Pháp luật

Hình phạt cho kẻ sát hại bà lái đò đơn thân

Sau khi nắm rõ quy luật sinh hoạt của bà lái đò đơn thân, Trần Tam đã ra tay sát hại nạn nhân, cướp tiền, vàng rồi bỏ trốn.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh T, sau một thời gian theo dõi, nắm bắt quy luật sinh hoạt của bà Phạm Thị Kh. (SN 1970, ngụ xã T, TP.M, tỉnh T), biết bà này chỉ sống một mình, ngày 28/5, Trần Tam (35 tuổi, quê TP.M, tỉnh T) đã vờ thuê bà này chở mình qua sông. Lợi dụng lúc bà Kh. mải chèo đò, Tam đã xuống tay sát hại nạn nhân. Gây án xong, Tam lục lọi đồ đạc của nạn nhân, cướp đi toàn bộ tài sản gồm 25 chỉ vàng 18k, 10 chỉ vàng 24k, 4 điện thoại di động cùng một số tiền mặt…Sau đó Tam bỏ trốn cho đến khi bị cơ quan công an tỉnh T bắt giữ.

Tại cơ quan công an, Tam đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Kết luận giám định cho thấy nạn nhân chết do mất máu cấp, trên người có người vết thương do bị tấn công bằng dao. Số tài sản bị cướp được định giá là 52 triệu đồng.

Căn cứ kết quả điều tra, VKS quyết định truy tố Trần Tam về các tội Giết người theo quy định tại điểm g (Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác) khoản 1 Điều 123 BLHS; Cướp tài sản theo quy định tại điểm đ (chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng) khoản 2 Điều 168 BLHS.

Ngày 8/7, TAND tỉnh T mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này. Thành phần tham dự phiên tòa gồm có chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Hoàng Công Thanh. Đại diện VKSND, ông Trần Văn Hưng. Luật sư Nguyễn Thành, đoàn luật sư tỉnh T, bào chữa theo chỉ định cho bị cáo Trần Tam. Luật sư Hoàng Bích Hải, đoàn luật sư tỉnh T, bảo vệ quyền lợi cho gia đình bà Kh. Đại diện gia đình nạn nhân, vợ, mẹ bị cáo Tam.

Biết chủ đò sống đơn thân, Tam đã sát hại rồi cướp tài sản (ảnh minh hoạ)

VKS: Bị cáo ra tay quá máu lạnh

Tại cơ quan điều tra, Tam khai nhận chỉ vì không có tiền tiêu xài nên bị cáo đã lên kế hoạch đi cướp tài sản của người khác. Một lần đang ngồi uống nước gần bến đò, Tam thấy bà Kh. có nhiều tài sản giá trị. Sau mấy ngày quan sát, theo dõi, biết nạn nhân chỉ sống một mình trên đò, bị cáo quyết định sẽ ra tay vào ngày 28/5. Hôm đó, chờ lúc vắng người, Tam nói bà Kh. chở mình qua sông. Lợi dụng lúc bà Kh. đang mải chèo đò, bị cáo đã dùng dao tấn công nạn nhân. Khi biết chắc bà Kh. đã chết, bị cáo bình tĩnh lấy tiền, vàng, điện thoại của nạn nhân.

Gây án xong, Tam thuê đò lên bờ ở phường 1 (TP.M) rồi bắt xe ôm đến ngã ba T. Tại đây, hắn thuê taxi chở đến xã T (TP.V) để vào quán ăn cơm, uống nước. Ăn xong, hắn thuê xe di chuyển từ TP.V đến TP.C. Dừng chân ở quận N (TP.C), Tam hỏi thuê khách sạn nghỉ ngơi. Sau đó, hắn đi bán vàng rồi vào tiệm mát xa để thư giãn trước khi quay về tỉnh T và bị bắt.

Với hành động giết người dã man, đi lại ung dung cho thấy, Tam là kẻ máu lạnh, gây án táo tợn. Không chỉ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác, bị cáo còn giết người không ghê tay.

Phạm nhiều tội danh, có 2 tình tiết tăng nặng định khung, VKS đề nghị áp dụng mức án cao nhất là tử hình đối với bị cáo Trần Tam về tội Giết người; 15 năm tù về tội Cướp tài sản.

Bị cáo: Tôi chỉ muốn lấy được tài sản

Thưa quý tòa, lúc đầu tôi không muốn giết hại bà Kh. mà chỉ muốn lấy được tiền, vàng của bà này. Tuy nhiên, để lấy được tài sản mà nạn nhân không chống cự là điều rất khó. Do vậy tôi đã dùng dao, định đe dọa bà này. Thế nhưng bà ấy phản ứng dữ quá, trong lúc giằng co, bị cáo đã khiến bà Kh. thiệt mạng. Khi biết nạn nhân đã chết, bị cáo ngồi trên đò định thần một lúc rồi mới lấy tài sản. Bị cáo nghĩ nạn nhân chỉ có một mình nên dù bà này có mất tích nhiều ngày cũng chẳng ai quan tâm. Do đó, trước khi rời khỏi hiện trường, bị cáo đã đẩy chiếc đò của bà này ra xa để nó tự trôi trên sông. Bị cáo nghĩ rằng mình không để lại dấu vết gì thì cơ quan công an sẽ không tìm ra mình. Thế mà họ vẫn tìm ra bị cáo.

Về số tiền, vàng cướp được, bị cáo đã bán lấy tiền tiêu xài hết. Bị cáo biết tội của mình rồi, giờ bị cáo chỉ xin HĐXX cho bị cáo một cơ hội để sửa sai.

Đại diện gia đình bị hại: Trả lại người thân cho chúng tôi

Kính thưa HĐXX, khi nhận được tin mẹ bị sát hại, chúng tôi như chết đứng. Khi đến hiện trường, nhìn mẹ nằm đó với nhiều thương tích, chúng tôi đau đớn vô cùng. Trong suốt những ngày chưa bắt được hung thủ, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa. Thương mẹ, căm phẫn kẻ thủ ác, chúng tôi từng ngày, từng giờ mong ngóng, đợi tin tức của cơ quan điều tra. Chỉ đến khi cơ quan công an thông báo đã bắt giữ được hung thủ, chúng tôi như mới trút được gánh nặng trong lòng.

Chỉ vì một chút lòng tham mà bị cáo đã xuống tay với mẹ tôi. Tài sản mất đi có thể kiếm lại được, nhưng làm sao mẹ sống lại được đây?

Hành vi của bị cáo không chỉ tàn ác, nhẫn tâm mà còn mất hết tính người. Sau khi giết hại mẹ tôi, hắn còn ung dung đi lại khắp các tỉnh thành như người đi du lịch. Với những kẻ máu lạnh như thế, làm sao mà cải tạo được? Chúng tôi nghĩ kể cả có xử tử hắn hàng trăm lần cũng vẫn chưa tương xứng với tội ác mà hắn đã gây ra.

Luật sư bào chữa cho bị cáo: Nếu xử bị cáo tội chết thì bị cáo cũng không thể bồi thường

Kính thưa HĐXX, do bị cáo không mời luật sư nên tòa án đã chỉ định tôi làm người bào chữa cho bị cáo. Nghiên cứu hồ sơ vụ án, tiếp xúc với thân chủ tại trại tạm giam, tôi nhận thấy việc VKS truy tố bị cáo là hoàn toàn chính xác, không oan. Do vậy tôi nêu ra đây những tình tiết có thể giúp giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ mình. Trước khi gây án, bị cáo chưa có tiền án, tiền sự. Gia cảnh của bị cáo cũng khá éo le, cha mất sớm, mẹ già, bị cáo là con trai duy nhất. Bị cáo đã lấy vợ, có con nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Cũng vì chán cuộc sống gia đình nên bị cáo thường xuyên đi lang thang khắp nơi, ít khi về nhà. Sau khi bị bắt, bị cáo đã thành khẩn khai nhận tội lỗi, cố tác động gia đình khắc phục một phần hậu quả nhưng vì nhà bị cáo quá nghèo nên không có tiền để bồi thường cho gia đình nạn nhân. Các cụ có câu “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, nếu bây giờ xử bị cáo tội chết thì bị cáo cũng không còn cơ hội làm lụng để lấy tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân. Mong HĐXX xem xét.

Luật sư bảo vệ bị hại:

Thưa quý tòa, tôi không đồng ý với quan điểm của vị luật sư đồng nghiệp khi cho rằng nên cho bị cáo cơ hội sống để sửa sai, để kiếm tiền bồi thường cho gia đình bị hại. Với một kẻ máu lạnh như bị cáo, ai dám đảm bảo là nếu còn sống, bị cáo sẽ không tái phạm tội? Hơn nữa, yếu tố nhà nghèo, con một…cũng không phải là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Với tội ác bị cáo đã gây ra, tôi cho rằng mức án mà đại diện VKS vừa đề nghị áp dụng là hoàn toàn chính xác, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Ngoài ra, tôi yêu cầu HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân toàn bộ số tiền, vàng đã cướp đi, tiền tổn thất tinh thần, tiền thu nhập bị mất, tiền mai táng phí… Tổng cộng là 500 triệu đồng.

HĐXX: Pháp luật luôn đảm bảo sự công bằng

Căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai nhận tội của bị cáo, của các nhân chứng…, HĐXX nhận thấy việc VKS truy tố bị cáo về 2 tội danh Giết người, Cướp tài sản là hoàn toàn chính xác, không oan. Bị cáo là kẻ ma mãnh, hung tợn và tinh vi. Cách bị cáo ra tay sát hại nạn nhân cũng rất bài bản, thể hiện sự tính toán kỹ lưỡng, có chuẩn bị từ trước. Không chỉ coi thường pháp luật, xem thường tính mạng người khác, bị cáo còn khiến dư luận xã hội căm phẫn, lên án.

Sau khi xem xét, HĐXX nhận thấy những tình tiết mà luật sư bào chữa cho bị cáo không phải là tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Do vậy, áp dụng điểm g khoản 1 Điều 123, điểm đ khoản 2 Điều 168 BLHS, tuyên phạt bị cáo Trần Tam tử hình về tội Giết người, 15 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hợp hình phạt mà bị cáo phải chấp hành là tử hình. Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 450 triệu đồng gồm tài sản bị mất, tiền thu nhập, tiền tổn thất tinh thần, mai táng phí.

Bị cáo, gia đình bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.

Tác giả: Ánh Dương

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: hình phạt , sát hại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP