quy định, cứ 10 người nghỉ hưu được lấy 5 người thì 5 người ấy là đã chờ sẵn. Còn lại là đội ngũ đã lão hóa, cứ sống lâu lên lão làng, không thay đổi được. Không chuyển hóa được thì bộ máy lão hóa, không hiệu lực, hiệu quả”, ông nhận định.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng Nghị định 108 quy định về điều kiện tinh giản biên chế là chưa hợp lý, trong đó chủ yếu là người đủ tuổi về hưu, còn những người làm việc không hiệu quả, không có kỷ luật kỷ cương thì không thể giảm được.
“Cuối cùng chúng ta vẫn giữ lại trong bộ máy một bộ phận người làm việc chưa hiệu quả, chưa đảm bảo tiêu chuẩn, chức năng, điều kiện trình độ của cán bộ, công chức”, Phó Chủ tịch QH nói đây là điều "đáng suy nghĩ".
Cấp phó còn vượt so với quy định
Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 có 30 cơ quan, gồm 22 bộ ngành; 8 cơ quan trực thuộc. So với Chính phủ khóa trước giảm 8 đầu mối.
Trong nhiệm kỳ 2011-2016 và từ tháng 8/2016 đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, tổ chức bộ máy giữ ổn định.
Các cơ quan chuyên môn ở địa phương được sắp xếp, tổ chức lại phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và theo xu hướng thu gọn đầu mối, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết, số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt so với quy định. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, ngành vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian…
Cụ thể ở bảng dưới đây, có thể thấy, bình quân số thứ trưởng từ tháng 8-12/2016 là 4,82, giảm so với con số 5,55 của trước tháng 7/2011.
Tuy nhiên, số phó tổng cục trưởng và tương đương bình quân tăng từ 2,78 năm 2011 lên 3,22 năm 2016. Số phó cục, vụ trưởng thuộc tổng cục cũng tăng.
Bình quân số lượng cấp phó trong bộ máy hành chính |
Phó Chủ tịch QH cho biết qua làm việc với 15 bộ, ngành và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, đoàn giám sát nhận thấy tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước còn cồng kềnh, tầng nấc, chưa thực sự tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả.
Một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan còn có sự giao thoa, chồng chéo, bỏ trống, chưa thực sự hợp lý.
“Nếu nhìn vào phụ lục báo cáo số lượng cấp phó lãnh đạo không có gì vượt quá tổng chung nhưng đi vào cụ thể ở bộ, ngành, địa phương thì có chỗ này chưa nhất quán. Cũng có nơi này, nơi kia do hoàn cảnh từ việc sắp xếp, luân chuyển, điều động có thể con số cấp phó rất khác nhau”, ông Lưu nói.
Theo ông, để tinh gọn bộ máy và biên chế phải có cách nhìn, quan điểm nhất quán, tổng thể. Nhìn từ góc độ đổi mới cả hệ thống chính trị và từ quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường và vai trò của xã hội, từ đó mới tiếp tục sắp xếp, kiện toàn được bộ máy hành chính nhà nước.
“Có nhất thiết việc gì cơ quan quản lý nhà nước, ủy ban, các bộ, ngành đều phải trực tiếp tham gia không”, ông đặt vấn đề và gợi ý có những việc phải chuyển ra cho khu vực xã hội, tư nhân, đẩy mạnh xã hội hóa, có thể tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở những nơi mà đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện.
Hoặc thực hiện cơ chế một người có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí, chức danh và khoán chi hành chính, khoán chi biên chế.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet