Phóng sự - Ký sự

Hành trình kiếm tìm đồng đội Gạc Ma của cựu binh Lê Hữu Thảo

27 năm sau sự kiện ngày 14.3.1988  khiến 64 đồng đội của mình ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma (Trường Sa), cựu binh Lê Hữu Thảo (Phường Thạch Linh, Thành phố Hà Tĩnh) vẫn không nguôi day dứt, xúc động mỗi khi nhắc đến sự kiện lịch sử này. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng anh đã và đang tiếp tục hành trình đi tìm thân nhân liệt sỹ và đồng đội của mình trên chuyến tàu định mệnh. Đó như một “liều thuốc” giúp anh tìm bình yên trong cuộc sống, báo đáp nghĩa tình đồng đội sau trận hải chiến năm ấy.

Mong mỏi lớn nhất

Chúng tôi tới nhà của cựu binh Gạc Ma, Lê Hữu Thảo vào thời điểm sắp tới ngày kỉ niệm ngày quân đội nhân dân Việt Nam. Sau bao năm tháng phiêu bạt, làm đủ nghề để sống trong muôn vàn khó khăn, nay với sự giúp đỡ của cộng đồng, hiện anh và người vợ yêu đang sống hạnh phúc trong ngôi nhà đầy ắp nghĩa tình.

hatin24h
Thăm gia đình mẹ liệt sỹ Đào Kim Cương (Vượng Lộc, Can Lộc)

Cựu binh Lê Hữu Thảo là một trong những nhân chứng sống còn lại của trận chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988. Anh sinh ra tại xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh). Tháng 12/1986, anh nhập ngũ và được bố trí vào Lữ đoàn 147 Quân chủng Hải quân. Đầu năm 1988, anh được lệnh về tăng cường cho Lữ đoàn 146 đóng ở quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Ngày 11.3, đơn vị anh cùng một đại đội và một đơn vị công binh E83 nhận nhiệm vụ tại Trường Sa. Sau trận chiến vào ngày 14.3, 64 chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, anh là một trong những người sống sót trở về.

Chia sẻ với tôi trong căn nhà nhỏ vừa được xây dựng cách đây ít lâu, anh ngậm ngùi, xúc động khi kể về những chi tiết trong trận chiến năm ấy. Dù 27 năm đã trôi qua, bản thân cuộc sống của anh thăng trầm qua bao nhiêu tháng ngày, nhưng mỗi khi nhớ về đồng đội vẫn khiến anh day dứt khôn nguôi.

“Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn ấp ủ một mong muốn tìm lại được những đồng đội còn sống đã cùng mình chiến đấu năm xưa, mong muốn có thể liên hệ và thăm hỏi gia đình các anh em đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo đất nước. Đó là điều luôn thôi thúc, mong mỏi lớn nhất trong cuộc sống hiện tại của tôi”, anh Thảo tâm sự.

Từ năm 2013 đến nay, anh luôn không ngừng nghỉ trên hành trình tìm đồng đội trên chuyến tàu HQ 604 năm ấy.

 Thăm nhà cựu chiến binh Phạm Văn Trường (xã Sơn Long, Hương Sơn, Hà Tĩnh)

Anh kể, vào năm 2013, nhờ một nhóm phóng viên và bạn bè trên mạng xã hội, anh đã tìm được và vào Quảng Bình thăm gia đình liệt sỹ Trần Văn Phương (Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình). Trung úy Phương chính là người bị lính trung quốc bắn đầu tiên khi đang cầm giữ và bảo vệ lá cờ tổ quốc. Anh Thảo cùng các đồng đội còn sống sót đã đưa thi thể anh và những người bị thương khác lên chiếc xuồng chèo về phía đảo Cô Lin và được tàu HQ 505 cứu. Sau đó, anh cùng một đồng đội nữa đã canh giữ thi thể của anh Phương trên đảo suốt đêm. Đêm đó, họ cũng quyết định tháo chiếc nhẫn trên tay liệt sỹ Phương để đưa về cho gia đình.

“Khi biết tin tức về gia đình anh, tôi mong muốn được tới thăm. Một phần cũng muốn hỏi thăm về kỷ vật là chiếc nhẫn năm đó”, anh Thảo kể.

Anh cho biết, lúc tới gia đình anh Phương, được tự tay mình thắp nén hương trên nấm mộ của người đồng đội, anh đã vô cùng xúc động.

“Cảm giác lúc đó của tôi không thể nào tả được. Tôi cảm thấy mình như đang sống lại thời khắc lịch sử đau thương ấy…một cảm giác mơ hồ, mông lung, rất xúc động. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc…”, anh bùi ngùi nhớ lại.

Miệt mài hành trình kiếm tìm đồng đội

Bắt đầu từ chuyến thăm đầy ý nghĩa và nhiều cảm xúc đầu tiên đó, mong muốn và quyết tâm đi tìm đồng đội và thân nhân gia đình các liệt sỹ vốn đã manh nha từ trước nay dần lớn lên trong anh. Và cũng từ đó anh bắt đầu mở rộng các kênh liên lạc để kiếm tìm.

Sau khi báo chí đăng về cuộc viếng thăm ý nghĩa của anh, đã có thêm rất nhiều người kết nối để cho anh thêm thông tin về các gia đình liệt sỹ, chiến sỹ trận Gạc Ma vì biết được nguyện vọng của anh.

Đặc biệt, có một nhóm thanh niên tình nguyện ở Nghệ An đã liên hệ với anh và tình nguyện đưa anh đi đến tận nơi những gia đình đó.

 Anh Thảo tham gia thành lập ban liên lạc Cựu chiến binh Gạc Ma HQ-604

“Khi có được những thông tin quý giá mà mình mong mỏi bấy lâu nay, tôi đã đi bằng xe máy, đội mưa đội nắng đến thăm các gia đình bằng được. Thời điểm đó, tôi đã đến được 8 gia đình liệt sỹ ở Nghệ An và một số trường hợp khác”, anh tâm sự.

Sau đó, anh cũng lần lượt tìm được gia đình của ba liệt sỹ đã hi sinh trên địa bàn Hà Tĩnh: Liệt sỹ Nguyễn Văn Thành (xã Phương Điền, Hương Khê), Nguyễn Thanh Hải (Sơn Kim, Hương Sơn), Đào Kim Cương (Vượng Lộc, Can Lộc). Ngoài việc tìm đến thăm hỏi gia đình các liệt sỹ, anh cũng tìm cách liên lạc và tới thăm những người còn sống sót trở về.

Một trong những kỷ niệm của anh là khi liên hệ và gặp được người đồng đội Phạm Văn Trường (Hương Sơn).

“Trường đi làm ở tận Lào Cai. Tôi đã có số điện thoại và gọi cho anh ấy. Anh ấy rất muốn về, nhưng đau lòng là khi đó hoàn cảnh quá khó khăn,  Trường không hề có một “xu” nào, tới 10 ngàn đồng mua nước khoáng cũng không có nói gì đến việc có tiền mua vé xe về nhà. Tôi đã phải nhờ bạn bè để có tiền lo khâu xe cộ cho Trường về, đưa cho anh một ít tiền…tìm bằng mọi cách để anh em có thể được gặp mặt nhau. Lúc gặp cả hai mừng mừng tủi tủi…”, anh Thảo trầm ngâm tâm sự.

Ngoài ra, qua thông tin trên báo chí và mạng xã hội, anh cũng đã tìm gặp được 9 người lính công binh và hải đồ đã từng bị lính Trung Quốc bắt giữ làm tù binh trong trận chiến năm đó. Đa phần những người từng là tù binh đều là người Quảng Bình (5 người Quảng Bình, 1 người Đà Nẵng, 1 người Quy Nhơn, 1 người Thanh Hóa và một người ở Nam Định). Đặc biệt nhất là anh tìm được gia đình anh Nguyễn Văn Thống (thương binh ¼, Quảng Bình), là lính công binh đã bị Trung Quốc bắt giam 3 năm, 9 tháng mới được thả.

Anh Thảo thăm mộ liệt sỹ Trần Văn Phương (Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình)

Anh cho biết, đến nay anh và các đồng đội của mình đã tìm kiếm được thân nhân của 50 gia đình liệt sỹ (trên tổng số 64 liệt sỹ), và chỉ còn vài trường hợp các đồng đội còn sống sót năm ấy là chưa liên hệ được.

Trong những tháng ngày trên hành trình đó, có bất cứ chương trình nào chia sẽ thông tin, có điều kiện là anh lại khăn gói lên đường. Đặc biệt là nhờ có chương trình “Nghĩa tình Trường Sa” đã và đang tạo điều kiện cho anh, hỗ trợ anh rất nhiều trong quá trình thực hiện. Anh nhớ nhất là một chuyến đi dài ngày qua các địa phương vào năm 2014: “tôi đã đi từ Hà Tĩnh, ra Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng…và đến thăm được rất nhiều gia đình. Những chuyến đi này thực sự có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với tôi”, anh chia sẻ.

Mai Nguyễn – Hà Vy – Đặng Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP