Thế giới

Hé lộ lực lượng bí mật của Ấn Độ vừa tham chiến với Trung Quốc

Trong cuộc giao tranh với Trung Quốc cuối tuần trước,quân đội Ấn Độ đã điều động một lực lượng bí mật chưa từng được điều động đến khu vực này.

Binh sĩ Ấn Độ canh gác ở một chốt trên đường cao tốc dẫn đến khu vực Ladakh - Ảnh: EPA

Đầu tuần này, Tenzin Thardoe làm công việc như thường lệ khi tin đồn về một vụ đụng độ khác giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya xuất hiện, lần này là gần hồ Pangong Tso thuộc cao nguyên Ladakh.

Thardoe ở cách xa chỗ đó đến 2.000km, trong khu định cư Norgyeling dành cho người tị nạn Tây Tạng ở bang Maharashtra miền trung Ấn Độ. Khi tin tức được xác nhận, bao ký ức ùa về trong tâm trí người cựu binh 33 tuổi về khoảng thời gian phục vụ trong Lực lượng đặc nhiệm biên phòng (SFF) Ấn Độ.

Chính giới Ấn chưa từng chính thức xác nhận sự tồn tại của SFF, nhưng đơn vị bán quân sự bí mật này được cho là đóng vai trò lớn trong chiến dịch "phá âm mưu Trung Quốc" - theo cách gọi của quân đội Ấn - trong đêm 29-8 vừa qua.

Sự xuất hiện lần đầu tiên của SFF đánh dấu một bước ngoặt chưa từng có.

Bản đồ đường biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc (màu vàng là vùng tranh chấp, đường màu đỏ là biên giới kiểm soát thực tế) - Ảnh: SCMP


"Cơ hội đánh nhau với Trung Quốc"

Đã gần 4 tháng qua, hàng ngàn binh sĩ Ấn, Trung Quốc mắc kẹt trong thế giằng co tại nhiều vị trí dọc đường biên giới không phân định (LAC) giữa hai nước.

Trong vụ đụng độ mới nhất, nguồn tin quân sự tiết lộ New Delhi đã điều quân khẩn cấp giữ các cao điểm và thực thể khi họ thấy Trung Quốc triển khai lính và pháo binh. Các nhà phân tích nói chiến dịch này đã giúp quân đội Ấn nắm thế chủ động trong phòng thủ, mặc dù phía Trung Quốc phủ nhận, nói lính Ấn xâm phạm trước.

Thardoe không giấu được cảm xúc khi nghe lực lượng SFF được triển khai. Anh lập tức gọi điện cho cậu em trai đang phục vụ trong một đơn vị SFF đóng ở đông bắc Ấn Độ. "Nó nói mọi người trong đơn vị đều phấn khích", anh kể lại.

"Phấn khích" là tâm trạng chung của cộng đồng người tị nạn Tây Tạng. Trong nhiều thập kỷ, New Delhi kín miệng về sự tồn tại của SFF vì lực lượng này gồm chủ yếu người Tây Tạng chạy từ Trung Quốc, nhưng vụ đụng độ đêm thứ bảy tuần trước ít nhiều đã hé lộ sự thật.

"Hầu hết người Tây Tạng chúng tôi tham gia SFF vì đây là cơ hội duy nhất chiến đấu với Trung Quốc", cựu binh Thardoe cho biết.

Trung Quốc, thật ra mà nói, cũng là một phần nguyên nhân SFF được thành lập. Dù không có nhiều tài liệu chính thức, giới nghiên cứu tin rằng lực lượng này có thể được thành lập sau cuộc chiến tranh năm 1962 giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Một học giả (giấu tên) thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi) giải thích thêm: "Thất bại trong cuộc chiến khiến Chính phủ Ấn nhận ra họ không thông thạo địa hình vùng Tây Tạng dọc biên giới với Trung Quốc, họ cũng không có kinh nghiệm di chuyển ở độ cao lớn (độ cao 4.500m trở lên là bình thường ở cao nguyên Ladakh).

Trong cộng đồng người Tây Tạng tị nạn, có nhiều quân du kích từng chiến đấu với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong cuộc nổi dậy Tây Tạng năm 1959. Nhiều người trong số họ chạy đến Ấn Độ khi Đạt Lai Lạt Ma rời Tây Tạng. Chính phủ Ấn đã bắt tay với họ".

Lính bán quân sự Ấn Độ canh gác trên đường cao tốc Srinagar-Ladakh - Ảnh: SCMP


Cuộc trốn chạy ngàn dặm

Sau cuộc nổi dậy 1959, gần 80.000 người Tây Tạng rời quê hương. Nhiều người, như ông nội của Thardoe, theo chân Đạt Lai Lạt Ma vượt dãy Himalaya đến Ấn Độ. Đó là cuộc hành trình hàng ngàn dặm trên đôi chân người.

Theo nhà báo - nhà làm phim Kalsang Rinchen, người từng làm bộ phim tài liệu về SFF hồi năm 2008, chính hành trình gian khổ đó và bi kịch phải ly hương là lý do khiến nhiều người Tây Tạng tham gia SFF.

"Người Tây Tạng bị ép rời quê hương bởi lực lượng Trung Quốc, nên họ xem đề nghị (của Ấn Độ) là một cơ hội chiến đấu với kẻ thù. Tôi nghĩ phần lớn họ gia nhập SFF vì người ta nói nó được thành lập để đối đầu Trung Quốc", ông Rinchen giải thích.

Nhưng sự thật sau đó không hẳn vậy. Nhiều cựu binh kể lại SFF - khởi đầu với một tiểu đoàn, bây giờ đã là 7 với gần 5.000 lính - chưa từng được điều đến biên giới với Trung Quốc trước đây (cho đến cuối tuần trước). Ấn Độ có vẻ do dự.

"Tôi nghĩ người ta sợ dân Tây Tạng chúng tôi quá ám ảnh về điều này, chúng tôi có thể không kiểm soát được cảm xúc nếu một cuộc đối đầu nổ ra", ông Tenzin Tsering, cựu binh SFF 40 tuổi vừa xuất ngũ năm 2019, nêu nhận xét.

Thay vào đó, SFF được điều động trong các chiến dịch khác, ví dụ cuộc chiến năm 1971 giữa Ấn Độ với Pakistan dẫn đến sự hình thành nhà nước Bangladesh, hoặc cuộc chiến năm 1999...

Các học giả Ấn Độ cho rằng cũng vì sự bất mãn (không được đánh nhau với Trung Quốc), dòng người Tây Tạng tham gia SFF cũng giảm theo thời gian, trừ lý do vì một công việc ổn định nuôi gia đình.

Dân số Tây Tạng ở Ấn Độ giảm từ 150.000 năm 2011 xuống còn 85.000 năm 2018. Nhiều người di cư đến các nước phương Tây, hoặc chọn cách nhập tịch Ấn Độ để có một cuộc sống ổn định hơn.

Nhưng có vẻ vụ đụng độ đêm thứ bảy 29-8 giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể thay đổi tất cả trong thời gian tới.

"Tôi có thể cảm nhận sự phấn khích của đám con trai trong cộng đồng. Nhiều người nói đây là thời điểm đúng để tham gia SFF. Tôi ước gì họ gọi tôi trở lại quân ngũ. Tôi đã sẵn sàng", Thardoe nói chắc nịch.

Tác giả: PHÚC LONG

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP