Đập Khe Su nằm trong thung lũng được bao quanh bởi rú (núi): Nhà Chàng, Trèo Mằng, Mồng Gà, Chàng Ba, Khe Loòng. Ba dòng suối Chàng Ba, Khe Điếc và Khe Khắm chảy vào luôn giữ cho đập Khe Su lúc nào cũng đầy nước. Vào mùa hè, hàng trăm hộ dân trong vùng vẫn đến đây tắm, giặt. Đây cũng là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho các cánh đồng của xã Sơn Bình, một phần của xã Sơn Trà (Hương Sơn).
Rú Trèo Mằng đang bị “xẻ thịt” nham nhở. |
Thế nhưng, thời gian gần đây, ở khu vực này đang diễn ra tình trạng khai thác đất, đá, quặng một cách vô tội vạ của Công ty Phú Lộc An. Hơn một năm qua, hằng ngày, tại chân rú Khe Loòng, thường xuyên có 4-5 chiếc xe ben trọng tải lớn nối đuôi nhau chờ xe xúc múc đất, đá chở đi. Chân núi đã bị khoét sâu vào hàng trăm mét, khiến một diện tích không nhỏ rừng thông, bạch đàn, keo bị đốn bỏ. Do việc khai thác đất, đá không theo quy hoạch nên đã khiến dòng chảy các dòng suối Chàng Ba và Khe Điếc chảy vào đập Khe Su bị chặn lại. Trong khi đó, hầu như toàn bộ các hộ dân của xóm 5, xã Sơn Bình đều phải lấy nước từ hai con suối này. Mặt khác, ông Lê Ninh ở xóm 5 cho rằng, chính xe ben có trọng tải lớn chở đất đá ở khu vực Khe Loòng chạy qua đã làm rơi ngói, tường nhà ông và tường rào của ông Phan Ngọc Thắng bị nứt. Vì vậy, hai ông đã làm đơn gửi Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn đề nghị có biện pháp giải quyết. Ngày 7-8-2014, UBND huyện Hương Sơn có công văn chuyển UBND xã Sơn Bình yêu cầu kiểm tra, xử lý. Thế nhưng việc giải quyết chưa thật thấu đáo, nên hai gia đình này vẫn tiếp tục khiếu kiện…
Cách đó không xa, tại rú Trèo Mằng (nơi giáp ranh giữa xã Sơn Trà và xã Sơn Bình), Công ty Vạn Xuân cũng đang khai thác quặng. Cả ngọn núi sừng sững bị máy xúc cùng hàng chục công nhân ngày, đêm đào bới. Đứng xa hàng chục ki-lô-mét vẫn trông thấy nham nhở một màu vàng của đất…
Còn tại rú Nhà Chàng, Công ty Phú Lộc An đã san ủi lưng chừng núi (dưới chân núi là đập Khe Su) để làm đường cho xe vào Khe Loòng chở đất. Khi con đường này mở ra, một số hộ dân, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Hường ở xóm 5 đã cho người đến múc đất phía sau chân núi Nhà Chàng để bán, đồng thời mở rộng diện tích vườn.
Việc khai thác đất, đá và quặng tại khu vực quanh đập Khe Su đã và đang để lại hệ lụy rất lớn, tác động xấu đến môi trường sống của người dân trên địa bàn. Đó là hiện tượng dòng chảy của các con suối vào đập bị chặn; vào mùa mưa, đất, đá trên núi chảy xuống bồi lấp lòng đập. Đặc biệt, hệ thống rừng phòng hộ Mồng Gà bị xâm hại nghiêm trọng. Hiện tại, núi Mồng Gà từ phía sau xã Ân Phú (Vũ Quang) vòng qua xã Sơn Trà đến sát núi Trèo Mằng đã bị đốt cháy gần như toàn bộ. Bà Nguyễn Thị Thìn, người dân ở xóm 5, bức xúc: “Nhìn những cánh rừng phòng hộ bị phá, đập nước trơ đáy, chúng tôi xót xa lắm. Giếng của hầu hết các hộ dân trên địa bàn cũng trong tình trạng cạn trơ đáy vì phụ thuộc vào mạch nước của đập Khe Su… Nhiều lần họp xóm chúng tôi đã kiến nghị nhưng chưa thấy cơ quan chức năng giải quyết”.
Trước tình trạng khai thác đất, đá, quặng trái phép, xâm hại rừng phòng hộ diễn ra công khai, nhưng ông Cù Xuân Điền, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, vẫn giải thích: “Đập Khe Su hiện nay không có nước là do địa phương có chủ trương tháo từ hồi tháng 5 để sửa chữa thân đê bị mối đục. Việc khai thác tài nguyên gây ảnh hưởng đến nguồn nước; một số diện tích rừng bị tàn phá, UBND xã và các cơ quan chức năng đã biết và đang giải quyết; tuy nhiên, sự việc không đến nỗi nghiêm trọng như người dân phản ảnh!”.
Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, làm rõ và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để tình trạng nêu trên kéo dài.
Bài và ảnh: PHAN PHAN