Những ngày qua, bức ảnh bà cụ lưng còng, tóc bạc trắng lần đầu tiên chống gậy đến nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) viếng mộ con trai khiến bao người rơi nước mắt.
Người mẹ trong bức ảnh ấy là cụ Hoàng Thị Tề (93 tuổi, ở thôn Đồng Nhật, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) - mẹ liệt sĩ Trần Văn Hanh (chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 818, Sư đoàn 314) hy sinh ngày 14/7/1984, tại mặt trận Vị Xuyên.
Hình ảnh xúc động về tình mẫu tử thúc giục chúng tôi tìm về nhà cụ Tề để gặp và nghe cụ chia sẻ về hành trình lần đầu tiên lên thăm mộ con cũng là ước mơ cả đời của cụ.
Cụ Hoàng Thị Tề và cô con gái đầu bên phần mộ liệt sĩ Trần Văn Hanh. (Ảnh: gia đình cung cấp) |
Nơi cụ Tề ở là một căn nhà sàn đơn sơ, vừa được sửa sang nhờ sự giúp đỡ từ ngân sách Nhà nước. Ngôi nhà nhỏ nằm ở đầu thôn Đồng Nhật, được bao bọc xung quanh bởi những quả đồi keo bóng mát, xen lẫn giữa những cánh đồng xanh mơn mởn, không khí trong lành, mát mẻ.
Lúc chúng tôi đến, cụ Tề đang ngồi ăn trầu ở hiên nhà sàn. Ở cái tuổi 93, lưng cụ Tề đã còng, tai đã nặng, đi lại khó khăn. Cụ cũng rất kiệm lời.
Tiếp chúng tôi là ông Trần Đức Mạn (59 tuổi), người con trai đầu của cụ Tề. Nhâm nhi ly nước mời khách, ông Trần Đức Mạn kể: "Từ lâu, mẹ tôi vẫn bày tỏ ý nguyện, mong được một lần lên viếng mộ em trai tôi đang yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Thế nhưng, một phần vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, phần nữa là do lo ngại sức khỏe của mẹ nên suốt nhiều năm anh em chúng tôi vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện của mẹ.
Mẹ tôi nay già yếu, nặng tai, mắt kém dần và rất ít nói. Đến dịp 27/7, như linh tính mách bảo, bà đi ra đi vào, ngồi trầm tư một mình quanh các góc nhà.
Một hôm, thấy bà ngồi vậy, con trai tôi đi làm đồng về hỏi “Bà có chuyện gì mà ngồi đây”. Bà nói: “Bà có ý nguyện muốn được lên thăm mộ chú một lần cho toại nguyện và sợ rằng đến khi nằm xuống mãi mãi không được tới thăm mộ chú”, ông Trần Đức Mạn kể.
Ông Trần Đức Mạn kể về hành trình đưa cụ Tề lên thăm mộ con trai. |
gia đình ông Mạn đắn đo rất nhiều, lo lắng cho sức khoẻ của cụ Tề. Tuy nhiên, sau khi họp bàn, gia đình ông Mạn quyết định thực hiện mong mỏi đau đáu của cụ Tề. Vậy là sáng 26/7, gia đình ông Mạn thuê một xe ô tô 16 chỗ ngồi lên nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Trên chuyến xe ấy ngoài các con cháu, có cả cụ Tề.
Quãng đường 120km từ Tuyên Quang lên Hà Giang không phải quá xa nhưng là cả hành trình mơ ước của người mẹ liệt sĩ suốt 35 năm chưa một lần được viếng mộ con.
"Khi lên đến nơi, mẹ tôi ôm lấy bia mộ em tôi và khóc rất nhiều. Đó là những giọt nước mắt thương xót, cảm thương hoà cùng niềm hạnh phúc của người mẹ khi lần đầu được biết phần mộ con mình sau 35 năm kể từ ngày con hy sinh”, ông Trần Đức Mạn mắt ngấn lệ chia sẻ giây phút xúc động, hạnh phúc của mẹ mình khi lần đầu tiên nhìn thấy phần mộ con trai.
Nói về cảm xúc của cụ Tề sau khi thực hiện tâm nguyện được một lần lên thăm mộ con trai, ông Mạn cho hay: “Trước khi quyết định đưa mẹ vượt hơn 120km lên nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, gia đình tôi cũng lo lắng không biết sức khỏe bà có đảm bảo không. Nhưng trong hành trình chuyến đi và khi về đến nhà, mẹ vẫn rất vui vẻ, dường như trên nét mặt của mẹ không cho thấy sự mệt mỏi.
Cả nhà tôi nghĩ chắc bà thực hiện được tâm nguyện cuộc đời, được một lần chứng kiến tận mắt phần mộ nơi con trai mình yên nghỉ nên mẹ phấn khởi, quên hết mệt mỏi.
Sau chuyến đi, chúng tôi có hỏi mẹ đã thấy mãn nguyện chưa? Mẹ đáp mẹ toại nguyện rồi”.
Ngồi cạnh chúng tôi, dù chân tay đã yếu, nặng tai nhưng trí tuệ vẫn rất minh mẫn, cụ Tề nói xen vào câu chuyện: “Tôi mãn nguyện lắm rồi!”. Nói rồi người mẹ liệt sĩ nở nụ cười và ánh mắt hạnh phúc.
"Bao nhiêu năm rồi tôi không lên được. Nhớ con lắm. Tôi nhớ lắm. Nhớ mà chẳng biết làm thế nào được", cụ Tề nghẹn ngào nói tiếp rồi hướng ánh mắt nhìn ra ngoài xa xăm qua khung cửa. Đôi mắt của cụ ngấn lệ.
Cụ Hoàng Thị Tề mãn nguyện khi được thực hiện niềm mong mỏi suốt 35 năm qua là được một lần lên thăm mộ con. |
Tiếp câu chuyện, ông Mạn chia sẻ về sự vất vả, tần tảo, hy sinh cả cuộc đời của mẹ mình.
"Mẹ tôi sinh ra được 9 người con (3 trai, 6 gái) thì 5 cô đã mất khi còn nhỏ do bệnh tật, không có thuốc chữa trị. Cũng vì phải bươn chải, chịu đựng nhiều mất mát, đau thương như vậy nên thường ngày mẹ tôi rất ít nói, thường cam chịu một mình", ông Mạn kể rồi giở cho chúng tôi xem quyển lý lịch xin đi nghĩa vụ quân sự còn đang viết dở của em trai mình - liệt sĩ Trần Văn Hanh.
"Em trai tôi là người con thứ 3 trong gia đình, hy sinh ngày 14/7/1984. Khi đó, em là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 818, Sư đoàn 314.
Em trai tôi tính tình hiền lành và rất kiệm lời. Quá trình đi bộ đội em tôi về thăm gia đình 2 lần. Lần cuối cùng, em về dịp Tết 1983. Trước khi trở lại đơn vị, em mang những tấm hình cũ, đen trắng của mình đi, nói là để tặng các bạn làm kỷ niệm. Nó hy sinh trước ngày ra quân 2 tháng", con trai cả của cụ Tề rưng rưng nhớ lại.
Ngồi cạnh chồng, bà Vi Thị Thâm (vợ ông Mạn) kể thêm về kỷ niệm đáng nhớ của bà về liệt sĩ Trần Văn Hanh: “Trong lần chú Hanh được nghỉ phép về ăn Tết cùng gia đình thì không may hai cháu nhà tôi lại bị ốm, chú phải vất vả để trông cháu trong trạm y tế. Chú rất hiền và thương các cháu, hàng ngày vẫn mớm cơm cho các cháu ăn.
Từ ngày chú Hanh hy sinh, mẹ chồng tôi thương nhớ nhiều lắm. Cứ đến dịp 27/7, bà lại bồn chồn rồi nói muốn được một lần lên thăm mộ con trai. Anh em trong nhà tôi cũng đã bàn nhiều lần và lần này thấy sức khỏe của bà khá nên chúng tôi quyết định để bà lên thăm mộ chú một lần cho toại nguyện”.
Vợ chồng ông Mạn chia sẻ, trong những năm tới đây, nếu cụ Tề có đủ sức khỏe thì gia đình sẽ tiếp tục đưa cụ lên nghĩa trang Vị Xuyên vào dịp 27/7 để niềm mong mỏi, tâm nguyện lên thăm mộ con của cụ không chỉ thực hiện một lần mà còn nhiều lẫn nữa.
Tác giả: KÔNG ANH - HỮU DÁNH
Nguồn tin: Báo VTC News