Thế giới

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu 3 bước đối phó quân đội Trung Quốc

Bộ trưởng Mỹ cảnh báo nếu để quân đội Trung Quốc mạnh hơn nữa, trật tự quốc tế sẽ bị Bắc Kinh tái lập theo hướng phá hoại tất cả các quy tắc đã được chấp nhận toàn cầu, chủ quyền những nước nhỏ sẽ bị chèn ép và xâm phạm.

Quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễu binh - Ảnh chụp màn hình báo WSJ

Trong bài xã luận trên nhật báo Wall Street Journal ngày 24-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã xác định ngay từ đầu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) không phải là một đội quân bảo vệ quốc gia như các lực lượng vũ trang Mỹ.

Bộ trưởng Mỹ lập luận việc chính quyền Trung Quốc dành nhiều nguồn lực cho PLA và thắt chặt kiểm soát cho thấy "các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi quân đội là trung tâm để đạt được các mục tiêu của họ".

Nổi bật trong các mục tiêu này là tái định hình trật tự quốc tế "theo cách phá hoại các quy tắc được chấp nhận trên toàn cầu và bình thường hóa chủ nghĩa chuyên chế". Quân đội Trung Quốc sẽ tạo ra các điều kiện cho phép Bắc Kinh cưỡng ép và xâm phạm chủ quyền của nước khác.

"PLA là một công cụ trung thành của chính quyền Trung Quốc. Do đó, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia kiểm tra và xem xét cắt giảm mối quan hệ với PLA để đảm bảo rằng không giúp thúc đẩy chương trình nghị sự sai trái của Trung Quốc", bộ trưởng quốc phòng Mỹ viết.

Theo ông Esper, thế giới cần phải chú ý tới quá trình hiện đại hóa của PLA và chuẩn bị sẵn sàng "cách hóa giải".

"PLA đã công khai ý định hoàn thành hiện đại hóa quân đội vào năm 2035 và trở thành lực lượng đẳng cấp thế giới vào năm 2049. Kế hoạch hiện đại hóa toàn diện của họ bao gồm một kho vũ khí tên lửa thông thường mạnh mẽ cùng với một loạt khả năng tác chiến điện tử, không gian mạng tiên tiến bên cạnh trí tuệ nhân tạo", ông Esper chỉ ra.

Tiêm kích J-10 của Trung Quốc trong một buổi huấn luyện ban đêm - Ảnh: Chinamil


Chiến lược đối phó của Mỹ

Để đối phó với PLA, ông Esper đã vạch ra chiến lược gồm 3 bước quân đội Mỹ cần làm:

Thứ nhất, xây dựng lực lượng mạnh đủ khả năng cạnh tranh, răn đe và chiến thắng ở tất cả mặt trận: trên không, trên bộ, trên biển, ngoài vũ trụ và không gian mạng.

"Lầu Năm Góc đang đầu tư vào cả các năng lực quy ước tiên tiến và các công nghệ thay đổi cuộc chơi như vũ khí siêu thanh, liên lạc 5G, phòng không và chống tên lửa tích hợp, trí tuệ nhân tạo,...", ông Esper liệt kê ra.

Thứ hai, mở rộng và củng cố mạng lưới đồng minh - đối tác của Mỹ để tạo ra lợi thế mà các đối thủ sẽ không thể có được.

"Trong khi PLA tiếp tục các hành vi gây hấn đối với các nước láng giềng trong khu vực, chẳng hạn như đâm chìm tàu ​​cá Việt Nam, quấy rối hoạt động phát triển dầu khí của Malaysia và khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật, các lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác lâu dài và bảo vệ quyền lợi của tất cả các nước", bộ trưởng Mỹ nêu rõ.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng năng lực cho các đối tác của Mỹ trên toàn cầu để "giảm mức độ dễ bị tổn thương của những nước này trước hành vi của Trung Quốc".

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh "Washington kiên định trong việc sát cánh cùng các đồng minh và đối tác chống lại sự bắt nạt của Bắc Kinh, ủng hộ chủ quyền của tất cả các quốc gia và bảo vệ hệ thống quốc tế tự do và cởi mở".

Tuy nhiên, ông Esper cũng thừa nhận "Mỹ không thể một mình gánh vác gánh nặng này. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các đồng minh chia sẻ gánh nặng với Mỹ một cách công bằng và bình đẳng như những đối tác thực sự".

Dự kiến bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ đến Hawaii, Palau và Guam trong tuần này để gặp các quan chức cấp cao của khu vực. Nổi bật trong số này là cuộc gặp giữa ông Esper và người đồng cấp Nhật Bản ngày 29-8.

Theo giới quan sát, kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung tới Nhật Bản có thể sẽ được thảo luận trong cuộc gặp lần này. Nếu kế hoạch này được hiện thực hóa, Trung Quốc chắc chắn sẽ tức giận và tìm cách trả đũa Mỹ lẫn Nhật Bản.

Tác giả: BẢO DUY

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP